MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rửa tiền, “sân sau” của tội phạm

05-09-2018 - 10:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Cuối tháng 8-2018, Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất bản cáo trạng vụ án đánh bạc lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Nhận diện tội phạm rửa tiền

Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc các tài sản do phạm tội mà có. Thông qua hành vi rửa tiền, các khoản tiền hoặc tài sản có nguồn gốc từ hành vi vi phạm pháp luật được che giấu nguồn gốc và “biến hóa” thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp.

Tiền từ các hoạt động rửa tiền sẽ không được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế, các lĩnh vực kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng và tỷ suất sinh lời cao, mà chỉ được đầu tư vào các tài sản mang tính chất che đậy như góp vốn vào các công ty bình phong hoặc mua các loại hàng hóa xa xỉ.

Đối với Việt Nam, trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cộng thêm đặc thù giao dịch tài chính ở nước chủ yếu là tiền mặt- là những yếu tố hình thành nguy cơ cho tội phạm rửa tiền có “đất” để hoạt động.

Rửa tiền, “sân sau” của tội phạm - Ảnh 1.

Bị cáo Giang Văn Hiển tại tòa.


Theo cán bộ Cục An ninh Kinh tế thì hiện nay các hình thức rửa tiền rất đa dạng: “Tiền bẩn” có thể được tẩy rửa và sử dụng ngay trong nước mà không cần chuyển vòng vèo ra nước ngoài. Đây là quá trình mà số tiền bất hợp pháp được hình thành, được tẩy rửa như được tái đầu tư qua hệ thống tài chính.

Trường hợp thứ hai, “tiền bẩn” được hình thành trong nước, sau đó được chuyển ra nước ngoài để tẩy rửa trong hệ thống tài chính khác và cuối cùng đem trở lại lưu thông trên thị trường trong nước.

Trường hợp khác, “tiền bẩn” được hình thành ở nước ngoài, được tẩy rửa ở nước đó, hay nước khác và cuối cùng được đầu tư cho các nước đang phát triển.

Rửa tiền được thực hiện theo một số phương thức như: Rửa tiền thông qua đầu tư nước ngoài; thông qua công ty bảo hiểm. Rửa tiền bằng cách sử dụng hóa đơn, chứng từ giả, tại các sòng bạc, qua xổ số và cá cược hợp pháp, qua đầu tư chứng khoán và cả hệ thống ngân hàng.

Một trong số đó phải kể đến trường hợp của Phan Sào Nam (39 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc - Công ty VTC online). Nam cùng với Hoàng Thành Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm phần mềm Công ty VTC Intecom đã xây dựng phần mềm tổ chức đánh bạc bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club.

Để rửa khoản tiền thu lời bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc, Nam chuyển cho người thân, bạn bè gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức số tiền.

Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định, sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc giai đoạn Tip.Club, Phan Sào Nam chuyển cho bị can Phan Thu Hương 216 tỷ đồng gửi tiết kiệm và mua bất động sản; chỉ đạo Đỗ Bích Thủy rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư góp vốn vào các công ty: Công ty Vịnh Xanh Hạ Long, Công ty Ấn Tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech là 92 tỷ đồng ; nhờ Nguyễn Thị Hồng Nhung (39 tuổi, trú tại Số 88/11 - Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh gửi tiết kiệm 384 tỷ đồng; gửi Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1977 trú tại TP Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh) cất giữ  146 tỷ đồng và tiền đô la, vàng trị giá 142 tỷ đồng… Không dừng lại ở đó, Nam còn gửi tại ngân hàng Bank of Singapore số tiền 3,5 triệu USD.

Một số đối tượng còn hợp thức hóa nguồn tiền thu bất chính từ đánh bạc qua mạng bằng cách sử dụng doanh nghiệp để rửa tiền, chuyển hóa thành lợi nhuận kinh doanh, trường hợp của Nguyễn Văn Dương là một ví dụ.

Sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC với số tiền 576 tỷ đồng, gồm: Số tiền hai lần dùng xoay vòng nâng vốn điều lệ của Công ty cổ phần đầu tư UDIC năm 2015 và năm 2016 là 54 tỷ đồng; tiền bút toán các hợp đồng ủy thác của Công ty UDIC với cá nhân Nguyễn Ngọc Thảo 395 tỷ đồng; Đào Văn Bân 66 tỷ đồng; trả tiền của Dương tạm ứng là 20 tỷ đồng, trả tiền Nguyễn Thanh Thủy vay 41 tỷ đồng.  Sau đó, góp vốn vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với số tiền 329 tỷ đồng.

Kiểm soát đấu tranh mạnh tội phạm rửa tiền

Thực tế xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua cho thấy, cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác định nguồn tiền, tài sản của các đối tượng phạm tội được “rửa”, chuyển hóa như thế nào; được chuyển cho ai, bằng cách nào để có hình thức phong tỏa tài sản phù hợp nhằm thu hồi.

Báo cáo Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy, trong những năm qua chỉ thu hồi được 7,82% số tiền và 54,75 % về đất. Đây là con số khiêm tốn, gây thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng cho Nhà nước. Những hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực còn gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước, làm nảy sinh nguy cơ gây mất ổn định hệ thống tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế quốc gia.

Đó còn chưa kể đến việc các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài như “Việt Tân”, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”..., đang hằng ngày, hằng giờ tìm mọi cách để chuyển những nguồn tiền phi pháp về nước, tài trợ cho các đối tượng phản động trong nước thực hiện các hành vi phạm tội..

Trong khi đó, tình hình chuyển tiền ra nước ngoài trái phép trong thời gian gần đây tăng dần về lượng và thủ đoạn cũng tinh vi hơn. Thông tin do Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NRA) công bố cuối năm 2017 cho biết, người Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước hàng đầu có công dân mua nhà ở Mỹ; thống kê 4-2016 đến tháng 3-2017 cho biết, người Việt Nam đã chi khoảng 3,06 tỷ USD để mua bất động sản ở nước ngoài, chủ yếu tại Mỹ.

Ngoài ra, còn rất nhiều cách chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các hình thức đầu tư trá hình để được cấp thẻ xanh; chuyển tiền thông qua nhập khẩu thiết bị y tế, phần mềm....

Bên cạnh đó, sự xuất hiện và giao dịch nhiều loại tiền ảo, trong đó điển hình là Bitcoin (BTC) rất được quan tâm trên thế giới và ở Việt Nam.

Theo thống kê cho biết, trên một số sàn giao dịch BTC lớn nhất trên thế giới, lượng truy cập từ Việt Nam luôn nằm trong top 5 và có lượng truy cập tăng nhanh theo thời gian. Với số lượng người quan tâm đầu tư cao ở Việt Nam, tiền ảo sẽ là phương thức rửa tiền mới, tiềm ẩn nguy cơ chảy máu ngoại tệ với số lượng lớn và rất khó để ngăn chặn...

Luật phòng chống rửa tiền 2013, Điều 324 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Rửa tiền” cũng như các quy định về thuế, kiểm soát tài sản phục vụ công tác phòng chống rửa tiền đã có.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực này. Song trên thực tế các văn bản quy phạm pháp luật này còn chưa đủ mạnh để yêu cầu cá nhân, tổ chức có sự giải thích, chứng minh hợp lý về nguồn gốc tài sản của mình.

Một nguyên nhân khác nữa là Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ thanh toán phụ thuộc nhiều vào tiền mặt. Chính phủ đã có đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%. Tuy nhiên trên thực tế mục tiêu này còn chưa thực sự khả thi; việc kiểm soát dòng tiền hiện nay rất khó khăn, nguy cơ rửa tiền còn rất cao.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, chưa thực sự coi trọng và vào cuộc nghiêm túc trong công cuộc minh bạch hóa các tài sản tiền gửi của các tổ chức, cá nhân.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phẩn, bất kể cá nhân nào cũng có thể dễ dàng đem gửi những khoản tiền mặt số lượng lớn (hàng tỷ thậm chí hàng chục tỷ đồng) vào ngân hàng mà không bị bắt buộc yêu cầu chứng minh nguồn gốc và tính hợp pháp của số tiền.

Do đó, vô hình chung, ngân hàng là một kênh an toàn để các đối tượng có hành vi phạm tội thực hiện hành vi rửa những đồng tiền bất chính thu được.

Cùng với đó, các bộ, ngành chức năng có liên quan cũng chưa thực sự coi trọng công tác phòng chống rửa tiền. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và việc triển khai thực hiện của từng đơn vị phòng, chống rửa tiền chưa được chặt chẽ, chưa có nhiều hoạt động triển khai thực hiện một cách cụ thể...

Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm rửa tiền hiện nay ngày càng trở nên quan trọng. Khi kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả đối với công tác phòng, chống rửa tiền cũng đồng nghĩa với việc có thể nhận diện, kiểm soát rõ các tổ chức, cá nhân phạm tội ngay từ trong trứng, không cho các đối tượng có cơ hội tẩu tán tài sản, lẩn trốn hoặc tiếp tục phạm tội lâu dài.

Để chủ động và bảo đảm hiệu quả, hiện nay Bộ Công an đang nghiên cứu, thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu về tiền giả và rửa tiền nhằm chủ động phục vụ kịp thời các yêu cầu công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Bên cạnh  đó, cần phải nâng cao trình độ năng lực, kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho cán bộ làm công tác chuyên trách; sự phối hợp của Bộ Công an với các cơ quan có liên quan.

Theo Xuân Mai

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên