“Sao đổi ngôi” trên thị trường chứng khoán Nhật hai thập kỷ qua
Những công ty có cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất có điểm chung là hoạt động kinh doanh của họ hướng tới sự chuyên biệt hóa.
Việc theo dõi biến động của thị trường chứng khoán Tokyo trong hai thập kỷ qua cho thấy sự thay đổi đáng kể về những công ty niêm yết.
Vị thế trước đây thuộc về những tập đoàn lớn nay đang dần nhường cho những công ty nhỏ hơn, theo Nikkei dẫn số liệu và phân tích của Nikko Asset Management và Nikko Japan Open fund trong bài báo mới đây.
Nikko Asset Management và Nikko Japan Open fund đã thu thập số liệu về thị trường chứng khoán Nhật suốt từ năm 1998. Hai tổ chức này đã luôn có nhiều dự báo chính xác về sự thay đổi trong môi trường kinh doanh.
Cổ phiếu quỹ của Nikko Asset Management đã tăng 75% tính từ khi thành lập, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 50% của chỉ số Topix trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo.
Vậy tại sao quỹ thành công đến vậy? Ban đầu quỹ chủ yếu mua cổ phiếu của các công ty sản xuất truyền thống như Toyota Motor hay Nippon Steel & Sumitomo Metal. Tuy nhiên sau đó, quỹ chuyển sang mua cổ phiếu của một số công ty kinh doanh hàng tiêu dùng như cổ phiếu của công ty kinh doanh đồ nội thất Nitori. Nitori bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Tokyo từ năm 1989, thời kỳ chứng khoán Nhật đang trong giai đoạn bong bóng đỉnh cao.
Đó cũng là năm Nhật hoàng Akihito lên nắm quyền, mở ra một thời kỳ mới cho nước Nhật. Thời kỳ mới giúp cho thêm nhiều công ty, đặc biệt nhóm công ty trong lĩnh vực dịch vụ, gia nhập thị trường.
Các công ty này vẫn lèo lái được công việc kinh doanh qua thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng trì trệ, nhờ vậy chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Nhật vẫn tăng trưởng đều đặn và mới đây đã đóng cửa ở mức cao nhất trong 21 năm qua.
Theo số liệu thống kê của hai tổ chức trên, tính trong tổng số 3.700 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, khoảng 60% công ty mới chỉ niêm yết cổ phiếu từ sau năm 1989 hoặc muộn hơn.
Tuy nhiên nhóm công ty này mới chiếm 30% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Cho đến nay, chưa có một công ty nào vươn lên tầm công ty quốc tế như Amazon (niêm yết năm 1997) hay Google (niêm yết năm 2004).
Phân tích của chuyên gia thuộc Nikkei Assest Management cho thấy những công ty có cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất có điểm chung là hoạt động kinh doanh của họ hướng tới sự chuyên biệt hóa.
Có thể kể đến Uniqlo (niêm yết cổ phiếu năm 1994). Uniqlo hiện đã đứng đầu ngành kinh doanh đồ may mặc của Nhật, họ chủ động hoàn toàn, từ khâu thiết kế, sản xuất, kinh doanh.
Đã có thời điểm giá trị vốn hóa thị trường của Uniqlo vượt cả công ty sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn hàng đầu nước Nhật Seven & i Holdings. Giá trị vốn hóa thị trường của Nidec, công ty niêm yết vào năm 1988, cũng đã tăng vượt công ty điện tử Panasonic và Kyocera. Nidec cũng chỉ chuyên tập trung vào phát triển trong ngành ô tô.
Khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh mới cũng vô cùng quan trọng. Hãy nhìn vào ví dụ Sony. Năm tài khóa 2000, gần như tất cả lợi nhuận của Sony đến từ việc sản xuất các thiết bị gia dụng.
Đến năm tài khóa 2016, dịch vụ tài chính mang lại nguồn thu lớn nhất cho Sony, sau đó đến trò chơi điện tử. Những ngành kinh doanh này thậm chí có thể giúp Sony có được lợi nhuận cao kỷ lục trong năm tài khóa hiện tại.
Với mô hình công ty mẹ con, khi mà cả công ty mẹ và công ty thành viên đều niêm yết cổ phiếu, nhà đầu tư đã giảm bớt sự hứng thú bởi lo ngại về khả năng công ty mẹ có quá nhiều tác động đến sự độc lập của công ty thành viên.
Chính tập đoàn Hitachi cũng thấm thía điều này khi tập đoàn tái cơ cấu nhằm giảm thiểu thua lỗ trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều tập đoàn khác cũng đã phải chấm dứt mô hình công ty mẹ con.
Số lượng các công ty mẹ con niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo giảm từ 417 vào năm 2006 xuống còn 270 ở thời điểm hiện nay.
Từ năm 1989 đến nay, trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo cũng chứng kiến quá nhiều thay đổi. Trung bình mỗi năm có thêm khoảng 100 công ty niêm yết cổ phiếu, tuy nhiêu cũng cùng thời gian trên có đến 1.650 công ty hủy niêm yết.
Một số công ty tự nguyện ngừng niêm yết như Yamaichi Securities. Nhưng cũng có một số công ty khác như công ty bán lẻ Sogo đã bị buộc phải hủy niêm yết bởi nợ nần chồng chất sau thời kỳ kinh tế Nhật khó khăn kéo dài.
Hàng loạt nỗ lực cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp và ngành đã giúp các doanh nghiệp Nhật giảm được rất nhiều nợ, cắt giảm được nhiều nhân sự thừa. Mức lợi nhuận biên của doanh nghiệp Nhật sau nhiều năm dao động quanh ngưỡng 1% nay đã lên mức 4%.
Chính vì vậy, sau khoảng thời gian tăng ấn tượng vừa qua, chỉ số Nikkei sẽ tiếp tục tăng, bởi theo nhận định của chuyên gia thuộc tổ chức quản lý quỹ UBS Asset Management, ông Hiroyuki Matsunaga, thành quả của quá trình cải tổ doanh nghiệp vẫn chưa thể hiện hết.
Khoảng 30% các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo đã mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Có thể kể đến các công ty trong nhóm ngành viễn thông hay sản xuất, dược phẩm,
Nhóm các công ty trong ngành ô tô, sản xuất đồ điện tử hoàn toàn vắng bóng trong nhóm các công ty mang lại lợi nhuận cao. Cạnh tranh trên toàn cầu tăng cao và đồng yên tăng giá đã khiến hoạt động kinh doanh của nhóm các công ty này vô cùng khó khăn.
BizLive