Sắp 'cởi trói' thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước?
Bộ Tài chính vừa có đề xuất sửa đổi quy định về tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn khi thua lỗ, bán cổ phần để tăng vốn khi xây dựng công trình trọng điểm. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế kiến nghị, cần đánh giá kỹ quy định này trước khi thực thi.
- 24-10-2023'Nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ nhưng lương lãnh đạo vẫn rất cao'
- 08-10-2023Doanh nghiệp nhà nước lỗ lũy kế gần 70.000 tỉ đồng, nợ hơn 1,9 triệu tỉ đồng
- 02-10-2023Cần trao nhiều quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp mong được gỡ khó
Theo Bộ Tài chính , việc đầu tư, quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua gặp nhiều vướng mắc. Một số doanh nghiệp mong muốn được chia cổ tức bằng cổ phần để tăng vốn tự có nhưng không được giải quyết. Tiêu biểu như trường hợp của Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV). Theo đó, ACV mong muốn được chia cổ tức bằng cổ phần để tăng nguồn vốn tự có, thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn như: Dự án sân bay Long Thành, Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất…
Tuy nhiên, ACV không có đủ vốn để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án, đặc biệt là dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 phải hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025. Điều này khiến ACV sẽ phải vay các tổ chức tín dụng, dẫn tới việc tăng rủi ro trong hoạt động đầu tư, giảm hiệu quả dự án và giảm hiệu quả hoạt động của ACV.
Một trong những vướng mắc tiếp theo là quy định công ty lỗ lũy kế hoặc thua lỗ không được thoái vốn. Vướng mắc đang phát sinh như trường hợp Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bị thua lỗ và muốn có giải pháp thoái vốn tại Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines (PA).
Theo đó, có 3 phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư của VNA khỏi PA gồm: đấu giá công khai; đấu giá công khai không thành công thì chào bán cạnh tranh; chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Hiện tại, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã có báo cáo gửi Chính phủ về những vướng mắc của VNA trong thoái vốn tại PA.
đề xuất tháo gỡ
Trước vướng mắc của doanh nghiệp, sau nhiều cuộc họp của bộ, ngành như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Đề xuất xây dựng nghị định nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện đầu tư bổ sung vốn Nhà nước vào doanh nghiệp từ nguồn cổ tức được trả cho cổ đông Nhà nước tại công ty cổ phần nhằm bổ sung nguồn lực kịp thời với chi phí vốn thấp. Cùng với đó sẽ xây dựng cơ sở pháp lý để doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thoái vốn tại doanh nghiệp khác bị lỗ hoặc có lỗ lũy kế”, Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi, bổ sung nội dung tập trung theo hướng: quy định đối với doanh nghiệp là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, phần lợi nhuận còn lại được chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt; hoặc bằng cổ phiếu để đầu tư bổ sung tăng vốn điều lệ, thực hiện các dự án quan trọng quốc gia được cấp có thẩm phê duyệt và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Đánh giá về đề xuất này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ đề xuất cho phép doanh nghiệp Nhà nước đang thua lỗ, có lỗ lũy kế được thoái vốn. Theo ông Long, nếu thoái vốn khi doanh nghiệp thua lỗ sẽ tiềm ẩn nguy cơ thất thoát vốn của Nhà nước bởi giá trị thoái vốn thấp. Trường hợp, kế hoạch thoái vốn được thông qua, doanh nghiệp cần chứng minh việc giữ lại doanh nghiệp, không thoái vốn kém hiệu quả, càng giữ càng thua lỗ và khó thoái vốn.
“Cơ quan chức năng cần đánh giá kỹ tác động của dự thảo nghị định này. Cùng đó đánh giá số lượng doanh nghiệp có 50% vốn Nhà nước nước thua lỗ, không thoái vốn có phổ biến hay không. Nếu trường hợp này phổ biến mới cần thiết ra nghị định mới”, ông Long khuyến nghị.
Ông Long cho rằng, việc đầu tư quản lý vốn Nhà nước ở doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc. Cơ quan chức năng nên nghiên cứu sửa đổi tổng thể, có giải pháp đặc thù cho việc một số doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ do chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán ra không tăng.
Bộ Tài chính đánh giá, năm 2023, việc cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn năm 2023 còn chậm. Cả năm chỉ thoái vốn tại 12 đơn vị với giá trị 65,2 tỷ đồng, thu về 229 tỷ đồng.
Tiền phong