MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp 'chốt' quy định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, có điểm đột phá

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 18/5 Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp để thẩm định lần cuối liên quan đến sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Dù không sửa quá nhiều nhưng có những điểm mang tính đột phá trong lần sửa đổi này.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, việc góp ý cho việc sửa đổi Nghị định của các bộ ngành rất chậm. Bên cạnh đó, do đây là sửa đổi Nghị định chứ không phải xây dựng nghị định hoàn toàn mới về kinh doanh xăng dầu nên theo quy định, chỉ được phép sửa không quá 1/3 những Điều/Quy định đã được quy định trong Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc sửa đổi nghị định được theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp mới đây với các bộ, ngành liên quan về sửa Nghị định với nhiều điểm mới.

Theo đó, dự thảo mới tập trung vào việc sửa thời gian điều hành giá . Cụ thể sửa thời gian điều hành từ 10 ngày xuống còn 7 ngày và điều hành cố định vào một ngày cụ thể, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết cũng thực hiện điều hành thay vì lùi sang kỳ điều hành tiếp theo hoặc ngày làm việc sau kỳ nghỉ như quy định hiện nay. Dự thảo cũng đề cập đến việc sửa quy định về điều kiện cấp phép, quy định về lấy nhiều nguồn của doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp đầu mối…

Về vấn đề các doanh nghiệp bán lẻ đang đặc biệt quan tâm là chiết khấu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Nghị định mới có nhiều điểm đột phá. Theo đó, nếu Chính phủ chọn phương án cho doanh nghiệp được chủ động quyết về giá bán thì không nhất thiết phải cần có quy định riêng về chiết khấu. Khi doanh nghiệp được chủ động giá bán thì lúc đó ‘lời ăn, lỗ chịu’.

“Vấn đề hiện nay của thị trường xăng dầu là lúc giá cao , lãi cao thì doanh nghiệp không kêu nhưng khi giá thấp, bị lỗ thì lại kêu ngay. Quan điểm về chiết khấu khi góp ý cho sửa nghị định là không can thiệp vào việc của doanh nghiệp”, ông Hải cho hay.

Sắp 'chốt' quy định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, có điểm đột phá - Ảnh 1.

Một thành viên tham gia ban soạn thảo cho biết, dự thảo sửa đổi có nhiều điểm đột phá so với các quy định trước đây và được các bộ ngành góp ý kiến rất kỹ lưỡng. Nghị định mới sẽ có những quy định nhằm hướng tới đưa mặt hàng xăng dầu từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước mang tính vĩ mô đồng thời, tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường để giải quyết những mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.

Trong chỉ đạo trước đó về sửa Nghị định, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu việc sửa đổi Nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu. Việc giảm đầu mối quản lý sẽ giúp tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua.

Hướng đến việc mở cho doanh nghiệp lấy từ nhiều nguồn

Về góp ý sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, một chuyên gia xăng dầu cho PV Tiền Phong biết, việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn , nếu không kiểm soát chặt chẽ về nguồn cung cũng như hoạt động, sẽ gây ra nhiều vấn đề về quản lý.

Theo vị này, việc mở quyền sẽ giúp doanh nghiệp bán lẻ linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm nguồn hàng, nhất là trong trường hợp địa bàn kinh doanh của doanh nghiệp rộng. Tuy nhiên, cũng không phải doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ việc mở quyền này, đặc biệt là các doanh nghiệp ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, xa kho cảng do chi phí vận chuyển đội lên.

“Trong kinh doanh, cứ chỗ nào bán rẻ là tôi nhập hàng, đó là nguyên lý. Nhưng ở khía cạnh đầu mối, thương nhân phân phối, họ sẽ có cơ sở để nói: Khi có lãi thì bán lẻ bỏ đi, chọn nơi cắt chiết khấu tốt nhất để mua. Đến khi giá giảm, chiết khấu thấp, lại quay sang đòi nhập hàng. Vậy, cớ gì tôi phải bán cho anh? Chưa kể, việc nhập xăng dầu phải theo kế hoạch tháng, quý, không thể đùng một cái tôi phải bán cho anh ngay được. Các ngân hàng cũng vậy, khi vay tiền thì anh lại tới đòi vay lãi suất thấp nhất trong khi gửi tiền, anh lại chọn đối thủ của tôi để gửi để lấy lãi sao? Kinh doanh phải hài hoà, lúc này lúc khác”, vị này phân tích.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, việc quản lý chất lượng xăng dầu bán ra thị trường là câu chuyện không chỉ người dân mà cơ quan quản lý cũng hết sức lưu tâm. Việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn cũng là một giải pháp tốt thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường.

Về lo ngại việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn sẽ tạo ‘cầu ảo’ cũng như gây cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, thực tế việc quản lý sẽ phức tạp hơn nhưng sẽ giúp đạt mục tiêu hướng tới việc các doanh nghiệp cạnh tranh hơn về giá và người tiêu dùng sẽ được lợi khi mua được xăng với giá tốt nhất.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, với việc đề xuất cho doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn là quan điểm rất mới của Bộ trong việc quản lý. Nhưng cùng với đó, doanh nghiệp bán lẻ sẽ chịu sức ép giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý về nguồn cung và chất lượng.

Quan điểm của Bộ Công Thương là ngày càng để thị trường vận động mở, cạnh tranh hơn. Cùng với việc cho phép lấy từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý sẽ đồng bộ sửa các quy định liên quan trên giấy phép cho doanh nghiệp.

Trước đó, trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp cho biết đang bị lỗ nặng và kiến nghị liên Bộ Tài chính - Công thương thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị 1.350 đồng/lít chi phí định mức và lợi nhuận định mức (đã được tính toán trong giá cơ sở) nêu trên để làm cơ sở cho việc phân chia chi phí trong Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu. Quyết định của hội đồng cũng sẽ được làm cơ sở giúp truy thu phần chi phí mà doanh nghiệp bán lẻ bị chiếm đoạt thời gian qua.

"Khi doanh nghiệp bán lẻ được lấy nhiều nguồn mà vẫn không có hàng để bán, hàng bán ra không đạt chất lượng, cơ quan quản lý sẽ vào cuộc xử lý ngay lập tức. Lúc đó không thể vin lý do lỗ hay do đầu mối, thương nhân phân phối không có hàng để bán để trốn tránh nghĩa vụ không bán hàng của mình”, Đại diện Bộ Công Thương nói.



Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

Trở lên trên