MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản phẩm nào của công ty tài chính tiêu dùng đang bán chạy nhất?

15-11-2017 - 12:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Các công ty đang có rất nhiều sản phẩm, tuy nhiên tập trung vào 3 nhóm chính đó là tiền mặt, phục vụ nhu cầu gia dụng và nhu cầu đi lại.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng đang cho vay khoảng 960.000 tỷ đồng đối với các hoạt động tiêu dùng. Trong đó chỉ có 74.000 tỷ là dư nợ của công ty tài chính, còn rất nhỏ so với tổng dư nợ tiêu dùng nằm ở các ngân hàng thương mại (NHTM).

Một thống kê khác của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, 46,8% dân số Việt Nam đang có giao dịch vay mượn, bao gồm vay công ty tài chính, NHTM, các tổ chức phi tín dụng như cầm đồ, vay bạn bè, tín dụng đen. Trong đó chỉ có 18% là vay mượn ngân hàng và công ty tài chính, còn lại 28% dân số còn lại có nhu cầu vay vốn phải tìm nguồn ở bên ngoài.

Một thống kê khác nữa lại cho thấy nhu cầu vay vốn của người dân đang tăng lên theo sự phát triển của nền kinh tế, nhưng phần nhiều trong số họ lại có thu nhập thấp và không đáp ứng nổi các yêu cầu của ngân hàng. Các đối tượng chính của nhóm này là công nhân, người thu nhập thấp, thậm chí là cả học sinh, sinh viên...

Thời gian qua, sự góp mặt của các công ty tài chính tiêu dùng đã phần nào giúp giải bài toán về vốn cho các đối tượng nói trên, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen và thúc đẩy hoạt động tài chính lành mạnh.

Với những sản phẩm, giải pháp đưa ra ngày càng nhiều để hiện thực hóa nhu cầu vốn của những người có thu nhập trung bình thấp và thấp, các công ty tài chính vẫn tập trung vào 3 nhóm chính đó là tiền mặt, phục vụ nhu cầu gia dụng và nhu cầu đi lại, trong đó sản phẩm cho vay tiền mặt "bán chạy" nhất.

Được biết, cho vay tiền mặt phục vụ tiêu dùng hàng ngày ở các công ty tài chính đang chiếm khoảng 42% tổng nhu cầu vay; nhu cầu vốn phục vụ cho sinh hoạt gia đình như là TV, tủ lạnh, máy tính, điện thoại... chiếm 28% còn nhu cầu vay phục vụ mua xe cộ đi lại chiếm khoảng 19% và phần còn lại rất nhỏ là cho nhu cầu khác.

Đánh giá về triển vọng thị trường tài chính tiêu dùng, tại một hội thảo mới đây, TS. Đỗ Hoài Linh, Giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng thị trường này còn rất tiềm năng. Bởi theo bà, nếu như ngày trước chúng ta phải mất một vài năm để mua được một cái xe máy thì hiện nay điều ấy đã đơn giản hơn rất nhiều nhờ có các khoản vay tiêu dùng.

"Hiện trên 50 triệu dân Việt Nam ở trong độ tuổi dân số vàng mà đây là nhóm khách hàng có nhu cầu tiêu dùng cao nhất tuy nhiên thu nhập chưa đủ để bù đắp chi tiêu, do đó tín dụng tiêu dùng sẽ là giải pháp tốt để cho họ thoả mãn nhu cầu chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống" - bà Linh nói.

Song hơn ai hết, những công ty tài chính và các ngân hàng là người nắm rõ nhất về nhu cầu và tiềm năng của thịt rường. Do đó, trong khoảng 3 năm trở lại đây các công ty tài chính cũng mọc lên tương đối nhiều, chưa kể nhiều ngân hàng còn đang nuôi dưỡng ý định sản sinh ra các công ty tài chính thời gian tới. Ai cũng nuôi tham vọng dẫn đầu, tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhìn nhận, phần thưởng xứng đáng chắc chắn chỉ dành cho những người dám đầu tư và quản trị rủi ro tốt. Hiện thị phần đang thuộc về Fe Credit với hơn 48%, các công ty như Home Credit, HD Saison, Prudential…chia nhau gần trọn thị phần còn lại và chỉ số ít cho các công ty khác.

Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) vừa công bố danh sách 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất năm 2016 dựa trên số thuế thực mà doanh nghiệp đã nộp. Trong top 50 doanh nghiệp dẫn đầu, đáng lưu ý có hai cái tên đến từ nhóm các công ty tài chính đó là Fe Credit ở vị trí thứ 33 và Home Credit ở vị trí thứ 44. Các doanh nghiệp này đang nộp thuế nhiều hơn cả hàng loạt các ngân hàng lớn khác, ngoại trừ Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, MB, Techcombank và VPBank.

Ngọc Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên