MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

RSL Group: Khu công nghiệp chuẩn ESG và bài toán thu hút FDI chất lượng cao

24-05-2024 - 09:00 AM | Doanh nghiệp giới thiệu

RSL Group: Khu công nghiệp chuẩn ESG và bài toán thu hút FDI chất lượng cao

Nhiều nhà đầu tư FDI đến từ những thương hiệu lớn đang có xu hướng lựa chọn địa điểm đầu tư xanh, hiện đại và hướng đến phát triển bền vững, trong đó có đáp ứng tiêu chuẩn ESG. Do đó, ngoài các yếu tố như hiệu suất, tiềm năng, sản phẩm… thì áp dụng mô hình ESG đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong kinh doanh

Mô hình ESG – xu thế tất yếu trong phát triển bền vững

ESG được viết tắt bởi Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp), là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Đối với bất động sản công nghiệp, việc quy hoạch khu công nghiệp (KCN) theo chuẩn ESG nhằm giảm thiểu khí thải, đảm bảo môi trường làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân viên cũng như dân cư xung quanh.

Người tiêu dùng tại các quốc gia phát triển ngày càng quan tâm đến ESG và sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm thân thiện với môi trường. Xu thế này càng được thể hiện rõ nét khi cả thế giới đang chung tay hướng tới phát triển bền vững, phát thải ròng bằng 0. Ví dụ, từ 2019, "gã khổng lồ" đồ thể thao Adidas đã chuyển sang sử dụng nhựa tái chế cho tất cả các sản phẩm, cam kết sẽ hạn chế tối đa sử dụng các loại nhựa nguyên sinh. 

Do đó, để theo kịp xu hướng tiêu dùng xanh, nhà máy để sản xuất ra các sản phẩm này sẽ phải đặt tại những nơi đáp ứng được các yêu cầu trên. Theo ông Trần Thanh Bình – Giám đốc RSL Group cho biết "Điều này đồng nghĩa với việc để hướng đến Net Zero Carbon, doanh nghiệp sản xuất sẽ phải đồng thời triển khai nhiều phương án. Thứ nhất là đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại, hạn chế tối đa phát thải carbon. Thứ hai là sử dụng tối đa nguyên liệu tái sinh và năng lượng tái tạo. Thứ ba là phải trồng nhiều cây xanh tại khu vực đặt nhà máy hoặc các địa điểm khác để cây xanh hấp thụ lượng carbon thải ra từ hoạt động sản xuất. Nếu không thực hiện được các biện pháp trên, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc bị đánh thuế bảo vệ môi trường cao hoặc phải mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải carbon rôi dư trong quá trình sản xuất."

Như vậy, doanh nghiệp đầu tư nhà máy vào các KCN chuẩn ESG có thể tận dụng các lợi thế sẵn có như nguồn năng lượng tái tạo, hệ sinh thái xanh, sạch, cơ sở hạ tầng hiện đại. Ngoài ra, mật độ xây dựng của các KCN này thường thấp hơn nhiều so với các KCN truyền thống, diện tích cho cây xanh và hạ tầng dịch vụ lớn sẽ giúp doanh nghiệp nhận được đánh giá cao từ các đối tác đầu tư. 

RSL Group: Khu công nghiệp chuẩn ESG và bài toán thu hút FDI chất lượng cao- Ảnh 1.

Doanh nghiệp nên đặt nhà máy tại các KCN định hướng theo mô hình ESG để tận dụng lợi thế trong thu hút vốn FDI

Bài toán áp dụng ESG và thu hút FDI tại Việt Nam

Việt Nam hiện là điểm dừng chân lý tưởng của các tập đoàn sản xuất lớn từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Chia sẻ về xu hướng lựa chọn "nơi làm tổ" của các "đại bàng" FDI, ông Đào Thế Anh – Chủ tịch RSL Group cho rằng: "Khẩu vị của nhà đầu tư sẽ ngày càng khắt khe hơn khi các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ cũng có các yếu tố thu hút đầu tư hấp dẫn, thậm chí hơn Việt Nam. Chỉ khi có sự chuyển mình, các KCN mới có thể tạo ra sự khác biệt về lợi thế cạnh tranh, thu hút sự quan tâm từ các "ông lớn" với vốn đầu tư khủng, hiệu quả đầu tư cao, đồng thời về lâu dài sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn dự án đầu tư phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường. Việc áp dụng ESG trong phát triển KCN tại Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn, nhất là trong 5 – 10 năm tới."

RSL Group: Khu công nghiệp chuẩn ESG và bài toán thu hút FDI chất lượng cao- Ảnh 2.

Khu công nghiệp VSIP III Bình Dương nắm bắt xu hướng ESG

Ví dụ điển hình nhất về việc doanh nghiệp "hái quả ngọt" trong trường hợp này là KCN VSIP III – Bình Dương. Trong đó, khách hàng đầu tiên tiếp cận với trang trại năng lượng mặt trời rộng 50ha của KCN này là Tập đoàn LEGO với dự án nhà máy sản xuất có diện tích 44ha, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Mới đây, hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora cũng đã lựa chọn VSIP III làm nơi đặt nhà máy sản xuất dùng 100% năng lượng tái tạo. Chủ tịch Tập đoàn Pandora nhấn mạnh, đây là cơ sở thiết lập các tiêu chuẩn mới trong ngành trang sức toàn cầu về dấu chân sinh thái, tái chế và khí thải CO2.

Tuy nhiên, việc áp dụng ESG vào các dự án công nghiệp ngay thời điểm này trên phạm vi toàn quốc vẫn chưa khả thi vì còn nhiều khó khăn liên quan đến vốn đầu tư ban đầu cho công nghệ, thiết bị; sự thay đổi về cách thức quản lý của tổ chức; bộ tiêu chí đo lường và giám sát theo quy chuẩn ESG hay nhân sự có chuyên môn để triển khai… Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 118 KCN cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp trong các KCN chưa từng nghe và biết đến khái niệm KCN phát triển bền vững, chỉ 30% doanh nghiệp có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái.

Trong bối cảnh này, Việt Nam cần bổ sung các chính sách ưu đãi cũng như chỉ tiêu rõ ràng hơn đối với mô hình KCN sinh thái, đồng thời có thêm hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ ngành song song với sự hỗ trợ từ Nhà nước, chính quyền địa phương… Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp có lộ trình phù hợp để chuyển đổi mô hình theo hướng KCN sinh thái, KCN áp dụng ESG. 

Ánh Dương

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên