Sắp có một khoảng thời gian "vàng" cho nhịp đầu tư ngắn hạn
ABS cho rằng VN-Index tiếp tục nhịp hồi phục và hướng tới vùng 1140- 1.160 điểm tại thời điểm cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá sau tháng 2 điều chỉnh, thị trường chứng khoán vừa có một tháng hồi phục nhẹ và thận trọng, do đang trong giai đoạn cuối của khoảng trống thông tin. Việc tháo gỡ nút thắt ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được phản ánh tích cực vào thị trường.
Dù vậy, hiện kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi chậm, xác suất nguy cơ suy thoái ngày càng cao sau khi hàng loạt ngân hàng tại Mỹ và trên thế giới rơi vào cảnh khó khăn, sự phục hồi của thị trường Trung Quốc cũng chưa có nhiều đột biến. Các NHTW lớn chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng sẽ sớm đảo chiều chỉnh sách tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ.
Nhìn chung, triển vọng xuất khẩu trong các quý tới có thể tiếp tục khó khăn, việc giải ngân đầu tư công vẫn chậm, tiêu dùng trong nước phục hồi yếu hơn kỳ vọng, vốn đầu tư FDI vẫn đang trong xu hướng giảm. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong nước đã và đang giảm nhiệt, giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhiều biện pháp của Chính phủ giúp gỡ khó cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn kỳ vọng gỡ nút thắt pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, tiếp cận nguồn tín dụng mới.
Dòng vốn ETF ngoại nhiều khả năng tiếp tục gia tăng giải ngân tại thị trường Việt Nam trong tháng 4, ước tính Fubon ETF còn gần 2.300 tỷ đồng sẽ rót vào mua cổ phiếu Viêt, trong khi nhiều quỹ ETF mới đã và đang được cấp phép.
Dự báo về diễn biến VN-Index trong tháng 2, ABS cho rằng VN-Index tiếp tục nhịp hồi phục và hướng tới vùng 1140- 1.160 điểm tại thời điểm cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Đây là khoảng thời gian an toàn cho nhịp đầu tư ngắn hạn. Thêm vào đó, thanh khoản thị trường tháng 4 kỳ vọng được cải thiện từ 10-20% so với tháng 3 nhờ động lực dòng tiền đến từ các quỹ ETF ngoại dẫn dắt nhà đầu tư trong nước. Thông thường, các mã cổ phiếu mà quỹ ETF tập trung giải ngân thường có vốn hoá lớn nên được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực và dẫn dắt thị trường.
Đội ngũ phân tích cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên mua cổ phiếu trong những phiên điều chỉnh hoặc các nhịp rung lắc. Tỷ trọng cổ phiếu nên ở mức 60%-80% tổng danh mục do đây chỉ là nhịp hồi phục.
Về mặt định giá, sau nhịp hồi phục nhẹ cuối tháng 3, P/E toàn thị trường đã tăng nhẹ từ 11,5 lần lên 11,9 lần. Với triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng nhẹ so với quý 4/2022, dự kiến P/E thời điểm quý 1/2023 sẽ giảm đi, khiến mức định giá trở nên hấp dẫn hơn.
Về triển vọng nhóm ngành, ABS đánh giá các ngành ngân hàng, dầu khí, điện, xây dựng cơ sở hạ tầng, BĐS KCN, hàng không, vận tải dầu, vật liệu xây dựng ngoài sắt thép, lương thực, công nghệ thông tin, dược... sẽ có kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.
Ngược lại, các ngành bất động sản, sắt thép, bán lẻ, các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam (dệt may, thủy sản…), phân bón, hóa chất sẽ có kết quả kém khả quan.
Nhịp Sống Thị Trường