MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Reviewer - Từ đối tác thành "ác mộng"

18-04-2023 - 14:39 PM | Kinh tế số

Reviewer là đối tác của các nhãn hàng nhưng giờ đây lại có thể trở thành "ác mộng" khi gay gắt trong cách thể hiện và phiến diện trong cách chê bai.

Reviewer - Từ đối tác thành -ác mộng- - VTV.VN

Với sức mạnh ảnh hưởng quyết định mua hàng của người dùng mạng xã hội, liệu nhiều trong số họ có đang ảo tưởng quyền lực? Có những review từ chân thực trở thành "siêu thực", tức là không có thật. Có những reviewer từ đối tác thành đối đầu với các nhãn hàng.

Sự nở rộ của các sàn thương mại điện tử, thói quen mua sắm online… đang khiến nghề KOC thịnh hành hơn, tăng cả về mặt cung lẫn cầu. Năm 2022 tại Việt Nam thậm chí còn có cả những cuộc thi quy mô được tổ chức, để tìm ra những KOC sáng giá. KOC là viết tắt của "Key Opinion Consumer" (người tiêu dùng chủ chốt hay còn gọi là các reviewer - những người trải nghiệm sản phẩm và chia sẻ trên mạng xã hội). Thế nhưng từ review chân thực, nêu cảm nhận cá nhân, nhiều nội dung đánh giá sản phẩm trở nên gay gắt trong cách thể hiện, phiến diện trong cách chê bai, ảnh hưởng xấu và trở thành "ác mộng" của nhiều nhãn hàng. Đối đầu các thương hiệu, liệu reviewer có phạm luật? Làm sao để trả lại sự công minh cho thị trường của các KOC?

Reviewer - Từ đối tác thành ác mộng - Ảnh 1.

Reviewer - Từ đối tác thành ác mộng - Ảnh 2.

Reviewer - Từ đối tác thành ác mộng - Ảnh 3.

Reviewer - Từ đối tác thành ác mộng - Ảnh 4.

Những ngày vừa rồi trên mạng xã hội, các cụm từ như "thánh reviewer", "chiến thần reviewer"... đang được nhắc đến nhiều hơn, khi liên tục có các vụ việc KOC quảng cáo "quá lố", reviewer chê khách của một tiệm cơm toàn là "trẻ trâu"... Nhân đây, những video đánh giá sản phẩm, quán ăn từng gây tranh cãi cũng được nhắc lại. Có những hội nhóm anti được lập nên và cũng hiếm khi lại có nhiều thành viên trong đó mang tick xanh, dùng Facebook chính chủ đến vậy.

Cái gì gây shock thì cũng dễ hút sự chú ý mà để đi "đường tắt", nhanh được biết đến, các reviewer này chọn đi ngược số đông, bằng cách chê rất mạnh bạo. Nhiều người chẳng ngại gọi mình là "reviewer xéo xắt". Họ nói đấy mới là review chân thật, trong khi lại đi nói tục để thể hiện cảm xúc, mở đầu video với một câu đầy tiêu cực khiến người xem hoang mang hoặc chẳng hề ngại ngần đặt dòng chữ "Quyết tâm đạp đổ chén cơm các quán ăn đến cùng" vào video của mình.

Reviewer - Từ đối tác thành ác mộng - Ảnh 5.

Theo một khảo sát trên thế giới, trích lại bởi tờ The Guardian (Người bảo vệ) của Anh, 55% người dùng TikTok quyết định mua hàng sau khi xem một sản phẩm được giới thiệu trên nền tảng này. Con số này trên Instagram là 54%.

Tại Việt Nam, theo số liệu tháng 2/2023 của Data Reportal, 89,8% tổng số người dùng Internet của Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội vào tháng 1/ 2023. 71,2% số người trong đó sử dụng TikTok - một kênh tương tác cao của các reviewer. Những con số này cho thấy các KOC có thể ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.

Một ví dụ điển hình là trong group antifan của một reviewer, có một người đã chia sẻ doanh thu cửa tiệm của người này trước khi được reviewer này đánh giá đang tăng trưởng rất tốt, với những con số sắc xanh. Ngay sau khi reviewer chê các sản phẩm của cửa tiệm, theo chủ bài viết nhận xét là "rất kỳ", doanh thu cửa tiệm liên tục giảm.

Reviewer - Từ đối tác thành ác mộng - Ảnh 6.

Nhiều ý kiến cho rằng, khẩu vị mỗi người một khác, người thích mặn, người thích ngọt, thích cay. Làn da cũng vậy, không phải sản phẩm dưỡng da nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Việc review của các KOC như thế này liệu có đủ chuyên môn, có khách quan? Liệu luật pháp có cho phép các KOC này được quyền review khen, chê các sản phẩm không giới hạn?

Hậu quả vi phạm pháp luật là có nếu các reviewer đưa thông tin sai lệch. Nhưng trước tiên hậu quả chính là sự tẩy chay, là tiếng xấu cho chính bản thân các KOC. Tuy nhiên, việc các cơ sở treo ảnh reviewer để cấm cũng là vi phạm luật pháp vì sử dụng hình ảnh cá nhân chưa được phép.

Reviewer - Từ đối tác thành ác mộng - Ảnh 7.

Không thể phủ nhận, những nội dung review đem đến cho người xem nhiều thông tin để biết đến một sản phẩm tốt, đưa ra quyết định trước khi trải nghiệm một dịch vụ/sản phẩm nào đó… Đó cũng là cách để luôn nhắc nhở người bán hàng hay cung cấp dịch vụ rằng thế giới giờ là thế giới phẳng nên hãy đặc biệt chú ý vào chất lượng sản phẩm cũng như cung cách làm ăn của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa reviewer có thể lạm dụng thứ quyền lực ảo và tệ hơn là dùng nó không nhằm mục đích góp ý xây dựng cho cộng đồng mà hòng tư lợi cá nhân.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên