Sản lượng giảm mạnh, Ấn Độ khả năng cao kéo dài lệnh cấm xuất khẩu gạo
Lần đầu tiên sau 8 năm, sản lượng gạo của Ấn Độ năm nay dự kiến sẽ giảm, làm tăng khả năng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phải kéo dài chính sách hạn chế xuất khẩu gạo để ngăn lạm phát giá lương thực trước cuộc bầu cử.
- 05-11-2023Việt Nam là điểm sáng trong xuất khẩu gạo
- 04-11-2023Indonesia nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Myanmar
- 03-11-2023Diễn biến bất ngờ liên quan giá gạo Việt cao kỷ lục
- 03-11-2023Giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang tập trung cao độ cho việc sản xuất, sau khi New Delhi cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati từ tháng 7, khiến giá gạo toàn cầu tăng vọt.
Tuy nhiên, tình trạng của cây lúa vụ này rất khó dự đoán do mưa trong mùa mưa không đồng đều. Theo nhiều dự báo khác nhau, sản lượng có thể giảm tới 8% so với mức kỷ lục năm ngoái mặc dù diện tích trồng lúa tăng.
Sản lượng giảm kết hợp với giá gạo trong nước duy trì ở mức cao liên tục trước 5 cuộc bầu cử cấp bang trong tháng vừa qua và dự kiến tới cuộc tổng tuyển cử vào năm tới đã khiến nông dân và thương nhân lo lắng rằng chính phủ sẽ kéo dài biện pháp các hạn chế xuất khẩu gạo.
Reuters dẫn lời ông Ramkali Bhargav, một nông dân ở bang miền bắc Uttar Pradesh, cho biết ruộng lúa của bà đã phục hồi sau đợt khô hạn rồi đến lũ lụt hồi đầu mùa. Nhưng ngay trước khi thu hoạch, mưa lớn và gió đã làm đổ hết lúa của bà.
“Nếu mưa chậm lại 2 tuần thì sản lượng của chúng tôi có thể cao hơn ít nhất 30%”, bà nói khi đang dùng liềm cắt lúa bị đổ trên những cánh đồng ở làng Chharasi.
Mất mùa lúa đã và đang trở thành vấn đề lo ngại của các chính phủ và người tiêu dùng trên khắp châu Á và châu Phi, những người đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung mặt hàng lương thực chủ lực vì giá trên thị trường toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 15 năm sau khi Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% tổng sản lượng gạo toàn cầu - hạn chế xuất khẩu gạo. Việc hạn chế xuất khẩu kéo dài có thể làm tăng thêm giá thực phẩm trên toàn cầu, do lượng tồn trữ ở các nước xuất khẩu chủ chốt khác, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar, cũng đang ở mức thấp.
Khi các cuộc bầu cử sắp diễn ra, sự quá nhạy cảm của Chính phủ đối với giá thực phẩm khiến sản lượng giảm nhẹ cũng đủ để biện minh cho việc duy trì các hạn chế xuất khẩu.
Một quan chức chính phủ cấp cao của Ấn Độ (từ chối nêu tên) khi trả lời phỏng vấn của Reuters nói rằng Ấn Độ không có ý định dỡ bỏ các hạn chế đối với bất kỳ loại gạo nào trong tương lai gần.
Sản lượng giảm
Trong năm 2022/23 (tháng 7/2022 đến tháng 6/2023), Ấn Độ sản xuất kỷ lục 135,76 triệu tấn gạo.
Hai công ty thương mại hàng đầu thế giới dự đoán sản lượng gạo của Ấn Độ trong niên vụ hiện tại sẽ giảm lần lượt 7% và 8% so với năm trước.
Theo B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo (REA), sản lượng năm nay sẽ giảm khoảng 2% đến 3%, do mưa lớn mang lại lợi ích cho cây trồng muộn ở một số khu vực, ngay cả khi đã gây thiệt hại cho các cánh đồng ở những nơi khác.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến sản lượng gạo của Ấn Độ giảm 3%, tương đương giảm khoảng 4 triệu tấn, đạt tổng sản lượng 132 triệu tấn trong năm kết thúc vào tháng 6/2024.
Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ mới đây cho biết sản lượng từ vụ gieo trồng mùa hè có thể giảm 4% xuống 106,3 triệu tấn. Họ sẽ đưa ra ước tính về tổng sản lượng trong báo cáo lần thứ hai, thường được công bố vào tháng Hai.
Vụ gieo trồng vào mùa đông sắp được gieo cấy, dự kiến cũng sẽ góp phần gây ra sự sụt giảm sản lượng trong năm nay.
Trong những năm gần đây, sản lượng lúa gieo vào vụ đông đã tăng đáng kể, nhưng năm nay sản lượng có thể giảm tới 5 triệu tấn, hay gần 20%, do mực nước trong các hồ chứa thấp hơn mọi năm.
Dữ liệu của Chính phủ cho thấy mực nước tại các hồ chứa chính của Ấn Độ ở mức 71% công suất trong tuần tính đến ngày 26 tháng 10, giảm so với mức 89% một năm trước đó, sau khi những cơn mưa mùa Hè thất thường.
Mùa bầu cử
Lạm phát giá lương thực vốn rất nhạy cảm ở Ấn Độ, nơi Chính phủ của ông Modi cũng đã cấm xuất khẩu lúa mì, hạn chế xuất khẩu đường và hành, đồng thời cho phép nhập khẩu miễn thuế các loại đậu nhằm cố gắng kiềm chế giá cả.
Bất chấp những hạn chế xuất khẩu, giá gạo trong nước vẫn cao hơn gần 15% so với một năm trước.
Trong khi đó, Ấn Độ đang xem xét mở rộng chương trình cung cấp ngũ cốc miễn phí hoặc trợ cấp cho hơn 800 triệu người, trong khi dự trữ lúa mì giảm dần buộc nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào gạo.
Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành của Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, nhận định Chính phủ sẽ ưu tiên đảm bảo nguồn cung gạo dồi dào để phân phối dưới hình thức trợ cấp và việc cân nhắc xuất khẩu sẽ chỉ được đưa ra sau cuộc tổng tuyển cử.
Nitin Gupta, phó chủ tịch cấp cao của Olam Agri Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, cho biết để đối phó với các biện pháp hạn chế của Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đã tăng xuất khẩu nhưng lượng dư cung của các nước này đều hạn chế.
Ông Gupta cho biết: “Nếu Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu thêm một thời gian, việc thu hẹp khoảng cách nguồn cung (trên thị trường thế giới có thể khó khăn, dẫn đến khả năng giá còn cao hơn nữa”.
Trên cánh đồng, người nông dân Bhargav nói rằng khó có thể làm được gì trước thời tiết khó lường. Bà nói: “Chúng tôi đang chịu lỗ từ việc trồng lúa. “Hy vọng vụ lúa mì sắp tới sẽ mang lại cho chúng tôi lợi nhuận tốt hơn.”
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống thị trường