MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp tới, dân làm giấy tờ nhà đất sẽ nhanh hơn

28-08-2017 - 10:45 AM | Bất động sản

Từ ngày 27-8, Sở TN&MT TP không còn ký cấp giấy đất của hộ gia đình, cá nhân mà ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính đất đai trên địa bàn TP, trong đó có lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN). Đến ngày 27-8, khi quyết định này bắt đầu có hiệu lực, Sở TN&MT TP sẽ có văn bản ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP để cơ quan này chính thức cấp GCN cho dân.

“Lần đầu tiên, Sở TN&MT mạnh dạn ủy quyền cho một đơn vị sự nghiệp là VPĐKĐĐ cấp GCN. Việc ủy quyền này sẽ giảm được một cấp ký giấy nên sẽ giải quyết hồ sơ nhanh hơn, giảm tỉ lệ trễ hạn hồ sơ và giảm phiền hà cho dân” - ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP, nói như vậy khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.

Ba cấp xuống hai cấp

. Phóng viên: Thưa ông, sau khi ủy quyền cho VPĐKĐĐ cấp GCN thì quy trình cấp GCN sẽ như thế nào?

+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Theo quy trình cũ, đối với trường hợp cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sẽ qua ba cấp: Sau khi người dân nộp hồ sơ tại chi nhánh VPĐKĐĐ, hồ sơ sẽ được chuyển về VPĐKĐĐ để xem xét pháp lý, đủ điều kiện cấp thì chuyển về Sở TN&MT ký, đóng dấu. Sau đó, Sở lại chuyển hồ sơ về VPĐKĐĐ để chuyển về chi nhánh trả cho người dân. Nay Sở TN&MT ủy quyền cho VPĐKĐĐ thì sẽ giảm được một cấp ở Sở. Có nghĩa là hồ sơ sẽ không phải chuyển lên Sở TN&MT ký nữa. Theo đó, hồ sơ của người dân nếu không có nhu cầu cấp mới thì chi nhánh VPĐKĐĐ sẽ cập nhật lên trang 4 của GCN rồi trả ngay. Trong trường hợp cấp GCN mới thì chỉ chuyển từ chi nhánh lên VPĐKĐĐ cấp, nơi đây sẽ sử dụng con dấu của Sở TN&MT. Việc này sẽ đẩy nhanh được tiến độ cấp GCN cho dân.

. Quyết định quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai chỉ cho phép Sở TN&MT ủy quyền cho VPĐKĐĐ cấp GCN thay vì ủy quyền luôn cho các chi nhánh. Như vậy, liệu có chuyển từ điểm nghẽn là Sở TN&MT sang điểm nghẽn khác là VPĐKĐĐ?

+ Chắc chắn là việc giảm một cấp ký GCN (là Sở TN&MT) thì đường đi của hồ sơ sẽ ngắn hơn, sẽ cắt giảm được rất nhiều công đoạn. Chẳng hạn như khâu vận chuyển hồ sơ lên Sở, trình ký, đóng dấu rồi chuyển hồ sơ trả lại. Thời gian qua, việc luân chuyển hồ sơ qua ba cấp đã làm mất rất nhiều thời gian. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hồ sơ giải quyết trễ hạn, làm tăng chi phí thực hiện thủ tục hành chính, gây bức xúc cho dân.


Cán bộ đang hướng dẫn người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận nhà, đất ở quận 12 (TP.HCM). Ảnh: VIỆT HOA

Cán bộ đang hướng dẫn người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận nhà, đất ở quận 12 (TP.HCM). Ảnh: VIỆT HOA

Ngoài ra, việc ủy quyền cho VPĐKĐĐ cấp GCN cũng sẽ giảm ách tắc hồ sơ và giải quyết cấp giấy một cách chuyên nghiệp hơn. Cụ thể là khi chuyển hồ sơ về Sở TN&MT ký, hiện nay chỉ có hai phó giám đốc Sở ký cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân; còn giám đốc Sở ký tất cả trường hợp của các tổ chức, doanh nghiệp. Nhân sự như vậy là rất ít trong khi Sở còn phải giải quyết rất nhiều công việc thuộc các mảng khác. Trong khi đó, ủy quyền về cho VPĐKĐĐ là một đơn vị sự nghiệp, chỉ tập trung một lĩnh vực cấp giấy thì sẽ giải quyết nhanh hơn. Nhân sự ký cấp GCN tại VPĐKĐĐ cũng nhiều hơn. Do đó có thể khẳng định là sẽ không bị quá tải như cách làm cũ.

. Được biết Sở TN&MT thí điểm ủy quyền cho VPĐKĐĐ cấp GCN trong thời gian một năm. Tại sao không ủy quyền luôn cho các chi nhánh được cấp giấy?

+ Vấn đề này TP.HCM vẫn đang tiếp tục kiến nghị Bộ TN&MT theo hướng tới đây sẽ ủy quyền luôn cho các chi nhánh cấp giấy. Trong thời gian thí điểm ủy quyền cho VPĐKĐĐ, TP cũng cần phải có thời gian để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân sự đủ năng lực để thực hiện cấp GCN, vốn là một tài sản rất lớn của người dân.

Trễ hạn còn khoảng 10%

. Hai năm kể từ khi thực hiện mô hình VPĐKĐĐ một cấp đã xảy ra tình trạng trễ hạn liên tục. Có những địa phương phải gửi rất nhiều thư xin lỗi người dân, chẳng hạn như Bình Chánh (hơn 5.000 thư), Bình Tân (hơn 7.700 thư). Câu chuyện này sẽ được chấm dứt trong thời gian tới phải không, thưa ông?

+ Đúng là lúc mới tập trung về một đầu mối để cấp GCN đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn hồ sơ rất nhiều. Thậm chí có những nơi trễ hạn hồ sơ 70%-80%. Sau đó TP đã thực hiện hàng loạt giải pháp như liên thông với cơ quan thuế, bưu điện, vận động người dân cập nhật lên trang 4 của GCN thay vì cấp mới đã kéo giảm xuống còn 60%, 40%, 30% và hiện nay là khoảng 10%.

5.000 là số lượng hồ sơ xin cấp GCN gửi đến Sở TN&MT bình quân trong một tháng. Theo Sở TN&MT, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực và thực hiện VPĐKĐĐ một cấp đến nay, số lượng hồ sơ cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư phải chuyển về Sở TN&MT TP như vậy là rất lớn, khiến khối lượng công việc là rất nhiều. Bởi vậy, việc ủy quyền cho VPĐKĐĐ cấp giấy là nhằm để giải quyết ách tắc này.

Một trong những lý do nữa dẫn đến chuyện trễ hạn hồ sơ là trước đây Nghị định 43/2015 hướng dẫn Luật Đất đai quy định thời hạn giải quyết hồ sơ bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 01 đã tháo gỡ được vấn đề này. Chúng tôi hy vọng rằng với việc ủy quyền này thì sẽ giảm được rất nhiều tình trạng trễ hạn hồ sơ của dân trong thời gian tới.

. Hiện nay người dân vẫn than phiền về việc phải chạy đi chạy lại hỏi kết quả giải quyết hồ sơ. Thậm chí phải chạy lòng vòng hết chi nhánh lên VPĐKĐĐ rồi lên Sở, rất phiền hà. Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy vừa được ban hành có giải quyết được vấn đề này?

+ Hiện nay việc tiếp nhận hồ sơ của dân cũng khá linh động. Người dân có thể nộp tại các chi nhánh địa phương mình hoặc tại VPĐKĐĐ TP hoặc ở cấp xã (tùy từng địa phương bố trí). Sau khi giải quyết xong thì chuyển trả kết quả về cho dân tại nơi nộp hồ sơ. Thực tế tại TP có những huyện như Củ Chi, Cần Giờ có đặc thù là khoảng cách giữa các xã với trung tâm huyện là rất xa. Cho nên nếu một người dân cầm hồ sơ lên huyện nộp thì rất vất vả cho người dân nên cũng triển khai nhận hồ sơ và trả kết quả tại xã để giảm thời gian đi lại cho người dân.

. Xin cám ơn ông.

Theo dõi hồ sơ qua mạng

Hiện nay Sở TN&MT TP cũng đã hoàn thiện xong bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm 68 thủ tục. Sau khi TP ban hành sẽ thực hiện thống nhất trên toàn TP. Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát công tác cấp giấy. Theo đó, người dân sau khi nộp hồ sơ, có biên nhận thì chỉ cần lên trang thông tin điện tử của UBND TP, nhập số biên nhận hoặc mã vạch của giấy biên nhận để xem tình trạng hồ sơ của mình. Với phần mềm này, người dân có thể biết được hồ sơ của mình đang ở bộ phận nào, ai giải quyết. Không những thế, lãnh đạo Sở cũng sẽ giám sát được tiến độ giải quyết của cán bộ thụ lý. Nhờ vậy, người dân cũng không phải đi lại nhiều và cũng hạn chế được tình trạng trễ hạn hồ sơ.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Theo Việt Hoa

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên