MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Saigon Co.op hé lộ lý do không thể “đi đến cùng” vụ mua Big C

29-04-2016 - 12:53 PM | Doanh nghiệp

Vừa rồi BigC tuyên bố chuyển nhượng, Saigon Co.op đã lọt vào danh sách hai đơn vị được thương thảo mua lại tuy nhiên lại không thể tham gia vào bước cuối cùng.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 29/4, ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op đã thẳng thắn nêu ra những thách thức mang tính đặc thù của thị trường bán lẻ Việt Nam và đưa ra một số giải pháp để ngành bán lẻ Việt Nam không thua trên sân nhà.

Ông Diệp Dũng cho biết, sau 9 năm gia nhập WTO, thị trường bán lẻ và doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức khi mà thị trường bán lẻ hiện đại đang chiếm thị phần đến 25% và khắc phục được những yếu điểm của thị trường bán lẻ truyền thống và đang xâm lấn đến thị trường nông thôn.

Tuy nhiên, cũng thông qua hội nhập, các doanh nghiệp bán lẻ quốc tế ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua mua bán và sáp nhập. Vì vậy, ông Dũng đã nêu ra một số thách thức mang tính đặc thù của thị trường bán lẻ Việt Nam và cho rằng cần phải nhận thức rõ các thách thức này để các doanh nghiệp bán lẻ không bị thua ngay trên sân nhà.

Theo đó, thách thức thứ nhất là doanh nghiệp Việt còn non trẻ, thị trường non trẻ dẫn đến việc triển khai cụ thể hóa các công cụ bảo vệ thị trường còn chậm và và yếu. Chúng ta đang yếu thì nên tận dụng những gì chúng ta đạt được trong đàm phán song phương. Bên cạnh đó, ông Dũng “mong Chính phủ triển khai nhanh các chính sách để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, bảo vệ thị trường bán lẻ nội địa”.

Thứ hai, Chính phủ nên cho xây dựng chiến lược quốc gia phát triển ngành bán lẻ đến năm 2020 -2030; xây dựng và phát triển 20 doanh nghiệp bán lẻ lớn của Việt Nam có thực lực để tháo gỡ khó khăn trong các thương vụ M&A.

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op.
Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op.

Cuối cùng, ông Dũng cho hay: “Vừa rồi BigC tuyên bố chuyển nhượng, Saigon Co.op đã lọt vào danh sách hai đơn vị được thương thảo mua lại. Tuy nhiên, thương vụ này thực hiện mua bán ở nước ngoài mà Saigon Co.op lại chưa có giấy phép đầu tư ra nước ngoài để thương thảo. Vì vậy, Saigon Co.op chưa thể tham gia vào thương vụ này ở bước cuối cùng.

Thương vụ M&A BigC Việt Nam là một trong những thương vụ giá trị và tốn nhiều công sức của các “tay chơi” trên thị trường phân phối, bán lẻ nhất Việt Nam hiện nay.

Trong đợt chào giá vòng 1, các nhà đầu tư đã nhận ra tiềm năng tăng trưởng của Big C và chào mức giá rất cao (khoảng gần 1 tỷ USD). Cố vấn Chủ tịch Tập đoàn Casino Jacques Fourvel khẳng định, Big C Việt Nam hoàn toàn có thể bán với giá gấp 1,7 lần doanh thu, thậm chí còn cao hơn.

Lotte Group (Hàn Quốc), Central Group và TCC Holding (đều của Thái Lan), Saigon Co.op và Masan Group (Việt Nam) là những ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua này. Tuy nhiên, mới đây nhiều nguồn thông tin cho biết Lotte Group và Central Group sẽ từ bỏ cuộc đua.

Trong số hai ứng viên của Việt Nam là Saigon Co.op và Masan, đơn vị có khả năng mua được hơn là Saigon Co.op nếu xét về năng lực tài chính. Họ có thể sử dụng cả nguồn vốn tự có và vốn vay để tài trợ cho giao dịch này.

Tuy nhiên, với chia sẻ trên của Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, thương vụ mua lại BigC Việt Nam, phần thắng cuối cùng khó có thể thuộc về doanh nghiệp Việt.

Theo Kiều Châu

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên