MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Robot cổ cồn trắng”, những trợ thủ đắc lực nêu bật vai trò chuyển đổi số ngành logistics

“Robot cổ cồn trắng”, những trợ thủ đắc lực nêu bật vai trò chuyển đổi số ngành logistics

Đọc dữ liệu trên giấy tờ, trích xuất thông tin và đưa chúng vào những file lưu trữ là việc từng ngốn nhiều thời gian của nhân sự ngành logistics nhưng đã có thể được thay thế bởi robot. Đó cũng là một trong hàng loạt giải pháp nhằm chuyển đổi số ngành dịch vụ then chốt này.

Một xu thế không thể cưỡng lại

Trong phiên thảo luận về Chuyển đổi số cho lĩnh vực Dịch vụ Logistics tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2020, tất cả các diễn giả, bao gồm đại diện các bộ ban ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực Logistics đều chia sẻ nhận định chuyển đổi số là điều tất yếu.

Nói về tầm quan trọng của Logistics, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công thương nhấn mạnh đây là điểm mấu chốt giúp nền kinh tế vận hành, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19 khiến nhiều thứ bị đình trệ. Ngoài vai trò kết nối, hỗ trợ, Logistics còn góp phần lớn vào thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chính bởi tầm quan trọng của Logistic, ông Hải cho rằng việc chuyển đổi số mảng này là điều tất yếu mà các bên buộc phải làm. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những thách thức mới, lĩnh vực này cũng cần phải chuyển đổi số để thỏa mãn các yêu cầu, vốn ngày càng cao hơn bởi các đột phá về công nghệ.

“Robot cổ cồn trắng”, những trợ thủ đắc lực nêu bật vai trò chuyển đổi số ngành logistics - Ảnh 1.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, chỉ ra những thách thức với yêu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này. Khó khăn về vốn, công nghệ hay các phần mềm phân hóa, chưa được chuẩn hóa khiến chuyển đổi số ngành Logistics trở nên tốn kém cả về công sức lẫn tiền bạc. Ngoài ra, tâm lý chưa thực sự tin tưởng và tư duy ngại thay đổi của một số doanh nghiệp cũng được xem là trở ngại của quá trình này.

Tham dự chương trình, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SNT Global Logistics Sdn Bhd, cũng đã có những chia sẻ những câu chuyện từ doanh nghiệp của mình. Hoạt động trong lĩnh vực Fullfillment (thực hiện đơn hàng toàn diện), SNT Global của ông Wong cung cấp kho vận ở Malaysia, Singapore và một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Ông Wong nhấn mạnh cái gọi là kho vận đa kênh, trong đó có cả vận chuyển hàng hóa, năng lực phân phối cũng như đóng gói. Những vấn đề nổi cộm được nêu ra là đóng gói và theo dõi hàng hóa, vận chuyển hàng hóa giữa doanh nghiệp tới doanh nghiệp hoặc tới người tiêu dùng, kết nối các nền tảng thương mại điện tử với kho và khách hàng hay việc thu hồi hàng hóa luôn là những câu hỏi khó.

Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng ngày càng lớn, những quy định khác nhau về mức thuế quan giữa các quốc gia, càng đặt ra yêu cầu đòi hỏi kết nối phải đạt hiệu quả cao nhất nhằm tận dụng mọi lợi thế để giảm chi phí cũng như tăng khả năng cạnh tranh và phục vụ khách hàng xuyên biên giới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp phải đối mặt với một câu hỏi khó hơn là làm sao để số hóa những công việc này và tạo ra sự liên kết với nhau nhằm mang tới hiệu quả cao nhất.

Những giải pháp được sẻ chia

Những thách thức đối với chuyển đổi số ngành Logistics chắc chắn không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, kinh nghiệm chuyển đổi số từ các tập đoàn trong và ngoài nước được chia sẻ tại Hội thảo cho thấy tiến trình này, dù khó khăn, nhưng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Ông Christopher Lim, CEO Glee Trees Pte Ltd, Singapore, mang đến hội nghị một giải pháp kết hợp giữa tự động hóa và AI để giúp giải quyết khối lượng khổng lồ giấy tờ, đơn vận và các yêu cầu khác trong ngành Logistics. Thừa nhận sự không đồng nhất là rào cản nhưng Glee Trees mang đến một giải pháp dựa trên công nghệ mới.

"Chúng tôi dùng trí tuệ nhân tạo để đọc hình ảnh, xử lý ngôn ngữ. Được gọi là những robot áo cổ cồn trắng, chúng có thể đọc và phân loại dữ liệu nhanh gấp 5 lần con người. Việc triển khai các robot này cũng nhanh nhưng lại rất tiết kiệm chi phí và có lợi nhuận trên vốn đầu tư cao", ông Lim chia sẻ.

Tiến xa hơn, những phần mềm này còn có thể xử lý thu hồi hàng hư hại hoặc không được giao, quản lý kho bãi, tiếp nhận yêu cầu đổi hàng hay tự động điền tờ khai tại các cảng. Việc trích xuất thông tin bằng máy giúp tránh những sai sót do lỗi chủ quan của con người. Những thông tin phi cấu trúc cũng dễ dàng được nhận dạng và đưa vào file exel. Người sử dụng chỉ cần kiểm tra lại kết quả.

“Robot cổ cồn trắng”, những trợ thủ đắc lực nêu bật vai trò chuyển đổi số ngành logistics - Ảnh 2.

Bên cạnh thành tựu của các doanh nghiệp nước ngoài, các đơn vị Logistics Việt Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích trong quá trình chuyển đổi số. Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó TGĐ Viettel Post, nhấn mạnh chuyển đổi số đã diễn ra ở doanh nghiệp này từ lâu, thậm chí trước cả khi nó được biết tới là chuyển đổi số.

Ông Long cho biết Viettel Post mới thực sự đầu tư vào công nghệ cách đây vài năm và đã có nhiều thành tưu. Việc kết nối tới khách hàng, vốn rất phức tạp trước đây, giờ đã được đơn giản hóa bằng các ứng dụng kết hợp những thuật toán thông minh với trí tuệ nhân tạo.

Theo ông Long, việc sử dụng AI để dự đoán nhu cầu khách hàng có thể giải được một phần bài toán chi phí thông qua tăng năng suất. Thậm chí, việc hạn chế xe rỗng còn có thể tiết kiệm tới 30% chi phí trong lĩnh vực vận tải. Số tiền này có thể được sử dụng để đầu tư cho chuyển đổi số.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, cũng chia sẻ về hệ thống chuyển đổi số trong hoạt động liên quan tới hàng rời tại các cảng. Cụ thể, từ đầu năm, CICT Portal đã được đưa vào sử dụng để khách hàng tại Cảng Cái Lân có thể truy vấn thông tin về hàng hóa mọi lúc, mọi nơi. Khách hàng đăng ký lấy hàng online mà không cần đến cảng trực tiếp. Sản phẩm hiện đã tương thích cả trên máy tính và điện thoại.

Bà Nguyễn Hoàng Anh, đồng sáng lập và Giám đốc Vận hành Công ty Abivin, cũng mang tới hội nghị những kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai Giải pháp Chuyển đổi số cho ngành dịch vụ Logistics trong nước và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cũng chỉ ra một loạt các vấn đề còn tồn tại với chuyển đổi số ngành Logistic Việt Nam. Một trong số đó là chi phí logistics tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với trung bình của thế giới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Logistics với năng lực phát triển, năng lực cạnh tranh quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và các bên liên quan, ông Võ Trí Thành bày tỏ hy vọng chữ Logistics sẽ không còn "hot" như một vài năm qua và sẽ trở thành "bình thường" để gắn với sự phát triển của đất nước.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên