MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ròng rã 10 năm thanh tra vẫn không phát hiện âm quỹ tại DongABank, đại diện NHNN nói gì?

04-12-2018 - 16:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Trả lời HĐXX, đại diện NHNN cho rằng do các bị cáo tại DongABank dùng thủ đoạn tinh vi nên mặc dù kiểm tra nhiều lần, NHNN vẫn không phát hiện sai phạm. Đáp lại vị này, chủ toạ cho biết nếu để ý dòng tiền luân chuyển là có thể phát hiện ra vấn đề.

Ngày 4/12/2018, TAND Tp.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ thất thoát 3.608 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DongABank, DAB), liên quan đến bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm), Trần Phương Bình (Nguyên Tổng Giám đốc DAB) và 24 bị cáo khác.

HĐXX phiên hôm nay có xét hỏi đến đại diện cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và công ty kiểm toán, làm rõ tại sao nhiều năm liền các bên liên quan không phát hiện tình trạng âm quỹ tại DAB.

Đại diện NHNN khẳng định làm tròn trách nhiệm, đúng quy định

Trả lời HĐXX, đại diện NHNN cho rằng do các bị cáo dùng thủ đoạn tinh vi nên mặc dù kiểm tra nhiều lần, NHNN vẫn không phát hiện sai phạm. Đáp lại vị này, chủ tọa cho biết nếu để ý dòng tiền luân chuyển là có thể phát hiện ra vấn đề.

Cùng với đó, theo kế hoạch từ NHNN, trong các lần thanh tra từ năm 2007-2014, cơ quan thanh tra chỉ thực hiện thanh tra theo từng chủ đề, không thanh tra toàn diện. Do đó cho đến năm 2014 khi tiến hành thanh tra toàn diện, cơ quan mới phát hiện được sai phạm tại DAB.

Khẳng định tại phiên chiều, đại diện NHNN một lần nữa cho biết cơ quan thanh tra đã làm tròn trách nhiệm, đúng với quy định của mình. Chi tiết phần trả lời của đại diện cơ quan thanh tra NHNN như sau:

VKS: Có bao nhiêu thanh tra DAB?

Đại diện NHNN: Tại NHNN Chi nhánh Tp.HCM đã có 11 cuộc thanh tra DAB.

VKS: Thực hiện theo lộ trình như thế nào?

Đại diện NHNN: Theo kế hoạch được duyệt hàng năm của Thống đốc NHNN giao phó.

VKS: Bị cáo Bình khai báo mỗi lần thanh tra sẽ được thông báo trước kế hoạch, nội dung thanh tra, đúng không?

Đại diện NHNN: Trong vòng 5 ngày, cơ quan thanh tra sẽ công bố cho đơn vị biết để chuẩn bị nội dung liên quan.

VKS: Có bao nhiêu cuộc thanh tra toàn diện và từng phần? Tức có năm thanh tra nội dung này, năm thanh tra nội dung khác theo như bị cáo Bình đã nói?

Đại diện NHNN: Tất cả các đợt thanh tra từ 2007 đến nay thì thanh tra theo từng chuyên đề, nội dung chứ không thanh tra toàn diện. Riêng năm 2014 mới tiến hành thanh tra toàn diện và mới phát hiện được vấn đề sai phạm tại DAB.

VKS: Tại sao từ 2007-2014 không thanh tra toàn diện?

Đại diện NHNN: Cơ quan chỉ thực hiện theo kế hoạch thanh tra của NHNN, điều này là đúng với quy định.

VKS: Có khi nào thanh tra quỹ?

Đại diện NHNN: Trong 11 đợt trên thì không có nội dung thanh tra kiểm quỹ. Còn việc đối chiếu số lượng vàng thực tế với số liệu ghi nhận là phát sinh thêm, từ đó mới phát hiện được sai phạm.

Trước đó bị cáo Trần Phương Bình khai rằng để che giấu các khoản tiền chênh lệch, trước mỗi đợt thanh tra đều nhận được thông báo, do đó bị cáo đã sớm làm việc với phòng Ngân quỹ điều chuyển các khoản âm quỹ đó đến các chi nhánh, phòng giao dịch nơi mà các cơ quan thanh tra không thanh tra nên không bị phát hiện.

Cứ thanh tra là "phân tán" quỹ âm

Chi tiết trong phần xét hỏi trước đó, khi chủ tọa hỏi vì sao từ năm 2012, Cơ quan thanh tra giám sát của NHNN, Công ty kiểm toán đều thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện việc quỹ tiền, vàng bị âm số lượng lớn, Cơ quan thanh tra NHNN và Công ty kiểm toán có làm hết trách nhiệm? Bị cáo Bình từng khai báo việc thanh tra tiến hành theo năm, chủ yếu kiểm tra hoạt động tín dụng. Đến năm 2014 kiểm tra toàn diện.

Theo lời bị cáo Bình, thanh tra đã có lần thực hiện thanh tra quỹ nhưng không phát hiện thâm quỹ vì trước khi thanh tra, Cơ quan thanh tra NHNN thông báo trước vài ngày để ngân hàng chuẩn bị số liệu. Khi đó bị cáo triệu tập các bộ phận ngân quỹ, bộ phận quản lý nguồn vốn, các phòng liên quan lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền, vàng; hợp đồng ủy thác đầu tư khống; hạch toán mua, bán vàng khống; lập chứng từ điều vốn khống từ Hội sở về các chi nhánh, phòng giao dịch - là nơi Cơ quan thanh tra không thanh tra.

Sau khoảng 10 ngày thanh tra, kiểm toán xong, các chi nhánh, phòng giao dịch điều chuyển ngược lại Hội sở, do đó không phát hiện âm quỹ.

Công ty kiểm toán cũng chỉ kiểm toán tại Hội sở

Còn đối với Công ty kiểm toán, họ chỉ thực hiện kiểm toán tại Hội sở chính, không thể kiểm toán hết tại hơn 220 chi nhánh vì tốn kém chi phí. Tức theo bị cáo Bình, công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán theo mẫu, từ đó ghi nhận cho cả hệ thống.

Rõng rã 10 năm thanh tra vẫn không phát hiện âm quỹ tại DongABank, đại diện NHNN nói gì? - Ảnh 1.

Cựu Tổng Giám đốc DAB: "Việc Cơ quan thanh tra NHNN hay Công ty kiểm toán có làm đúng trách nhiệm hay không thì bị cáo không có ý kiến".

"Theo nguyên tắc khi thanh tra tra buộc phải kiểm đếm thực tế, so sánh sổ sách kế toán, còn việc Cơ quan thanh tra NHNN hay Công ty kiểm toán có làm đúng trách nhiệm hay không thì bị cáo không có ý kiến", Cựu Tổng Giám đốc DAB trả lời trước tòa.

Ghi nhận theo cáo trạng, trong quá trình 10 năm diễn ra sai phạm tại DAB, Cơ quan thanh tra NHNN đã không phát hiện việc điều chuyển quỹ âm về các chi nhánh để hợp thức hóa sai phạm, Ban kiểm soát cũng không có ý kiến vì có thể họ nghĩ việc này đã giao cho kiểm toán làm.

Đến ngày 3/9-23/10/2014, Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm lớn tại DAB, trong đó âm quỹ 2.500 tỷ đồng và hơn 62.000 lượng vàng so với sổ sách nên đã báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đưa DAB vào diện kiểm soát đặc biệt và chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên