Diễn biến bất ngờ liên quan giá gạo Việt cao kỷ lục
Giá gạo Việt Nam tăng chóng mặt tiềm ẩn những rủi ro, giảm sức cạnh tranh, khách hàng chuyển hướng sang mua gạo nước khác… Đó là những cảnh báo của doanh nghiệp tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam” diễn ra sáng 3/11 ở Cần Thơ.
- 03-11-2023Giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế
- 02-11-2023Giá gạo xuất khẩu lập đỉnh mới
- 02-11-2023Các ông lớn ngành gạo làm ăn ra sao trong cơn sốt giá gạo?
- 02-11-2023Sau gạo, thêm mặt hàng nông sản đang rơi vào khủng hoảng khiến Trung Quốc phải lùng sục khắp thế giới tìm mua
Thông tin từ hội thảo cho biết, Bộ Công Thương dự kiến xuất khẩu gạo tháng 10 đạt 700.000 tấn, kim ngạch đạt 433 triệu USD, tương đương về lượng và tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Ước 10 tháng Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh nghiệp lỗ
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, gạo Thái Lan giá 560 USD/tấn và gạo Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, gạo Thái Lan giá 520 USD/tấn và gạo Pakistan giá 488 USD/tấn.
Theo VFA, thị trường lúa gạo đang trải nhiều biến động và trong suốt thời gian qua giá mặt hàng này luôn trong xu hướng tăng. Giá lúa, gạo tăng cao thường do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1-3 tháng.
Tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay dẫn đến một số trường hợp DN lỗ nhiều quá đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những DN năng lực kinh tế yếu. Đối với những trường hợp là DN lớn đang giao hàng gần xong, để giữ chữ tín với đối tác họ bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.
Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA, giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động, mỗi khi giá gạo nhích lên một chút, họ góp phần đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Cần nói thêm, DN Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác.
Khách hàng chuyển sang mua gạo Thái Lan
Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty lương thực Phương Đông - cho rằng không nên "tự mãn" quá về việc giá gạo Việt Nam tăng cao kỷ lục. Do giá gạo của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan đến cả trăm USD mỗi tấn nên có những khách hàng của công ty đã quay sang mua gạo Thái Lan.
“Như vậy, dài hạn chưa nói nhưng trong ngắn hạn đã ảnh hưởng đến các DN bởi sự chênh lệch giá quá lớn. Ở trong nước, giá gạo tăng cũng ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng vì gạo là mặt hàng tiêu thụ hằng ngày của người dân” - ông Anh nói và cho rằng giá lúa gạo tăng cũng mừng cho nông dân, tuy nhiên cần xem xét tính bền vững bởi trong chuỗi giá trị còn các thành phần, mắt xích khác.
Đại diện VFA cũng nhận định, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế, vì khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng gạo tương đương với gạo Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan. Điều này dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm vào tay DN Thái Lan vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh so với giá gạo thơm Việt Nam.
Cần thận trọng
Dự báo thị trường xuất khẩu trong năm 2024, ông Phạm Quang Diệu - Công ty AgroMonotor, đơn vị nghiên cứu thị trường - cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn. Như vậy sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng, các DN phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn.
Mặt khác, Ấn Độ có thể quay lại thị trường, mặt bằng giá gạo sẽ bị hạ xuống. Để có thể kinh doanh xuất khẩu trong năm 2024 được tốt hơn, DN phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa, vì nguồn cung hạn hẹp, cộng với vốn tín dụng khó khăn.
Theo ông Diệu, DN thường ký hợp đồng giao xa, thời gian giao hàng thường từ 1-3 tháng (tùy từng hợp đồng), là một rủi ro cao. Vấn đề của DN Việt Nam là thiếu vốn nên không thể có một lượng tồn kho đảm bảo, thường khi ký hợp đồng xong DN mới triển khai mua nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vốn tín dụng chính là một trong những điểm yếu của DN gạo Việt Nam, trong khi đó DN Thái Lan lại tiếp cận nguồn tín dụng của họ thuận lợi hơn rất nhiều…
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các DN hội viên của VFA, các đơn vị trong chuỗi ngành hàng lúa gạo đã phối hợp đồng hành cùng với sở ngành địa phương và bà con nông dân triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, VFA nhận định, tình hình thời gian tới, các yếu tố ảnh hưởng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến sản xuất, chế biến, hiệu quả của người nông dân, DN kinh doanh lúa gạo.
Tiền Phong
Sự kiện: Made in Vietnam
Xem tất cả >>- Thế giới đang cạn kiệt loại hạt đặc biệt này: Giá tăng gấp 2 nhu cầu vẫn không giảm, Việt Nam lại đang trồng ngày càng nhiều, hương vị top đầu thế giới
- Việt Nam vừa ghi nhận một kỷ lục lịch sử, Mỹ và Trung Quốc đóng góp nhiều nhất
- "Mỏ vàng" của Việt Nam tiếp tục "mang tiền về cho mẹ", có cơ hội thu về 16 tỷ USD trong năm nay
- Lộ diện ‘khách sộp’ chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu rau quả Việt Nam
- Một mỏ vàng của Việt Nam đang được Mỹ, Trung Quốc, Campuchia liên tục săn đón: Nước ta có sản lượng hơn 20 triệu tấn, các đại bàng liên tục rót vốn đến đầu tư