MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

RESET 1010: Cuộc thi dùng AI ‘reset’ nền kinh tế hậu Covid, sân chơi kiếm tìm ý tưởng và giải pháp vực dậy các SME Việt Nam

"Ít người biết nút Like của Facebook được sáng tạo ra từ một cuộc thi Hackathon", Nguyễn Thúy Ngân - Giám đốc khu vực châu Á Thái bình dương của AngelHack - chia sẻ.

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa khởi động cuộc thi AI Hackathon online với tên gọi "RESET 1010". Cuộc thi diễn ra online trong ba ngày 20, 21, 22/11/ 2020, được kì vọng tạo ra một sân chơi năng động, sáng tạo và cũng đầy thử thách, nơi các thí sinh cùng nhau kiến tạo các giải pháp công nghệ nhằm mục đích giải quyết các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt sau đại dịch.

Chủ đề của cuộc thi xoay quanh 9 nhóm lĩnh vực chính bao gồm: Y tế; Hỗ trợ doanh nghiệp; Tài chính-ngân hàng; Giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực; Thương mại điện tử & bán lẻ; Logistics & chuỗi cung ứng; Tối ưu hóa vận hành; Nông nghiệp & Thực phẩm và May mặc.

Nói đến tác động của đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ Bùi Thế Duy cho biết bên cạnh tác động tiêu cực như đứt gãy chuỗi hàng hóa, cung ứng, thì đại dịch lần này cũng mang đến góc độ tích cực, khi công cuộc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết.

"Chúng ta mất 10 - 15 năm chưa triển khai được học trực tuyến, học từ xa. Nhưng chỉ trong 2020, cả nước chỉ 1 tháng đã làm được".

"Hackathon là một trong các sự việc quay trở lại, để chúng ta thích nghi với tình trạng bình thường mới. RESET 1010 hướng tới phát triển các ứng dụng công nghệ hỗ trợ các SMEs ổn định sản xuất, phục hồi chuỗi đứt gãy trong cung cấp hàng hóa, từ đó đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt", Thứ trưởng Duy nói.

Thứ trưởng Duy cho biết cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng, giải pháp, từ đó đầu tư để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp.

 RESET 1010: Cuộc thi dùng AI ‘reset’ nền kinh tế hậu Covid, sân chơi kiếm tìm ý tưởng và giải pháp vực dậy các SME Việt Nam  - Ảnh 1.

Lý giải về cái tên RESET 1010, bà Nguyễn Thúy Ngân - Giám đốc khu vực châu Á Thái bình dương của AngelHack - cho biết: Reset là một thuật ngữ trong máy tính. Khi máy tính bị treo hoặc có vấn đề, chúng ta sẽ ấn nút reset. Năm 2020 là một năm nhiều biến động, Ban tổ chức mong muốn tất cả mọi người có thể ấn nút reset để bắt đầu một năm 2021 tuyệt vời hơn nữa.

"Cuộc thi là lời kêu gọi cùng chung tay giúp các SMEs trong Covid-19. Còn "1010" là 2 số rất quen thuộc trong code, cộng thêm năm nay kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội", Ngân chia sẻ với Trí thức trẻ.

Hackathon đã diễn ra năm thứ 5 ở Việt Nam. Những tên tuổi bước ra từ Hackathon có thể kể đến Chungxe - đội thắng giải Hackathon năm 2018, đến giờ vẫn hoạt động và mở rộng, với mô hình kết nối người có xe nhàn rỗi với người muốn thuê xe tự lái.

Trong cuộc thi gần nhất "Hack Cô Vy", đội thắng cuộc Beetle Bot với robot ứng dụng AI ngăn ngừa sự phát tán của virus corona. Trong bệnh viện, robot Beetle Bot thay người lấy toàn bộ thông tin bệnh nhân từ tên, tuổi, tình trạng bệnh... giúp hạn chế tiếp xúc giữa người và người.

 RESET 1010: Cuộc thi dùng AI ‘reset’ nền kinh tế hậu Covid, sân chơi kiếm tìm ý tưởng và giải pháp vực dậy các SME Việt Nam  - Ảnh 2.

Beetle Bot cùng nhóm sáng chế. Ảnh: Lao động.

Robot này cũng nhận biết được và cảnh báo tình trạng không đeo khẩu trang khi có sự tiếp xúc gần. Ngoài ra, còn có khả năng đảm nhận nhiệm vụ phun xịt khử khuẩn, vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào các buồng bệnh hoàn toàn tự động. Robot này được phát triển bởi các bạn trẻ TPHCM, hiện đang thí điểm tại BV Nhiệt đới Trung Ương.

Chương trình lễ khởi động và cuộc thi "RESET 1010" nằm trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN) do Tổ chức thúc đẩy đổi mới công nghệ AngelHack tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa Học và Công Nghệ, sự đồng hành từ Aus4Innovation - chương trình hợp tác phát triển của Bộ Ngoại Giao và Thương mại Australia tại Việt Nam, UNDP - chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Báo điện tử VnExpress, Thành đoàn - Hội Sinh viên - Hội Liên hiệp thanh niên TP. Hà Nội và Công ty giải pháp trí thông minh nhân tạo Việt Nam (VAIS).

Cuộc thi chào đón tất cả các thí sinh có ý tưởng và kỹ năng phù hợp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để sáng tạo các giải pháp, bao gồm: lập trình viên, nhà thiết kế, các nhà khởi nghiệp, người làm giáo dục, nhà hoạt động xã hội… không giới hạn độ tuổi, dân tộc, ngành nghề hay vị trí địa lý. Đối với các thí sinh, đây là cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân, đóng góp các giải pháp đột phá. Toàn bộ quá trình tổ chức cuộc thi sẽ được thực hiện trực tuyến, ba đội thắng cuộc ngoài phần thưởng tiền mặt hấp dẫn với tổng giá trị lên đến gần 150.000.000 đồng sẽ có cơ hội tham gia chương trình ươm tạo tài trợ bởi chương trình Aus4Innovation để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Theo Bảo Bảo

Theo Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên