MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sao chưa giảm giá điện, xăng...?

18-07-2021 - 07:44 AM | Thị trường

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều để có thể bảo đảm điều kiện "3 tại chỗ", "một cung đường hai địa điểm" nên mong muốn có sự chia sẻ trở lại từ phía nhà nước.

Các doanh nghiệp bày tỏ chưa khi nào họ phải đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay. Hàng loạt chi phí gia tăng, từ chuẩn bị điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tại chỗ cho người lao động đến chi phí xét nghiệm định kỳ… Trong khi đó, năng suất lao động sụt giảm, thông thương gặp khó khăn, giá nguyên vật liệu tăng cao.

Doanh nghiệp đã hy sinh nhiều

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết đến 80% doanh nghiệp (DN) ngành lương thực, thực phẩm sản xuất các mặt hàng thiết yếu đang nỗ lực tối đa để duy trì sản xuất, cung cấp hàng hóa cho người dân không chỉ TP HCM mà còn nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Cho đến thời điểm này, không chỉ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường không tăng giá sản phẩm để góp phần giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu mà một số DN sản xuất mì gói, bột mì… cũng tự nguyện cam kết không tăng giá trong thời gian từ nay đến cuối năm.

 Sao chưa giảm giá điện, xăng...?  - Ảnh 1.

Trong lúc người dân rất khó khăn, xăng dầu lại tiếp tục tăng giá Ảnh: TẤN THẠNH


Chưa bao giờ DN phải đối diện với khó khăn chồng khó khăn như hiện nay nhưng với tinh thần chung sức chung lòng cùng cả nước chống dịch, DN chấp nhận gồng gánh. Chỉ riêng việc giữ cho sản xuất không ngưng trệ, giữ công nhân ở lại nhà máy đã rất vất vả vì ngoài chuyện bố trí chỗ ở tạm thời, điều kiện ăn ngủ… thì các DN còn phải động viên, ổn định tâm lý cán bộ, công nhân viên. "Trong lúc DN và người dân rất khó khăn như hiện nay, việc tăng giá xăng là cực kỳ phi lý trong khi nhà nước có thể sử dụng quỹ bình ổn để cân đối, kéo lùi thời hạn điều chỉnh giá xăng thêm 15-30 ngày nữa để chia sẻ với người dân và DN" - bà Chi nói.

Cũng theo bà Chi, trong những ngày tới đây, việc thực hiện "3 tại chỗ" chắc chắn sẽ đội thêm chi phí tiền điện, nước… của nhiều DN. "Điện, nước, xăng dầu là những ngành có lợi nhuận tích lũy rất lớn, trong những lúc cấp bách thế này rất cần có hành động cụ thể để chia sẻ khó khăn với cộng đồng, DN. Có thể khoản hỗ trợ tiền điện, nước hằng tháng mà mỗi hộ gia đình, mỗi DN được hưởng không đáng kể so với khoản họ phải chi trả nhưng nó mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, động viên người dân, DN vững tin vượt qua" - bà Chi đề xuất.

Mong được đồng hành

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), cho rằng DN đang thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất trong mùa dịch chứ không có lãi. Chi phí phát sinh rất nhiều từ việc lo ăn, ở cho công nhân, trong đó chi phí điện, nước bị đội lên rất nhiều. "Điện, nước là chi phí cơ bản mà DN nào cũng phải chi trả nên các DN hoạt động trong lĩnh vực này nên chia sẻ với khối khách hàng DN trong lúc khó khăn do dịch bệnh. Mức giảm có thể là 20%-30% trong thời gian 3-6 tháng nhằm hỗ trợ dòng tiền cho DN trong lúc hết sức khó khăn do Covid-19" - ông Thứ kiến nghị.

Ông chủ một hệ thống 5 cửa hàng bán lẻ thực phẩm tại TP HCM cũng cho hay đang cho nhân viên ở lại tại chỗ để bảo đảm an toàn hệ thống. "Dự trù là tiền điện, nước của đợt này của DN sẽ tăng đột biến. Có cửa hàng do dùng điện sinh hoạt nên sẽ còn chịu giá điện bậc thang, lũy tiến rất cao nhưng vì mục tiêu duy trì hoạt động nên không tính toán. Dù chi phí đầu vào tăng rất cao nhưng DN vẫn giữ giá để hỗ trợ người tiêu dùng. Vì vậy, nếu được hỗ trợ phần nào chi phí điện, nước sẽ giảm áp lực cho DN" - ông chủ hệ thống này bày tỏ.

Cố gắng tiết kiệm nhưng rất khó

"Đợt dịch năm ngoái nhẹ mà được ngành điện giảm giá, năm nay ảnh hưởng dịch nặng hơn vẫn chưa thấy ngành điện thông báo giảm giá?". Đây là thắc mắc của chị Nguyễn Thị Dung (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) trước việc phải trả tiền điện quá nhiều trong thời gian qua.

Theo chị Dung, năm nay, tháng 5 và 6 tại TP HCM nắng nóng cao điểm, học sinh nghỉ học, cha mẹ làm việc ở nhà nên sử dụng điện nhiều hơn trước. "Hai tháng này, tôi đóng gần 800.000 đồng/tháng trong khi những tháng trước chỉ đóng khoảng 500.000 đồng. Cố gắng tiết kiệm nhưng rất khó vì cả gia đình sinh hoạt trong nhà, không đi ra ngoài hóng khí trời được. Không những thế, vì nắng nóng nên lượng nước dùng cũng tăng, giá nước ngoài định mức (4 m3/người/tháng) rất cao nên hóa đơn cũng tăng vọt. Việc giảm tiền điện, nước là cách thiết thực để hỗ trợ khó khăn cho người dân lúc này" - chị Dung đề nghị.

V.Ngọc

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, giảng viên Học viện Tài chính:

Đang chịu "cú đấm bồi"

Cộng đồng DN, nhất là DN khu vực phía Nam, đang chịu những "cú đấm bồi" từ tình hình dịch bệnh phức tạp cùng nhiều yếu tố khác, khiến sức khỏe và năng lực tài chính trở nên mong manh hơn khi nào hết. Trong lúc này, họ cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước về chính sách thuế, phí, lãi suất bên cạnh giảm giá điện, nước, xăng dầu trong phạm vi có thể. Điều này rất quan trọng để giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng sức "chiến đấu" trong bối cảnh chồng chất khó khăn. Dù chỉ giảm giá vài chục phần trăm mỗi chi phí đầu vào cố định cũng là giúp sức cho doanh nghiệp rất nhiều. Tôi cũng đã nhiều lần đề xuất giảm giá điện nhiều hơn nữa, mở rộng tới nhiều đối tượng hơn nữa song dường như động thái từ phía nhà nước chưa đủ mạnh mẽ, ngoài đợt hỗ trợ giảm giá điện hồi năm ngoái.

Câu chuyện giá xăng cũng rất bất hợp lý. Biết rằng giá xăng gần đây được điều chỉnh tăng theo đúng diễn biến thị trường, song chúng ta còn công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để sử dụng vào lúc nguy cấp này. Nếu đã thống nhất duy trì sự tồn tại của quỹ này thì đây là lúc cần tăng xả quỹ để kìm giá xăng lại, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu được tinh thần của việc tăng thu quỹ vào giai đoạn dịch bệnh bớt căng thẳng sau này.

Ông CHU TIẾN DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM:

Cần hỗ trợ dòng tiền

Hiệp hội đã tập hợp các phản ánh của DN trong những ngày gần đây để báo cáo UBND TP HCM, kèm theo đó là một số kiến nghị cụ thể nhằm gỡ vướng, tạo thuận lợi cho DN tiếp tục tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh, giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước lẫn chuỗi cung ứng toàn cầu không bị đứt gãy. Đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn, càng khó khăn hơn khi các tỉnh phía Nam cũng sẽ thực hiện Chỉ thị 16 trong 1-2 ngày tới nên DN rất cần được quan tâm hỗ trợ.

Hỗ trợ ý nghĩa nhất đối với DN lúc này chính là dòng tiền. Làm sao giữ được, cung cấp được dòng tiền lưu thông để nuôi sống DN. Các chính sách tài khóa, tiền tệ đóng vai trò quan trọng; cho DN được khoanh nợ, giãn nợ, vay vốn tái đầu tư sản xuất kinh doanh bằng tín chấp để giữ cho "máu" lưu thông trong cơ thể DN, đồng thời kịp thời cắt giảm một số loại thuế, phí. Những hỗ trợ khác nếu nhà nước, chính quyền địa phương có thể triển khai cũng sẽ mang ý nghĩa chia sẻ, động viên tinh thần rất lớn.

P.An - H.Dương ghi

Theo Phương An - Thùy Dương - Ngọc Ánh

Người lao động

Trở lên trên