Reuters: Siêu bão Yagi áp sát Trung Quốc, trời tối sầm, sét dữ dội, đường vắng tanh
Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) chỉ còn cách đất liền miền nam Trung Quốc vài chục km.
Sức mạnh của siêu bão Yagi lớn thứ hai thế giới năm 2024
Cách đây ít giờ, CNN, Reuters, Channel News Asia đều nhận định siêu bão Yagi (bão số 3) là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ 2 thế giới tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2024 với sức gió mạnh nhất lên tới 245 km/giờ gần tâm bão. Cơn bão giữ kỷ lục mạnh nhất 2024 tính đến nay là siêu bão Cấp 5 Beryl diễn ra hồi tháng 7 ở Đại Tây Dương.
Báo điện tử Chính phủ (Việt Nam) cho biết, Yagi (bão số 3) là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão.
Yagi - một trong những cơn bão mạnh nhất tấn công châu Á - đang hướng đến đất liền dọc theo bờ biển nhiệt đới của đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Dù chưa chính thức đổ bộ nhưng những cơn gió mạnh và mưa lớn kèm theo sấm sét dữ dội từ siêu bão Yagi đã tấn công miền nam Trung Quốc ngày 6/9, khiến nhiều trường học phải đóng cửa và các chuyến bay buộc phải hủy để đảm bảo an toàn, hãng thông tấn của Anh cung cấp thêm thông tin.
Tại thủ phủ Hải Khẩu của tỉnh Hải Nam, đường phố vắng tanh vì mọi người chấp hành khuyến nghị ở trong nhà để đảm bảo an toàn của chính quyền tỉnh.
Independent (Anh) trích lời chuyên gia khí tượng cho hay, siêu bão Yagi đạt được trạng thái siêu bão với áp suất trung tâm tối thiểu là 915 milibar và sức gió có thời điểm vượt quá 257 km/giờ, khiến nó trở thành siêu bão tương đương cấp 5 theo nhiều phân loại khác nhau, bao gồm cả phân loại bão cao nhất của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA).
Chưa hết, theo cảnh báo từ các nhà khí tượng học của AccuWeather (Mỹ), siêu bão Yagi dự kiến sẽ tiếp tục mạnh lên khi di chuyển về phía tây qua phía bắc Biển Đông trong những ngày tới.
Bão Yagi được dự báo sẽ mang theo lượng mưa từ 400 đến 760 mm cho một số quốc gia châu Á. Lượng mưa lớn dữ dội như vậy có thể dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, lở đất và gây gián đoạn giao thông đáng kể.
Tốc độ gió liên quan đến Yagi cũng được dự đoán là có tác động cực đoan. Tốc độ gió giật của siêu bão Yagi có thể lên tới 260 km/giờ. AccuWeather dự báo Yagi có thể gây gió giật mạnh lên mức đỉnh 290 km/giờ. Những cơn gió mạnh và nguy hiểm như thế này có nguy cơ gây ra những thiệt hại đáng kể về cấu trúc, mất điện trên diện rộng và làm chậm trễ công tác hậu cần cứu nạn cứu hộ.
Yagi là từ tiếng Nhật có nghĩa là dê và chòm sao Ma Kết.
5 quốc gia nào bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi?
Là siêu bão mạnh thứ hai thế giới trong năm 2024, bão Yagi được dự báo có thể tác động nghiêm trọng lên ít nhất 5 quốc gia ở châu Á, bao gồm Philippines (đã đổ bộ trước), Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Theo Independent , siêu bão Yagi dự kiến sẽ gây gió giật mạnh và mưa lớn nghiêm trọng bắt đầu từ bờ biển đông nam Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam. Sau khi đổ bộ Trung Quốc, Yagi sẽ tiến sâu hơn nữa và gây mưa gió cực đoan cho các tỉnh miền Bắc Việt Nam, tiếp đến là Lào và Thái Lan khi nó tiếp tục di chuyển về phía Tây.
Trước đó vào đầu tuần này, bão Yagi (khi đó chưa nâng cấp thành siêu bão) đã tàn phá miền bắc Philippines, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng do lở đất và chết đuối, Channel News Asia thông tin.
Sau vài ngày di chuyển và hút năng lượng từ vùng nước biển ấm, bão Yagi liên tục tăng cấp thành siêu bão và có nhiều khả năng tấn công đảo Hải Nam với gió nguy hiểm và mưa như trút nước. Bão tác động mạnh nhất tại đây từ thứ Sáu ngày 6/9 đến Chủ nhật ngày 8/9.
Khi cơn bão di chuyển sâu vào đất liền, miền Bắc Việt Nam sẽ có mưa lớn và gió mạnh, có nguy cơ xảy ra lũ lụt và lở đất ở các vùng miền núi. Bắc Lào và Thái Lan cũng dự kiến sẽ phải đối mặt với những điều kiện thời tiết tương tự, với lượng mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét và lở đất dù Yagi cơ bản sẽ yếu đi khi đến những khu vực này.
Trung Quốc và Việt Nam căng mình chống bão Yagi
Để đối phó với siêu bão này, các quốc gia châu Á (đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam) đang căng mình chống bão nhằm giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể.
Tại Trung Quốc:
Các tuyến giao thông trên khắp miền Nam Trung Quốc hầu hết đã bị đóng cửa vào thứ Sáu ngày 6/9 với nhiều chuyến bay bị hủy ở đảo Hải Nam, Quảng Đông, Hồng Kông và Macao. Tuyến đường biển dài nhất thế giới, cây cầu chính nối Hồng Kông với Macao và Chu Hải ở Quảng Đông, cũng đã bị đóng cửa.
Tại trung tâm tài chính Hồng Kông, sàn giao dịch chứng khoán và nhiều trường học đã đóng cửa. Chính quyền khuyến nghị người dân hạn chế ra đường, và nhanh chóng tìm nơi tránh trú thực sự an toàn.
Chính phủ Trung Quốc đã cử lực lượng đặc nhiệm đến Quảng Đông và Hải Nam để hướng dẫn phòng chống lũ lụt và bão, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết.
Tại Việt Nam:
Trong cuộc họp liên quan đến công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì chiều 5/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, phải tận dụng khoảng thời gian quý giá trước khi bão số 3 đổ bộ, hành động khẩn trương, chuẩn bị mọi phương án ứng phó với tinh thần "không hối tiếc" , giảm thiểu thấp nhất tổn thất về người, thiệt hại tài sản, các công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.
Cùng ngày, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã yêu cầu tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại 4 sân bay ở miền Bắc, bao gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng hàng không Cát Bi, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không Thọ Xuân, theo thông tin từ TTXVN.
Ngày 6/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra cảnh báo mưa lớn kèm dông sét khu vực Hà Nội. Trung tâm cảnh báo, khoảng 9h30 phút đến 12h30 phút ngày 6/9, các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên có mưa rào và dông, sau đó mở rộng sang khu vực quận Đống Đa, Hoàng Mai và các quận nội thành khác của thành phố Hà Nội.
Lãnh đạo các thành phố miền Bắc Việt Nam đang tiếp tục kêu gọi, thông báo, hướng dẫn người dân tìm nơi tránh trú an toàn, neo đậu thuyền bè chắc chắn; cũng như gia cố nhà cửa và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với bão số 3.
Tham khảo: Báo điện tử Chính phủ, Reuters, Independent, Channel News Asia
Thanh niên Việt