MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro lớn với ngành gỗ Việt Nam

17-10-2020 - 10:22 AM | Thị trường

Là một trong những sản phẩm lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực, ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất thị trường do gỗ Trung Quốc “rửa” xuất xứ. Cách nào để bảo vệ ngành gỗ của Việt Nam giữ vững thị trường xuất khẩu?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu, nhất là thị trường chiến lược như Mỹ, châu Âu. Tại hội thảo Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam ngày 16/10, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam sang Mỹ tăng trên 80%, kim ngạch xuất khẩu khung ghế sofa có khung làm từ gỗ dán sang Mỹ tăng trên 40%.

Tuy nhiên, cùng với đó, rủi ro thương mại đang tiềm ẩn. Chính phủ Mỹ đang thực hiện điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ. Bên cạnh gỗ dán, 2 mặt hàng khác đang có tín hiệu rủi ro là tủ bếp, tủ nhà tắm làm từ gỗ dán và ghế sofa có khung làm từ gỗ dán.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù chịu tác động của dịch COVID-19 vẫn có 12 dự án FDI ngành gỗ từ Trung Quốc và 10 dự án từ Hong Kong vào Việt Nam.

Ông Trần Lê Huy, đại diện Nhóm nghiên cứu các hiệp hội gỗ và Forest Trends chỉ ra các tín hiệu của sản phẩm nguy cơ gian lận xuất xứ như: công ty tham gia xuất khẩu mới được thành lập tại Việt Nam với quy mô sản xuất nhỏ. Công ty tập trung vào lắp ráp, đóng gói, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ công ty mẹ tại Trung Quốc. Các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu từ Việt Nam cũng chính là các mặt hàng trước đó từ Trung Quốc bị Mỹ áp các mức thuế mới. Xuất khẩu các mặt hàng này từ các công ty của Trung Quốc ở Việt Nam chủ yếu vào thị trường Mỹ, thông qua mạng lưới tiêu thụ trước đó đã được thiết lập bởi công ty mẹ.

“Việc ngăn chặn và giải quyết gian lận thương mại kịp thời và hiệu quả có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt”, ông Huy cho biết.

Theo ông Huy, cơ quan chức năng Việt Nam phải phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xác định các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận.  Xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận từ đó xác định các biện pháp can thiệp kịp thời. Cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu.

Rủi ro lớn từ gỗ nhập khẩu

Một trong những quy định mới khiến doanh nghiệp gỗ chịu tác động nhiều nhất là Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS). Nghị định này xây dựng cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu dựa trên các tiêu chí phân loại rủi ro theo vùng địa lý (quốc gia) và loại gỗ. Tập trung vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia nhiệt đới, bao gồm các nước khu vực châu Phi, Lào, Campuchia.

Theo ông Tô Xuân Phúc, thành viên nhóm nghiên cứu các hiệp hội gỗ và Forest Trends, áp dụng nghị định này thì hầu hết nguồn cung gỗ nhiệt đới nằm trong khu vực địa lý rủi ro. Các loài gỗ rủi ro nhập khẩu từ các khu vực này có tỷ trọng tương đối cao, đặc biệt đối với các loài nhập khẩu từ Campuchia và Lào (cả gỗ tròn và xẻ). Việc xây dựng, kích hoạt danh sách vùng địa lý rủi ro và loại rủi ro sẽ kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu.

Ông Phúc khuyến nghị, trong dài hạn, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp gỗ nên đa dạng nguồn cung gỗ nguyên liệu, giảm tỷ trọng nguồn cung nhập khẩu từ khu vực nhiệt đới, tăng tỷ trọng từ các nguồn cung rủi ro thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, cần đưa ra các cơ chế và thông điệp khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Điều này không những giúp ngành giảm rủi ro trong khâu sử dụng nguồn nguyên liệu mà có ý nghĩa trực tiếp đối với hàng triệu nông hộ trồng rừng hiện nay.

Đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ băn khoăn nhất về quá trình thực thi Nghị định 102 với thời hạn từ 30/10/2020 sẽ khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Ông Nguyễn Thành Long, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ châu Phi cho biết, doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu trước cả năm, trước mùa khai thác. Bên cạnh đó là căn cứ vào tàu thuyền vận chuyển.

“Hợp đồng chúng tôi đã ký trước khi có danh mục vùng rủi ro và loại rủi ro. Khi công bố danh mục, doanh nghiệp trở tay không kịp. Hợp đồng đã ký, không nhận sản phẩm thì công ty phá sản, nhận gỗ về không biết làm gì. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thời hạn áp dụng nghị định ít nhất trước 1 năm để doanh nghiệp có thể xoay xở kịp”, ông Long kiến nghị.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện - đơn vị soạn thảo Nghị định 102 cho biết, đang cố gắng phối hợp với đơn vị để đưa ra danh mục vùng rủi ro và loại rủi ro. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kiểm lâm sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp DN FDI ngành gỗ xuất khẩu 3,14 tỷ USD, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước. Trong đó, các doanh nghiệp từ Đài Loan, Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

Trở lên trên