MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáng kiến ‘Thành phố bọt biển’ của Trung Quốc: Sau gần 10 năm vẫn không giúp giảm ngập lụt, biến đổi khí hậu cực đoan vượt quá sự chống chọi

26-01-2024 - 20:31 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra, rằng sáng kiến này có thực sự hiệu quả?

Autumn Fang, một cư dân Thâm Quyến, suốt 2 ngày đã phải sống trong cảnh không nước, không điện vì bão Saola đổ bộ. Gần nhà cô, đội cứu hộ chèo xuồng cứu sinh trong điều kiện nước dâng cao đến đầu gối để giải cứu những người bị mắc kẹt.

“Đó là ngã tư tôi đi qua hàng ngày”, cô nói. “Tôi chưa bao giờ thấy Thâm Quyến như thế này”.

Thật vậy! Thành phố Thâm Quyến đã hứng chịu trận mưa lớn nhất lịch sử kể từ khi hồ sơ khí tượng bắt đầu được thu thập vào năm 1952. Lượng mưa trung bình trên toàn thành phố từ chiều ngày 7/9 đến sáng hôm sau vượt 200mm, trong khi một số khu vực là 470mm. Các đợt nắng nóng kéo dài, cháy rừng và lũ lụt đã khiến Trung Quốc thiệt hại 32 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD) trong 3 quý đầu năm.

Thảm họa này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các chiến dịch chống lũ, bao gồm sáng kiến “thành phố bọt biển” được triển khai trên toàn quốc vào năm 2015. Các chuyên gia cho rằng ý tưởng cơ bản giúp thành phố hấp thụ lượng mưa dư thừa, song quá trình triển khai lại khá khó khăn.

Theo một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới công bố hồi năm 2022 , Trung Quốc là một trong những quốc gia có nguy cơ hứng chịu lũ lụt cao nhất trên thế giới. Quốc gia này mất khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm do lũ lụt; hơn 640 thành phố có nguy cơ ngập nước và 67% dân số đang sinh sống tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng.

Sáng kiến ”thành phố bọt biển” được công bố vào năm 2015. Cách tiếp cận này đòi hỏi giới chức tạo ra nhiều không gian xanh hơn, đồng thời bố trí nhiều hồ đan xen các cơ sở hạ tầng thông thường để hấp thụ nước mưa, sau đó xả đi hoặc tận dụng lại.

Chính phủ khi đó kỳ vọng cách tiếp cận này không chỉ củng cố hệ thống quản lý nước mà còn biến đây trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.

“Thúc đẩy xây dựng thành phố bọt biển để các khu đô thị không chỉ mang hình thức mà còn tốt từ bên trong”, cựu Thủ tướng Trung Quốc nói.

Khi đó, giới chức đặt ra những mục tiêu vô cùng tham vọng: trang bị cho 80% khu vực đô thị các đặc điểm của một “thành phố bọt biển” tiêu chuẩn vào năm 2030 và tái sử dụng ít nhất 70% lượng mưa. 60 thành phố đã lọt danh sách thí điểm tính đến tháng 5/2023.

Theo truyền thông nhà nước, từ năm 2016 đến 2020, các khu vực đã tham gia hơn 33.000 dự án “thành phố bọt biển”, với tổng vốn đầu tư đạt 1,06 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Theo Michael Long, người đứng đầu nhóm phát triển bền vững tại New World Development, khái niệm “thành phố bọt biển” đã được tích hợp vào tất cả các hoạt động phát triển, đặc biệt khu phức hợp.

Sáng kiến ‘Thành phố bọt biển’ của Trung Quốc: Sau gần 10 năm vẫn không giúp giảm ngập lụt, biến đổi khí hậu cực đoan vượt quá sự chống chọi - Ảnh 1.

“Đối với New World, khái niệm 'thành phố bọt biển' đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiếp cận chiến lược bảo vệ môi trường. Chúng tôi tích hợp điều đó vào các hoạt động kinh doanh, từ đầu tư mới đến thiết kế, vận hành”, Michael Long nói.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực như vậy, các thành phố của Trung Quốc vẫn dễ lụt. Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết ít nhất 1,3 triệu người bị ảnh hưởng, trong khi hơn 200.000 ngôi nhà bị hư hại vì bão lũ.

Vào tháng 9, cơn bão Saola đổ bộ các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông phía nam Trung Quốc và khiến hơn 800.000 người phải sơ tán, hàng trăm chuyến bay bị hủy. Thiên tai gây thiệt hại khoảng 870 triệu nhân dân tệ cho tỉnh.

Những tổn thất như vậy đặt ra câu hỏi: Sau hàng tỷ nhân dân tệ đầu tư và xây dựng, liệu cơ sở hạ tầng của “thành phố bọt biển” có thực sự có tác dụng?

Theo các chuyên gia về nước và kỹ thuật, “thành phố bọt biển” là cách tiếp cận hợp lý để cải thiện khả năng chống chịu trước mưa lũ. Li Junqi, phó hiệu trưởng tại Đại học Xây dựng Bắc Kinh cho rằng: “Sáng kiến này là chiến lược quan trọng nhằm chủ động giải quyết các thách thức của quá trình phát triển đô thị hiện đại và biến đổi khí hậu”.

Bằng chứng là rất nhiều thành phố sau khi áp dụng ý tưởng này, chẳng hạn như Thượng Hải và Vũ Hán, đã ít bị ngập úng hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng như vậy chỉ có thể quản lý một lượng nước mưa nhất định. Biến đổi khí hậu đang gia tăng các hiện tượng cực đoan, vượt quá mức mà các “thành phố bọt biển” có thể xử lý.

“Thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt là nhiều điều không chắc chắn về biến đổi khí hậu. Có lẽ đã đến lúc phải chuyển sang một chế độ cao cấp hơn, một “thành phố bọt biển +”, Mark Fletcher, đại diện công ty tư vấn kỹ thuật Arup, nói và cho biết điều quan trọng là phải đưa ra hệ thống dự báo và cảnh báo sớm hiệu quả.

Theo Fiona Shiu, giám đốc bộ phận dịch vụ kỹ thuật và phát triển bền vững, Swire Properties đã kết hợp khái niệm “thành phố bọt biển” vào các dự án như Taikoo Place ở Hồng Kông và Savyavasa ở Jakarta. Một dự án tái phát triển tại Taikoo Place đang mở rộng không gian xanh lên khoảng 35%, trong khi dự án sang trọng Jakarta có tỷ lệ cây xanh là 45%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kỹ thuật “thành phố bọt biển” chưa đủ tiêu chuẩn trong phát triển đô thị.

“Đây chưa thể trở thành tiêu chuẩn chung mà chúng tôi có thể sử dụng để xây dựng thành phố”, Entela Benz, Giám đốc điều hành công ty phân tích rủi ro khí hậu Intensel cho biết.

Trên thực tế, Trung Quốc phải đối mặt với sự thiếu hụt tài chính đáng kể cho cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu thiên tai. Mức thiếu hụt tài trợ hàng năm lên tới gần 500 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm tới, theo một báo cáo do Viện Tài nguyên Thế giới công bố vào năm 2021.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn biến đổi khí hậu ngay từ đầu đóng vai trò rất quan trọng.

“Phải vừa thích nghi, vừa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Cả hai yếu tố đều không thể thiếu”, Li Zheng, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, nói.

Theo: SCMP

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

Trở lên trên