MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk

27-08-2024 - 14:59 PM | Thị trường

Có mùa thu hoạch sôi động nhất, giá trị kinh tế hấp dẫn nhất và một lễ hội đặc sắc không thể chối từ, cây sầu riêng đang trở thành một trụ cột kinh tế khác của Đắk Lắk bên cạnh cà phê.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 1.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 2.

sầu riêng

Krông Pắc, vùng trọng điểm sầu riêng của Đắk Lắk đã vào chính vụ thu hoạch. Hương thơm của loại trái cây đặc sản này đã vấn vương trên suốt quãng đường hơn 20km của Quốc lộ 26, đoạn từ xã Hòa Đông qua các xã Ea Kênh, Ea Yông thị trấn Phước An đến xã Hòa An, huyện Krông Pắc.

Hai bên đường, những chiếc xe container xếp thành hàng dài chờ “ăn” hàng. Đích đến của đoàn xe đều là các cửa khẩu ở Biên giới phía Bắc và xa hơn là các chợ sầu riêng ở thị trường tỷ dân - Trung Quốc.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 3.

Mùa thu hoạch này, sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có giá trung bình 70.000 đồng/kg, thấp hơn so với năm ngoái nhưng vẫn là loại nông sản siêu giá trị, đem lại hàng tỷ đồng mỗi héc ta, đủ giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú.

Cùng với mối quan tâm về giá bán và ổn định thị trường, nông dân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp ở Đắk Lắk, nhất là ở thủ phủ sầu riêng Krông Pắc quan tâm tính cấp thiết nhất của mùa vụ, đó là an ninh trật tự, chỗ đậu an toàn cho hàng nghìn xe container và an toàn giao thông trên Quốc lộ 26, xuyên qua vùng sầu riêng lớn nhất tỉnh.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 4.

Hình ảnh xe container xếp lớp chờ ăn hàng dễ thấy vào những ngày này ở Đắk Lắk

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 5.

Một đoạn trên QL26 qua huyện Krông Pắc, Đắk Lắk

Với hơn 300.000 tấn sầu riêng sẽ thu hoạch, tập trung chủ yếu trong 3 tháng, trung bình mỗi ngày sẽ có từ 100 đến 300 chuyến xe container 40 feet. Cùng với đó là hàng nghìn xe công nông, xe tải nhỏ và cả những xe máy chở 2 sọt tấp nập trên tuyến đường ngang, ngõ tắt thường xuyên làm ùn ứ giao thông trên quốc lộ.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 6.

Chỉ riêng bài toán giao thông, đã khiến cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp phải cùng vào cuộc. Những kho bãi của các doanh nghiệp cà phê, những trạm xăng hai bên đường, đều được trưng dụng cho mùa thu hoạch sôi động nhất trong năm - ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc cho biết như vậy.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 7.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 8.

Thủ phủ sầu riêng Krông Pắc của Đắk Lắk, vốn là vùng đất lịch sử, nơi có đồn điền cà phê Cada nổi tiếng từ những năm đầu thế kỷ 20. Thủ phủ này càng nổi tiếng hơn khi là vùng cà phê đầu tiên tiến hành trồng xen sầu riêng cơm vàng hạt lép với quy mô đại điền.

Hơn 20 năm phấn đấu xây dựng, Krông Pắc đã trở thành ngôi trường trên thực địa để các tỉnh Tây Nguyên đến học hỏi kỹ thuật trồng sầu riêng, trở thành đất lành chim đậu, thu hút những doanh nghiệp cà phê hàng đầu cả nước đặt cơ sở kinh doanh. Đây cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam có lễ hội sầu riêng nức tiếng.

Nông dân Krông Pắc, nhiều người đã nổi tiếng vì có tay nghề trồng sầu riêng siêu hạng, với những vườn cây năng suất cao nhất cả nước, những cây sầu riêng trong mơ, năm nào cũng đạt trên dưới 1 tấn quả.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 9.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 10.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 11.

Bà con dân tộc thiểu số trong huyện, những người tin theo chủ trương của tỉnh về trồng xen sầu riêng vào vườn cà phê, nay hầu như đã có tài sản từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Anh Y Thơm Niê, buôn trưởng Buôn Jung, xã Ea Yông cho biết, việc tin và làm theo chủ trương phát triển cây sầu riêng không chỉ đem lại cho bà con thu nhập gấp 5, gấp 10 các loại cây truyền thống, mà còn giúp bà con trở nên chuyên nghiệp trong hạch toán kinh doanh và canh tác cây trồng.

Hầu như ai ở buôn Jung cũng đã quen với việc quét mã QR để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm mà mình mua sắm, nhất là phân bón, vật tư nông nghiệp nhằm tránh tối đa hàng giả, hàng kém chất lượng; gia đình nào cũng có người biết kỹ thuật nuôi cơi, làm bông, dưỡng trái để có vườn cây năng suất và chất lượng.

Không chỉ tiên phong phát triển sầu riêng xuất khẩu, làm lợi cho cả khu vực Tây Nguyên, thủ phủ sầu riêng Krông Pắc còn tiên phong kiến tạo những giá trị văn hóa ngành hàng.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 12.

Lễ hội sầu riêng Krông Pắc, từ lần thứ nhất tổ chức (năm 2022) đã gây được tiếng vang lớn, vượt xa tầm vóc của một lễ hội cấp huyện, hướng tới trở thành lễ hội của cả ngành sầu riêng Việt Nam, trở thành nơi hòa hợp của văn hóa cồng chiêng, thể thao truyền thống, trải nghiệm thực tế canh tác, thu hoạch và thưởng thức hương vị và kết nối thương mại - đầu tư.

Nông dân Krông Pắc, từ được biết đến bởi trình độ canh nông, nay càng được biết đến nhiều hơn với vai trò của những chủ nhân của lễ hội, giàu bản sắc và mến khách.  Những vườn cây chất lượng nhất đang được bà con chăm chút chu đáo, để có những trái sầu riêng vừa độ chín, mời khách thưởng thức miễn phí trong lễ hội sầu riêng lần này.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 13.

Sau 20 năm phát triển, nay Đắk Lắk đã có khoảng 35 nghìn héc ta sầu riêng, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng sầu riêng nhanh nhất cả nước. Cùng với tốc độ tăng trưởng, sầu riêng Đắk Lắk cũng dẫn đầu về đầu tư chiều sâu, khi có nhiều diện tích vùng trồng, nhiều cơ sở đóng gói được cấp mã số, đảm bảo có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Không chỉ xuất khẩu trái tươi tới thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp sầu riêng Đắk Lắk còn mạnh dạn đầu tư công nghệ để cấp đông và sấy thăng hoa sản phẩm đã tách múi, đảm bảo có nguồn hàng cung cấp quanh năm ra thị trường, giảm thiểu được nguy cơ ùn ứ không tiêu thụ kịp những khi rộ vụ. Các khu công nghiệp ở thành phố Buôn Ma Thuột, các địa bàn ở vùng thủ phủ sầu riêng Krông Pắc, các huyện Cư M’ga, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, cũng đã có các nhà máy chế biến sâu sản phẩm sầu riêng. Đắk Lắk cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam, có doanh nghiệp đầu tư công nghệ sấy tách nước nguyên trái, đảm bảo sầu riêng tươi ngon cả tháng, thích nghi tốt với những trắc trở, chậm trễ có thể gặp phải trên hành trình xuất khẩu.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 14.

Tương lai phát triển của sầu riêng Đắk Lắk càng rộng mở khi nội lực của tỉnh này được tiếp sức bằng nguồn đầu tư lớn của Trung ương, khi cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa được xây dựng, xuyên qua các vùng sầu riêng rộng lớn, mở thêm nhiều dư địa để xây dựng các cụm công nghiệp và sẽ có chỗ thỏa đáng cho sự phát triển của logistic và “công nghiệp sầu riêng”.

Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc cho rằng, trục Quốc lộ 26 qua Krông Pắc đã trở nên quá nhỏ hẹp, và dường như càng nhỏ hẹp hơn mỗi lần sầu riêng vào vụ thu hoạch. Theo dự kiến cuối năm 2025 khi cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chính thức thông xe sẽ góp phần tháo gỡ tình trạng này.

Với sức hút của những vườn sầu riêng tiền tỷ, của lễ hội sầu riêng lần thứu 2 năm 2024 sắp tới và sự thuận lợi do cao tốc mang lại, Krông Pắc đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

“Đã có hơn 11.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Krông Pắk kể từ sau Lễ hội sầu riêng lần thứ nhất năm 2022. Riêng năm 2024 này, có 4 dự án trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nhà máy chế biến hoa quả với tổng số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng sẽ khởi công trên địa bàn huyện. Đây tín hiệu kinh tế rất tích cực!" - ông Trần Hồng Tiến hồ hởi nói.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 15.

Rộn ràng ngày mùa ở thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk- Ảnh 16.

Vùng trồng sầu riêng ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc

Theo Lê Hải Sơn - Nguyễn Tuấn Long - Dương Đình Tuấn - Trình bày: Hà Phương

VOV

Trở lên trên