MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Roadshow Lọc dầu Bình Sơn (BSR): Lý giải nguyên nhân đặt kế hoạch lợi nhuận suy giảm giai đoạn 2018-2022

20-12-2017 - 13:58 PM | Doanh nghiệp

Trên cơ sở thận trọng, BSC - đơn vị tư vấn cổ phần hóa của BSR cho rằng mức giá hợp lý của BSR giao động từ 14.822 đến 16.260 đồng/cp.

Nhằm cung cấp nhiều thông tin hơn và thu hút nhà đầu tư tham gia vào đợt IPO dự kiến diễn ra vào đầu năm 2018, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn ( BSR ) đã tổ chức buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu BSR tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào sáng ngày 20/12/2017.

Với vốn điều lệ tại thời điểm cổ phần hoá là 31.000 tỷ đồng, đơn vị đang quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là DNNN lớn nhất từ trước đến nay khi thực hiện cổ phần hóa, vượt qua hàng loạt tên tuổi trước đó như Vietnam Airlines, Petrolimex, Sabeco, Vietcombank, Becamex IDC…Mức giá khởi điểm đợt IPO được xác định là 14.600 đồng/cổ phần. Tại mức giá này, BSR được định giá khoảng 2 tỷ USD.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết trong suốt thời gian qua Công ty đã làm việc với 17 nhà đầu tư trong và ngoài nước và 5 nhà đầu tư chiến lược trong đó có những NĐT lớn như Tập đoàn Repsol từ Tây Ban Nha, 2 Tập đoàn dầu khí lớn đến từ Mỹ, một nhà đầu tư đến từ Nam Phi, sắp tới là nhà đầu tư đến từ Brunei…

BSR sẽ tiếp tục làm việc với các NĐT trong và ngoài nước để thực hiện thành công IPO. Đồng thời, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mạnh trong ngành để cùng phát triển lĩnh vực hoá dầu còn non trẻ.

NMLD Dung Quất chính thức được khởi công vào ngày 28/11/2005 với tổng mức đầu tư là 2,5 tỉ USD, được phê duyệt điều chỉnh lên 3 tỷ USD vào năm 2009 có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Các sản phẩm chính chiếm đến 85% doanh số của BSR chủ yếu đến từ các sản phẩm truyền thống là Diesel DO và RON92, RON95. Trong đó, sản phẩm dầu Diesel DO chiếm xấp xỉ 40% tỷ trọng doanh số và doanh thu của hai sản phẩm xăng truyền thống là RON92 và RON95 đã chiếm đến 45% doanh thu.

Theo phân tích của tổ chức tư vấn CTCK BSC, các yếu tố tác động chính đối với hoạt động kinh doanh của BSR là Chênh lệch giá bán đầu ra và đầu vào (Crack Spread); nhu cầu sử dụng xăng dầu nội địa; cạnh tranh với sản phẩm của NMLD Nghi Sơn và xăng dầu nhập khẩu; khả năng tối ưu hoá năng lực nhà máy và đặc biệt là hiệu quả của nhà máy nâng cấp mở rộng.


Lợi nhuận của BSR tỷ lệ thuận với Crack Spread (nguồn: BSC)

Lợi nhuận của BSR tỷ lệ thuận với Crack Spread (nguồn: BSC)

Lợi nhuận gộp của BSR biến động cùng chiều với Crack Spread. Năm 2015, nhờ Crack Spread tăng từ 12,48 USD/thùng lên 15,38 USD/thùng dẫn đến lợi nhuận BSR tăng. LNST năm 2016, Crack Spread giảm từ xuống 13,81 USD/thùng dẫn đến lợi nhuận giảm. Theo Stratas Advisor dự báo, Crack Spread tại khu vực Asia tiếp tục hỗ trợ lợi nhuận cho các DN lọc dầu trong những năm tới.

Trong giai đoạn 2013-2017, khoảng 90-94% chi phí của BSR đến từ dầu thô (trong điều kiện không tích trữ, đầu cơ nguyên liệu, không có biến động lớn bởi chính sách). Ngoài ra, chi phí chính của BSR gồm chi phí khấu hao (từ 2.300 – 2.400 tỷ đồng/năm và có thể tăng lên 4.200 tỷ đồng/năm sau khi dự án Nâng cấp mở rộng (NCMR) có tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD được triển khai. Bên cạnh đó, chi phí sữa chữa của lớn (3 năm lần và gián đoạn sản xuất trong vòng 52 ngày) được phân bổ hàng năm từ 600 – 700 tỷ đồng.

Đơn vị tư vấn BSC định giá dựa theo kịch bản Crack Spread 12,9 USD/thùng, giá dầu 50-55 USD, theo phương pháp định giá so sánh P/E, EV/EBITDA (chiết khấu 15% so với các DN cùng ngành có cùng quy mô trong khu vực Asia) là 14.822 đồng/cp và 15.173 đồng/cp. Còn theo phương pháp FCFF cho 3 giai đoạn 2017 -2021, 2022-2028 và tăng trưởng dài hạn, BSR được định giá khoảng 16.260 đồng/cp. Theo đó, trên cơ sở thận trọng, BSC cho rằng mức giá hợp lý của BSR giao động từ 14.822 đến 16.260 đồng/cp.

Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến việc đặt kế hoạch kinh doanh giảm giai đoạn 2018-2022, Tổng Giám đốc BSR cho biết năm 2018 dựa vào bộ giá và dự báo thị trường, Công ty đặt kế hoạch dự phòng giá mua dầu biến động. Tuy nhiên, khả năng thực hiện trong thực tế có thể tốt hơn so với dự báo. Chẳng hạn như năm 2017 nhiều dự bán khó khăn nhưng đến nay, ước thực hiện cả năm đạt khoảng 80.000 tỷ đồng doanh thu và 8.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Trong 2 năm 2020-2021, lợi nhuận của BSR giảm do đến giai đoạn bảo trì nhà máy. Đến năm 2022, là năm đầu vận hành nhà máy mới nên phải trích lập chi phí khấu hao lớn, ngoài ra, nhà máy hiện tại dự kiến sẽ phải nghỉ từ 40-60 ngày để kết nối với NCMR khi hoàn thành dẫn đến lợi nhuận kế hoạch giảm.

Nhà đầu tư cũng quan tâm đến khả năng cạnh tranh giữa sản phẩm của NMLD Bình Sơn so với NMLD Nghi Sơn sắp đi vào vận hành? Ông Trần Ngọc Nguyên cho rằng, khi Nghi Sơn đi vào hoạt động thì cả 2 nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất mới chỉ có thể đáp ứng 80% thị trường trong nước nên rủi ro cạnh tranh là rất thấp. Hơn nữa, chi phí đầu tư của Nghi Sơn cao hơn, chi phí khấu hao giai đoạn đầu lớn và cần thời gian để phát triển hệ thống bán hàng. Trong khi đó, các sản phẩm xăng ngoại nhập có giá tương đương nhưng không thuận tiện cho các nhà phân phối trong nước bằng việc mua qua BSR do phải tốn chi phí bảo hiểm, vận chuyển,…

“Một lợi thế rất lớn của Bình Sơn là điểm hoà vốn Crack Spread khoảng 7- 9 USD/thùng, trong khi Crack Spead của thị trường hiện trên 13 USD/thùng. Điều này tạo nên một nền tảng vững chắc cho sức cạnh tranh của BSR.” Ông Nguyên cho biết.

Nói về dự án nâng cấp mở rộng, CEO BSR cũng cho biết thêm đây là dự án nhằm hỗ trợ tăng trưởng sản lượng trong dài hạn để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tận dùng nguồn dầu thô của VN và đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 xăng dầu được áp dụng từ 2022. Hiện dự án đang hoàn thành lựa chọn công nghệ, đang triển khai nhà thầu EPC giai đoạn 1, về cơ bản đã có thể tiến hành thi công san lấp.

Đại diện BSR cũng cho biết, tổng mức đầu tư dự án là 1,8 tỷ USD. Công ty sẽ vay khoảng 1,2 tỷ USD. Vì đây là dự án trọng điểm quốc gia nên được Chính phủ bảo lãnh. Trong đó, khoảng 1 tỷ USD sẽ vay từ các NH nước ngoài. BSR đang tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn tài trợ tín dụng.

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cổ phần của BSR tại Công ty nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (BSR – BF). Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV BSR cho biết, Công ty đang tiến hành thực hiện thoái vốn khỏi Công ty này sau khi tái khởi động dự án. Hiện các NĐT đã sẵn sàng góp vốn để vận hành lại nhà máy, BSR không đầu tư thêm và chỉ chờ thoái vốn sau khi nhà máy vận hành trở lại.

Về cổ đông chiến lược, đại diện BSR cho biết do quy mô của đợt chào bán lớn, BSR sẽ cần thời gian để làm việc với các đối tác chiến lược sau khi hoàn tất IPO. Ngoài ra, đại diện BSR cũng cho biết công ty sẽ đăng ký giao dịch cổ phiếu BSR lên sàn UpCom khoảng 1 năm, sau đó sẽ niêm yết chính thức trên thị trường chứng khoán.

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên