Sâm giả khắp nơi
Trên thị trường hiện nay, mỗi kg sâm Ngọc Linh được trồng tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có giá từ 120-160 triệu đồng, tùy thuộc vào độ tuổi của cây sâm.
- 09-02-2021Thu giữ hàng trăm chai rượu sâm Ngọc Linh giả
- 26-11-2019"Quốc bảo" Sâm Ngọc Linh thành hàng chợ, bán đầy trên mạng xã hội
Giá trị cao là thế nhưng tới thời điểm này ở tỉnh Quảng Nam chưa hề có thiết bị kỹ thuật nào có thể xác định chính xác đâu là sâm Ngọc Linh thật, đâu là hàng giả. Ngay tại phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức định kỳ hằng tháng tại huyện Nam Trà My, việc "kiểm nghiệm" sâm Ngọc Linh của các hộ dân trước khi đưa vào chợ cũng chỉ có thể thực hiện bằng mắt thường thông qua kinh nghiệm của tổ kiểm tra.
Chính vì giá trị cao trong khi chưa có máy móc xác định nên hiện nay tình trạng sâm Ngọc Linh giả vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường. Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán sâm giả cũng ngày càng tinh vi.
Năm 2017, báo chí loan tin một người dân ở Nam Trà My sở hữu củ sâm Ngọc Linh bán tự nhiên, được bán với giá hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó người ta phát hiện hình ảnh củ "sâm Ngọc Linh" đó giống y chang củ tam thất ở phía Bắc mà một tài khoản đã đưa lên mạng xã hội trước đó. Những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam cũng đã phát hiện nhiều cá nhân, đơn vị làm giả sản phẩm sâm Ngọc Linh, đóng logo, nhãn mác gắn thương hiệu sâm Ngọc Linh trái quy định.
Để đối phó với nạn sâm Ngọc Linh giả, giúp người tiêu dùng có một địa chỉ đáng tin cậy để mua sâm chính hiệu, từ năm 2017, tỉnh Quảng Nam mở phiên chợ sâm từ ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng tại huyện Nam Trà My. Phiên chợ này duy trì đến thời điểm này với sự cam kết về chất lượng của chính quyền địa phương. Sản phẩm sâm Ngọc Linh được bày bán tại phiên chợ do chính tay các hộ dân ở huyện Nam Trà My trồng, được xác minh nguồn gốc và được tổ kiểm tra do huyện thành lập thẩm định chất lượng trước khi đưa vào phiên chợ.
Tại cửa hàng sâm ngọc linh ở quận 1, TP HCM trưng bày khá nhiều sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh như rượu, mật ong, trà... có giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm. Đối với củ sâm ngâm, có giá cả chục triệu đồng trở lên. Trường hợp khách muốn mua sâm tươi phải đặt hàng trước một ngày. Khách mua sâm tươi phải đặt cọc trước nửa giá trị. Khối lượng củ sâm tươi từ 20 g đến 150 g có giá bán khoảng 10 triệu đến hơn 30 triệu đồng/củ.
Bà Kim Thy - kinh doanh sâm Ngọc Linh tại TP HCM - cho biết mặt hàng này trên thị trường bị làm giả rất nhiều. Họ sử dụng củ tam thất có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá vài triệu đồng/củ nhưng lại giới thiệu là sâm Ngọc Linh và được bán với giá cao hơn rất nhiều. Cũng theo bà Thy, củ tam thất rất giống củ sâm Ngọc Linh, chỉ có dân trong nghề mới phân biệt được.
ThS Cổ Đức Trọng, Giám đốc Công ty CP Linh Chi Vina, cho biết theo cơ quan chức năng trên thị trường có khoảng 80% sâm Ngọc Linh là hàng giả. Thực tế con số này phải hơn 90%. Họ sử dụng củ vũ diệp tam thất để làm giả sâm Ngọc Linh. Vũ diệp tam thất phát triển mạnh, nguồn cung cấp dồi dào, hình dáng giống củ sâm Ngọc Linh.
Người lao động