Sẵn sàng cho thị trường chip tỉ đô
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, cho biết Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm cung cấp nguồn lực kỹ sư bán dẫn cho các công ty tại thị trường quốc tế
- 16-11-2023Tạo đột phá để du lịch Việt Nam đi sau nhưng vượt lên trước, trở thành ngành mũi nhọn
- 16-11-2023Hơn 50 tổ chức tài chính lớn quan tâm đầu tư vào Việt Nam
- 16-11-2023Phát triển du lịch Việt Nam: Việc hôm nay chớ để ngày mai!
* Phóng viên: Sau đại dịch COVID-19, thế giới khan hiếm trầm trọng nguồn cung chip, vật liệu bán dẫn, ông đánh giá thế nào về thị trường này?
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor
- Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor: Hiện nay, nhu cầu chip bán dẫn ngày càng tăng trong nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất ô tô, chăm sóc sức khỏe, trí tuệ nhân tạo, điện tử, gia dụng… Điều này sẽ thúc đẩy mở rộng nhanh chóng thị trường chất bán dẫn toàn cầu.
Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), doanh số của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu hiện đạt khoảng 600 tỉ USD và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Điều này có nghĩa là tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tiếp cận thị trường lên đến hàng tỉ USD.
* Cơ hội của Việt Nam khi bước đầu tham gia thị trường chip toàn cầu là gì, thưa ông?
- Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển ngành bán dẫn. Trên thực tế đã có hơn 40 công ty ở Việt Nam đang làm trực tiếp đến ngành thiết kế vật liệu bán dẫn. Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 3 về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2-2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2 năm nay, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại nước này.
Việt Nam đang dần quy tụ nhiều nhà máy sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc sang. Số lượng chip tiêu thụ trong thời gian tới sẽ còn tăng trưởng nhiều hơn. Việt Nam có thể trở thành điểm cung cấp nguồn lực kỹ sư bán dẫn cho các công ty tại thị trường Mỹ. Việt Nam dự kiến đến năm 2030 sẽ đào tạo và cung cấp 50.000 kỹ sư bán dẫn, những kỹ sư này sẽ làm việc ở Mỹ, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Đây là chương trình phát triển nguồn lực quốc gia.
Đại diện FPT Semiconductor giới thiệu về chip bán dẫn tại sự kiện FPT Techday 2023 (Ảnh do FPT cung cấp)
* Tham gia vào thị trường toàn cầu đối với một ngành mới này thì Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, ông nhận định thế nào?
- Dù Việt Nam đã có một số bước tiến để phát triển ngành chip bán dẫn nhưng kết quả còn khá khiêm tốn. Lý do lĩnh vực này có nhiều rào cản cho "người mới". Hiện chưa có nhiều ngành học chuyên sâu về ngành chip tại các đơn vị đào tạo giảng dạy tại Việt Nam. Là một trong những thị trường start-up hàng đầu khu vực Đông Nam Á nhưng trong xu hướng phát triển chung của hệ sinh thái, start-up Việt lại không có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chip. Cụ thể như: chip là lĩnh vực cần độ chính xác 100%; chi phí đầu tư vào các công cụ thiết kế lên tới hàng triệu USD. Một vấn đề khác khiến nhiều người không chọn khởi nghiệp trong ngành chip là liên quan tới vấn đề cung - cầu. Khi tham gia mà không có những đơn hàng trị giá triệu USD thì rất khó để tồn tại trên thị trường.
* Nếu tham gia lĩnh vực thiết kế chip, Việt Nam cần chuẩn bị những gì về nhân lực, thiết bị, hạ tầng...?
- Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất, thiết kế chip của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ lớn có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Để nắm bắt thời cơ này, Việt Nam phải giải quyết một số trở ngại như: thiết lập chuỗi cung ứng nội địa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và hợp tác với các đối tác quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam có ý định tham gia cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, quản lý dữ liệu và tăng cường đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ Chính phủ để khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này bao gồm việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ.
Mỗi năm cần 5.000 - 10.000 kỹ sư
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới được chia 4 nhóm: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói - kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị, Việt Nam tham gia khâu thiết kế với tổng doanh thu toàn cầu khâu này năm 2022 đạt khoảng 215 tỉ USD. FPT Semiconductor cho hay trong 2 năm tới, dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau để phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh. Theo Công ty VHT (Viettel), Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm 2 dòng chip 5G. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm nhưng hiện chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Cộng đồng Vi mạch Việt Nam cho biết hiện cả nước có khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip, chủ yếu tại TP HCM (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%). Đến năm 2030, Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn TP HCM có thể đào tạo trên 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.
T.Phượng
Người Lao động