MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Saigon Co.op và 10 năm đào thải khốc liệt của ngành bán lẻ Việt qua lời kể CEO: Vẫn ở Top đầu nhờ cách làm "cũ nhưng không cũ", là dè sẻn, tiết kiệm trên nền tảng hợp tác xã

28-05-2022 - 07:57 AM | Doanh nghiệp

Saigon Co.op và 10 năm đào thải khốc liệt của ngành bán lẻ Việt qua lời kể CEO: Vẫn ở Top đầu nhờ cách làm "cũ nhưng không cũ", là dè sẻn, tiết kiệm trên nền tảng hợp tác xã

Đứng trước những thay đổi của thị trường, cùng với đó là sự xuất hiện của không ít những sàn thương mại trực tuyến đình đám như Shopee, Lazada, Tiki, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng doanh nghiệp này cũng như những nhà bán lẻ khác cũng không tránh khỏi cảm giác bị "hụt hơi’. Chính điều đó đã giúp Saigon Co.op nhìn nhận lại chính mình và có những thay đổi.

Trong những năm qua, ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi trên thị trường, đặc biệt là sự xuất hiện và ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng kỹ thuật số. Đứng trước thách thức, các doanh nghiệp phải chuyển mình liên tục để đón đầu những cơn sóng thay đổi.

Dưới góc nhìn của tay chơi gạo cội, CEO Saigon Co.op – ông Nguyễn Anh Đức - cho rằng đổi mới cần phải có kế hoạch, có từng bước, thông qua minh chứng về một mô hình kinh doanh tưởng cũ nhưng lại không hề cũ của Saigon Co.op.

"Hầu hết những nhà bán lẻ tham gia vào Việt Nam cách đây 10 năm đều không còn trên thị trường nữa"

Theo ông, trong vòng 10 năm trở lại đây, cùng với sự biến chuyển của thị trường, thị trường bán lẻ cũng trải qua không ít sự thay đổi. Trong đó, có 3 điểm khác biệt chính của thị trường 10 năm trước và thời điểm hiện tại, cụ thể:

Thứ nhất, trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ truyền thống với các hình thức như nhà sản xuất, nhà phân phối, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống… chiếm tới 90%. Trong khi đó, thị trường bán lẻ hiện đại, bao gồm siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi… chỉ xuất hiện những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ (single business). Hiện nay, thị trường hiện đại đã có sự gia tăng, đạt con số 25% - 28%.

Thứ hai, đó là sự biến động về bản thân của doanh nghiệp, đối với những tay chơi trên thị trường, kể các những nhà bán lẻ FDI cũng có những biến động đổi chủ, đổi ngôi. "Hầu hết những nhà bán lẻ tham gia vào Việt Nam trong thị trường cách đây 10 năm đều không còn trên thị trường nữa, hiếm hoi thì còn có Saigon Co.op, kể cả bán lẻ nội địa và bán lẻ nước ngoài", ông Đức chia sẻ.

Thứ ba, đó là sự thay đổi theo xu hướng phát triển của công nghệ và các ngành công nghiệp khác. Chẳng hạn, có thể kể đến xu hướng về contactless (thanh toán không tiếp xúc), các kênh cashless (thanh toán không tiền mặt)… đã tác động, làm thay đổi sâu sắc ngành bán lẻ.

Đứng trước những thay đổi của thị trường, cùng với đó là sự xuất hiện của không ít những sàn thương mại trực tuyến đình đám như Shopee, Lazada, Tiki, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng doanh nghiệp này cũng như những nhà bán lẻ khác cũng không tránh khỏi cảm giác bị "hụt hơi’. Chính điều đó đã giúp Saigon Co.op nhìn nhận lại chính mình và có những thay đổi.

"Có thể nói động lực đổi mới của Saigon Co.op vừa đến từ áp lực bên ngoài, vừa xuất phát từ lực đẩy bên trong. Nội tại sàn Co.op xuất phát từ một đơn vị đậm chất truyền thống và là đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, Saigon Co.op sẽ là tổ chức kinh tế hợp tác xã kiểu mới theo nguyên tắc sở hữu tập thể, tự chủ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Saigon Co.op xây dựng mô hình hợp tác xã với 9 thành viên. Chính giá trị nội tại đó đã giúp doanh nghiệp này hấp thụ những giá trị tích cực để tạo nên lực đẩy để thay đổi", ông nói.

Tuy nhiên, lực đẩy lớn hơn đến từ những yếu tố của thị trường bên ngoài. Theo ông Đức, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang có mức độ phát triển rất thấp so với các nước khác, và sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp FDI vào thị trường cũng tạo ra động lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, trong thời kì hội nhập, nhu cầu của khách hàng ngày một cao hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn kể cả với các sàn thương mại quốc tế, điều này cũng tạo ra sức ép đối với các nhà bán lẻ tại thị trường Việt Nam.  Với tư cách là một đơn vị thuần Việt, Saigon Co.op phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, trực diện hơn.

Hiện, Saigon Co.op cũng đã có những sự thay đổi để thích ứng. Đầu tiên là sự thay đổi về chiến lược tiếp thị và dịch vụ. Thay vì áp dụng chiến lược mass marketing (tiếp thị đại trà) và mass service (dịch vụ đại trà), Saigon Co.op đi sâu vào tìm hiểu sở thích, nhu cầu của khách hàng từng vùng miền, từ đó đa dạng hóa mô hình kinh doanh, chủng loại sản phẩm, tăng cường tiện ích dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Bên cạnh đó, là sự thay đổi về tư duy của những người đứng đầu doanh nghiệp, của một hợp tác xã đã khác. "Chính cái tư duy này sẽ là nền tảng cho nhiều thay đổi khác của sàn Co.op không chỉ bây giờ mà của cả tương lai.".

Liệu "đổi mới tiết kiệm" (Frugal innovation) có mang lại hiệu quả?

Saigon Co.op và 10 năm đào thải khốc liệt của ngành bán lẻ Việt qua lời kể CEO: Vẫn ở Top đầu nhờ cách làm cũ nhưng không cũ, là dè sẻn, tiết kiệm trên nền tảng hợp tác xã - Ảnh 1.

Nhận diện mới của Co.op Mart.

Đứng trên quan điểm của một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, ông Đức cho rằng thị trường này tại Việt Nam đang ở điểm bùng phát. Theo ông, nguyên nhân là thị trường trong nước đang có những khía cạnh chuyển dịch từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại, và cao hơn là thương mại trực tuyến. Do đó, doanh nghiệp phải có con đường đi của riêng mình để tồn tại và phát triển.

Chia sẻ về những bước chuẩn bị của Saigon Co.op trước làn sóng kỹ thuật số, ông Đức cho biết, sàn Co.op đã không còn đứng ở vị thế đặt hàng lên là bán hay chỉ cần mở cửa hàng là đông khách, mà thay đổi là cần phải có "những cái hiện đại, cái xu thế, xu hướng mình phải đi một cách rất vững chãi và có chọn lọc".

Hiện, các doanh nghiệp có 2 xu hướng chuyển đổi trong thời đại 4.0. Thứ nhất, hầu hết các nhà bán lẻ tiến hành trực tuyến hóa, số hóa. Các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hình thức kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn có xu hướng quay về phát triển kinh doanh trực tiếp đối với những "ông lớn" trên thị trường thương mại điện tử. Chẳng hạn như Amazon với việc mua lại chuỗi cửa hàng Whole Foods và xây dựng hệ thống cửa hàng tiện lợi Amazon Go. Hay Alibaba với việc xây dựng những cửa hàng Hema để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tiếp.

Về phía Saigon Co.op với những giới hạn nhất định về nguồn lực, khi chuyển từ kinh doanh trực tiếp lên trực tuyến, doanh nghiệp này phải cân nhắc và đưa ra chiến lược thay đổi khác biệt. Đó là tận dụng những "điểm giao thoa" giữa hai hình thức này. Nói cách khác, Saigon Co.op đã đưa ra chiến lược nhằm "đưa trực tuyến gần hơn với trực tiếp", và "trực tiếp gần hơn với trực tuyến".

Cụ thể, tại Saigon Co.op, khi khách hàng trải nghiệm mua sắm ở những cửa hàng vật lý sẽ có cơ hội tận hưởng những giá trị cộng thêm từ cửa hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, thay vì đầu tư nguồn vốn khổng lồ để xây dựng những nền tảng trực tuyến lớn với tỉ lệ rủi ro cao, Saigon Co.op dựa trên những cửa hàng vật lý đã có để biến những cửa hàng đó thành Dark Store (cửa hàng bán lẻ phục vụ riêng cho mua sắm trực tuyến) trong quá trình vận hành và phát triển.

"Phương châm của Saigon Co.op trong innovation thì phải rất là frugal innovation (đổi mới tiết kiệm), "do more with less", phải dựa trên những nền tảng rất hạn chế của mình nhưng mà mình có thể làm được nhiều hơn", ông Đức chia sẻ trong The Next Power.

Cũng theo ông Đức, văn hóa của Saigon Co.op là văn hóa dè sẻn, tiết kiệm. Điều này xuất phát từ xuất thân của doanh nghiệp này là một đơn vị truyền thống với mô hình hợp tác xã. Nhưng nhờ sự dè sẻn, tiết kiệm cũng như các chiến lược kinh doanh thận trọng, Saigon Co.op đã xây dựng được cho mình vị thế như hiện tại, làm nền tảng cho hành trình phát triển bền vững trong tương lai.

Mô hình hợp tác xã "cũ nhưng không cũ" tại Saigon Co.op

Saigon Co.op và 10 năm đào thải khốc liệt của ngành bán lẻ Việt qua lời kể CEO: Vẫn ở Top đầu nhờ cách làm cũ nhưng không cũ, là dè sẻn, tiết kiệm trên nền tảng hợp tác xã - Ảnh 2.

Liên hiệp hợp tác xã Saigon Co.op.

Mô hình kinh doanh hợp tác xã tưởng chừng như rất cũ kỹ khi xuất hiện từ thế kỉ 18, nhưng đến nay, mô hình này vẫn có sự phát triển mạnh ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Trong đó có thể kể đến các tập đoàn lớn như Tập đoàn CrŽdit Agricole của Pháp, REWE của Đức…

Tại Việt Nam, Saigon Co.op là một doanh nghiệp điển hình khi trải qua quá trình tồn tại và phát triển dài (33 năm), nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn giữ được vị thế là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu. Nguyên nhân xuất phát từ việc xây dựng một mô hình hợp tác xã ‘mới", phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Về nguyên nhân dẫn đến sự hình thành hệ sinh thái hợp tác xã mới tại Saigon Co.op, trước sự hội nhập giữa kinh doanh trực tuyến và kinh doanh trực tiếp, "người đầu tàu" của Saigon Co.op cho rằng mục tiêu của doanh nghiệp này, cũng như bất kì một nhà bán lẻ nào khác, là tạo ra một hệ sinh thái cho riêng mình. Tuy nhiên, với phương châm "do more with less" (tạm dịch: làm được nhiều hơn với nguồn lực ít hơn), cách Saigon Co.op xây dựng hệ sinh thái cũng rất khác biệt. Đó là mời các nhà đầu tư nhỏ lẻ cùng tham gia, mở ra mô hình sinh thái hợp tác xã, nơi nhiều nhà đầu tư cùng sở hữu và phục vụ một cộng đồng khách hàng chung.

"Mình muốn làm bất cứ chuyện gì, mình chỉ làm chuyện mình mạnh thôi, còn mình mời các bạn khác cùng tham gia với mình để tạo ra một nền tảng chung", ông Đức chia sẻ.

Để đón đầu những biến chuyển không ngừng của thị trường, hệ sinh thái hợp tác xã của Saigon Co.op cũng liên tục có những sự thay đổi. Bên cạnh những đổi mới của sàn Co.op về mô hình kinh doanh, những doanh nghiệp mới phục vụ cho phân khúc khách hàng mới, sàn Co.op cũng có những sự thay đổi từ bên trong.

Điển hình là sau khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường lao động có sự biến động mạnh, nhiều lao động lựa chọn nghỉ việc để làm nghề tự do, Saigon Co.op đã có những sự điều chỉnh nhất định để thích ứng với những biến động đó. Đó là sự chăm lo cho người lao động để họ có sự gắn kết với doanh nghiệp, cũng như giúp bản thân người lao động hiểu được những giá trị truyền thống và giá trị thị trường để phát triển. Có thể nói, việc cân bằng hai yếu tố tương quan này đã giúp Saigon Co.op phát triển bền vững trong và sau thời điểm dịch bệnh.

Một đổi mới khác của hợp tác xã là quỹ Saigon Co.op gắn kết, đây là khoản tích lũy của người lao động khi người họ làm việc cho sàn Co.op 5 năm, 10 năm, hay nghỉ hưu tại sàn Co.op. Đó là những khoản tiền theo ông Đức là "rất có ý nghĩa", bên cạnh mức thu nhập hàng tháng mà người lao động nhận được. Ngoài ra, tuy không có những cơ chế liên quan đến cổ phiếu, cổ phần, Saigon Co.op mang lại những cơ chế liên quan đến lợi ích của xã viên tham gia, cùng với những hoạt động khác.

"...chính truyền thống giáo dục, huấn luyện, đưa thẩm thấu vào người lao động những giá trị tốt đẹp của một tổ chức hợp tác xã - một tổ chức mà có lẽ là ở những thị trường khác cũng khó kiếm chứ không phải là riêng thị trường Việt Nam - đem lại cho một người lao động một niềm tự hào, để người lao động có sự gắn kết với sàn Co.op", ông Đức cho biết.

Saigon Co.op và 10 năm đào thải khốc liệt của ngành bán lẻ Việt qua lời kể CEO: Vẫn ở Top đầu nhờ cách làm cũ nhưng không cũ, là dè sẻn, tiết kiệm trên nền tảng hợp tác xã - Ảnh 3.
https://cafef.vn/saigon-coop-va-10-nam-dao-thai-khoc-liet-cua-nganh-ban-le-viet-qua-loi-ke-ceo-van-o-top-dau-nho-cach-lam-cu-nhung-khong-cu-la-de-sen-tiet-kiem-tren-nen-tang-hop-tac-xa-2022052614001657.chn

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên