Sản lượng thịt lợn của Việt Nam ước đạt trên 3,8 triệu tấn năm 2018
Ước tính, trong năm 2018 sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017...
Trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm.
Báo cáo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tháng 12/2018, giá lợn hơi trong nước giảm. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động từ 42.000 - 46.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.
Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên phổ biến từ 47.000 - 48.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg, so với cuối tháng trước.
Giá lợn hơi thương lái thu mua tại các khu vực chăn nuôi trọng điểm phía Nam hiện trung bình từ 49.000 - 51.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với cuối tháng trước đó.
Tuy giá lợn hơi đã giảm so với trước, nhưng mức giá trên vẫn được đánh giá là cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Do giá lợn hơi ở mức cao nên giá thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng duy trì mức cao.
Cũng theo báo cáo của đơn vị này, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm. Năm 2018, đàn lợn tiếp tục tăng trưởng tốt cả về quy mô đầu con và sản lượng vượt so với kế hoạch năm 2018 đề ra.
Ước tính, trong năm 2018 sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017. Tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam… sau khi phục hồi kể từ đợt khủng hoảng năm 2017, quy mô chăn nuôi lợn đã dịch chuyển sang hướng tập trung công nghiệp.
Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dự tính năm 2018, sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 1.100 ngàn tấn, tăng 6,1% so với năm 2017.
Sản lượng trứng đạt khoảng 11,8 tỷ quả, tăng 11% so với năm 2017. Sản lượng thịt trâu tăng gần 1% đạt 98,9 ngàn tấn. Sản lượng thịt bò tăng 2%, đạt 350 ngàn tấn, sữa tươi tăng khoảng 9% đạt 960 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Cục Chăn nuôi, từ năm 2005 đến nay sản lượng thịt các loại tăng trên 3 lần (từ 1,6 triệu tấn lên 5,3 triệu tấn), trứng tăng 3,9 lần (từ 3,0 tỷ quả lên 11,8 tỷ quả), sữa tươi tăng 18,6 lần (từ 51,5 ngàn tấn lên 960 ngàn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 21,5 triệu tấn).
Trong năm 2019, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục tập trung phát triển đàn lợn, các doanh nghiệp triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2019 dự báo sẽ tăng 3% so với năm 2018 nhờ nhu cầu trên thế giới tăng. EU dự kiến vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu.
USDA cũng dự báo lượng lợn tồn kho của Nga ước tăng 1,3% trong năm 2019 lên 24,2 triệu con, sau khi được dự báo tăng 3,5% trong năm 2018.
Lượng lợn tại các công ty chăn nuôi thương mại lớn sẽ tiếp tục tăng, trong khi số lợn tại hộ gia đình được dự báo giảm.
Tiêu thụ thịt lợn của Nga trong năm 2019 dự báo đạt 3,32 triệu tấn, tương đương với năm 2018, do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và thuế giá trị gia tăng tăng lên 20%.
Nhập khẩu thịt lợn của Nga trong năm 2019 ước giảm 40 nghìn tấn so với năm 2018, xuống còn 50 nghìn tấn.
Đối với Mexico, dự báo nhập khẩu thịt lợn của đất nước này sẽ tăng 5%, trong khi Colombia dự kiến tăng đến 29% nhờ nhu cầu mạnh. Riêng nhập khẩu thịt lợn của Hàn Quốc sẽ giảm khi lượng mua vào trong năm 2018 gần đạt mức kỷ lục đã dẫn đến lượng dự trữ ở mức cao.
Theo USDA, tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người tại Ba Lan trong năm 2018 đạt 40kg/người, tăng 5% so với năm 2017, nhờ sản xuất nội địa mở rộng. Thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chiếm 53% tổng lượng thịt tiêu thụ tại Ba Lan. Người tiêu dùng Ba Lan thường ưa chuộng thịt lợn hơn thịt bò và gia cầm, điều này đã thúc đẩy sản xuất và nhập khẩu.
Tại Trung Quốc, USDA dự báo sản lượng thịt lợn tại nước này tăng khoảng 1,2% trong năm 2019. Cho đến nay, đã có 22 tỉnh của Trung Quốc phát hiện có dịch tả lợn châu Phi (ASF).
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tổng quy mô đàn lợn của nước này đạt khoảng 680 triệu con, nên cuộc khủng hoảng dịch ASF sẽ không tác động tới nguồn cung thịt lợn cho dịp năm mới và các dịp lễ hội sắp tới.
Vneconomy