Sắp tới chính thức có thể dùng bằng lái xe trên ứng dụng VneID khi CSGT kiểm tra
Khi Thông tư 05 chính thức có hiệu lực thi hành, người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe đã được xác thực trên VneID.
- 18-01-2024Được yêu cầu 'cập nhật thông tin bằng lái xe', người phụ nữ mất 1 tỷ đồng
- 20-12-2023Có bắt buộc đổi bằng lái xe sang loại thẻ PET ngay?
- 17-10-2023Sở GTVT Hà Nội thông báo 5 bước đổi bằng lái xe trực tuyến để giảm quá tải
Theo quy định mới tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành, có một điểm mới đáng chú ý mà trước đó nhiều người quan tâm đó là bằng lái xe (GPLX) trên ứng dụng VneID của Bộ Công an có giá trị không?.
Theo đó, trong Thông tư 05 có giá trị từ ngày 1/6/2024 thì ngoài giấy phép lái xe bản cứng thông thường thì thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VneID cũng được coi là giấy phép lái xe hợp lệ.
Trước đây, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT chỉ ghi nhận giấy phép lái xe bằng vật liệu PET hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe.
Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung khoản 13 Điều 33 Thông tư số 12 có nêu rõ "giấy phép lái xe bằng vật liệu PET hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe hoặc có thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VneID.”
Như vậy, kể từ ngày 1/6/2024, khi Thông tư 05 chính thức có hiệu lực thi hành, người dân không bắt buộc phải mang giấy phép lái xe cứng khi tham gia giao thông mà có thể xuất trình GPLX đã được tích hợp trên VneID cho công an giao thông hoặc các lực lượng chức năng khi được yêu cầu.
Một số quy định mới về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Ngoài thông tin trên, Thông tư 05 cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới về đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C.
Cụ thể, số học viên được quy định trên một xe tập lái từ 1/6 hạng B1, B2 không quá 05 học viên và hạng C không quá 08 học viên. Theo quy định mới, người có nhu cầu cấp GPLX ô tô, môt tô các hạng có thể lựa chọn học trực tuyến đối với một số nội dung lý thuyết.
Trước đó, Thông tư 12/2017 quy định, người có nhu cầu cấp GPLX các hạng B1, B2, C, D, E và GPLX các hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở được phép đào tạo và phải được kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo.
Trong 1 năm kể từ ngày kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.
Thông tư 05/2024 cũng bổ sung quy định chỉ rõ thời gian học lái xe ban đêm được tính từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.
Ngoài ra, Thông tư 05/2024/TT-BGTVT của Bộ GTVT cũng sửa đổi, bổ sung một số điều về hồ sơ của người học lái xe.
Theo đó, người học lái xe lần đầu lập 1 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp GPLX theo mẫu; Bản sao thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài; Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
Người học lái xe nâng hạng lập 1 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo và chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu GPLX.
Hồ sơ bao gồm: Giấy tờ quy định trên; bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E; bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu.
Người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 lập 1 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
Đời sống & pháp luật