Rối tố tụng trong vụ ‘siêu lừa’ Huyền Như
Năm người bị hại yêu cầu VietinBank bồi thường hơn 1.000 tỉ đồng trong khi ngân hàng này khẳng định mình không có lỗi.
Ngày 8-2, TAND TP.HCM bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng (NH) TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh TP.HCM) bị truy tố lừa đảo chiếm đoạt trên 1.085 tỉ đồng của năm công ty.
Vẫn truy tố tội lừa đảo
Hai bị cáo này từng bị truy tố về tội lừa đảo trong đại án 4.000 tỉ đồng mà TP.HCM xử năm 2014. Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao (nay là TAND Cấp cao) tại TP.HCM nhận định hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 1.085 tỉ đồng của năm công ty có dấu hiệu của tội tham ô tài sản nên đã hủy phần này để điều tra, xét xử lại. Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, VKS vẫn tiếp tục truy tố tội lừa đảo.
Theo đó, từ năm 2007 Huyền Như đã vay trên 200 tỉ đồng của nhiều NH, tổ chức và vay của nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, Như không còn khả năng thanh toán.
Từ năm 2001 đến 2010, Như là cán bộ của NH VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Đến ngày 25-6-2010, Như được bổ nhiệm là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Chi nhánh TP.HCM. Để có tiền trả nợ cá nhân, Như lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho NH VietinBank để gặp gỡ, thỏa thuận với các môi giới, đại diện của năm công ty. Bị cáo nhận tiền gửi của các đơn vị này với lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần Nhà nước quy định.
Như cũng hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới (lãi suất theo quy định do VietinBank trả; còn tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới do Như trả bằng tiền cá nhân).
Bị cáo Huyền Như và Anh Tuấn tại tòa. Ảnh: NGÂN NGA
Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại VietinBank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm sát viên, trưởng phòng giao dịch) trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho Như. Với thủ đoạn nêu trên, trong thời gian từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2011, Như đã chiếm đoạt được 1.085 tỉ đồng của năm công ty.
Tại tòa, Như khai thời điểm đó VietinBank không có nhu cầu huy động tiền gửi nhưng vẫn có một số người chủ động gọi điện thoại cho bị cáo gửi tiền, có người thì bị cáo chủ động liên lạc. Cũng theo Như, một số công ty có tài khoản tại NH nhưng Như vẫn yêu cầu thành lập tài khoản mới tại NH. Vì như vậy Như sẽ dễ dàng dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt tiền. Và để huy động số tiền gửi của năm công ty, Như đã chi lãi suất ngoài vượt trần lãi suất ở mức cao, chi đậm tiền môi giới. Cụ thể, trong hành vi chiếm đoạt 125 tỉ đồng, Như còn chi cho một phụ nữ tên Lê Huyền Trân số tiền hơn 5 tỉ đồng...
Một hành vi bị xử hai lần?
Cạnh đó, bị cáo Như cũng “đính chính” cho đồng phạm Tuấn khi cho là việc chiếm đoạt hơn 200 tỉ đồng của Công ty Hưng Yên không nghĩ Tuấn lại “dính tội”. Vì Tuấn không liên quan đến công ty này, việc tiếp xúc, huy động tiền gửi của công ty này đã hoàn thành trước khi Tuấn cùng Như gặp đối tác tại Hà Nội.
Đáng chú ý, sau phần xét hỏi của VKS và luật sư (LS), chủ tọa hỏi xoáy Huyền Như các câu hỏi khi đi giao dịch, thỏa thuận bàn bạc với đối tác có xưng danh là cán bộ VietinBank dù dùng tên giả. Ban đầu bị cáo Như chối nhưng sau ngập ngừng, trả lời đúng diễn biến đã khai tại cơ quan điều tra từ đầu.
Về số tiền 10 tỉ đồng được cơ quan tố tụng xác định là Tuấn được Như đưa cho từ tiền phạm tội mà có, Tuấn trả lời LS đấy là tiền Như chuyển vào Công ty Hoàng Khải (công ty góp vốn của Huyền Như và Anh Tuấn để đầu tư nhà máy lau bóng gạo tại An Giang).
Bị cáo Tuấn cũng cho rằng hành vi của mình đã được xem xét ở phiên tòa trước (xử sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng - PV). Và lần này bị xem xét lại ở phiên tòa thứ hai lừa đảo, vô hình trung là một hành vi bị xem xét hai lần. Đây cũng là lý do trong phần thủ tục, LS của bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập điều tra viên và VKS đến phiên xử trả lời các vấn đề về tố tụng. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy không nhất thiết vì suốt quá trình điều tra, truy tố đến nay không có bị can, bị cáo, người liên quan có khiếu nại gì về tố tụng.
Trách nhiệm bồi thường ra sao?
Tại tòa, năm công ty đề nghị HĐXX buộc VietinBank phải bồi thường cả gốc lẫn lãi số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt vì tài khoản họ là có thật tại VietinBank. Cụ thể, Công ty Hưng Yên yêu cầu bồi thường hơn 400 tỉ đồng, Công ty SBBS hơn 220 tỉ đồng, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu yêu cầu bồi thường hơn 149 tỉ đồng, Công ty Phương Đông yêu cầu bồi thường gần 900 tỉ đồng, Công ty An Lộc yêu cầu bồi thường số tiền hơn 400 tỉ đồng.
Trình bày, đại diện VietinBank nói: “Tất cả chủ trương và hoạt động của NH không trái pháp luật, không trái quy định của NH Nhà nước”.
Theo đại diện VietinBank, năm công ty nghe theo dụ dỗ của Huyền Như làm trái quy định của pháp luật, đã ký hợp đồng giả, cho thuê, cho mượn tài khoản. Các công ty bị Huyền Như chiếm đoạt tiền do xuất phát từ lòng tham của họ và lợi ích cá nhân của người môi giới. Từ đó, VietinBank đề nghị bác bỏ các yêu cầu bồi thường của năm công ty đối với NH.
Tòa giải đáp các ý kiến của luật sư
Trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa, các LS còn có một số đề nghị với HĐXX liên quan đến tố tụng.
Cụ thể, LS yêu cầu triệu tập ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc VietinBank Chi nhánh TP.HCM) và bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó Giám đốc)... HĐXX thông báo đã triệu tập nhưng như đã thông báo, ông Sẽ đang chữa bệnh tại Mỹ và bà Hương bệnh nặng. Đồng thời, một số người liên quan khác tại các chi nhánh NH thì hồ sơ đã có rất nhiều lời khai, sự vắng mặt những người này không ảnh hưởng đến vụ án.
LS còn cho rằng cần xem xét lại tư cách tham gia tố tụng vì có LS trong vụ án bảo vệ quyền lợi cùng lúc cho hai công ty. HĐXX nhận thấy Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc có quyền lợi không mâu thuẫn nên việc một LS bào chữa là không ảnh hưởng, không sai tố tụng.
LS cũng yêu cầu thay đổi vai trò tố tụng của NH VietinBank không phải là người liên quan, do các công ty đòi NH này bồi thường. HĐXX giải thích: Vụ án này truy tố các bị cáo lừa đảo nên việc xác định tư cách VietinBank trên là người liên quan. Nếu có thay đổi phát sinh thì tùy tình hình, HĐXX sẽ xem xét, quyết định. Còn giai đoạn này, yêu cầu của LS là không có căn cứ.
Pháp luật TPHCM