MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp xếp xã, huyện thế nào để không là “phép cộng cơ học”?

23-05-2019 - 08:54 AM | Xã hội

Để tránh sắp xếp xã, huyện một cách cơ học, theo ông Nguyễn Tiễn Dĩnh, công tác sắp xếp phải gắn với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 32 về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Nghị quyết nêu rõ, năm 2019 tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định để giảm số lượng đơn vị hành chính.

Sắp xếp xã, huyện thế nào để không là “phép cộng cơ học”? - Ảnh 1.

Một góc thành phố Thanh Hoá. Ảnh: Vnexpress

 

Nghị quyết đề ra những yêu cầu về thời gian cũng như cách thức tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở các địa phương giai đoạn 2019-2021.

Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, các địa phương phải tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện, xã cho đến khi có Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp.

Người đứng đầu có vai trò quan trọng

Cũng như các địa phương trong cả nước đang thực hiện kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, đến thời điểm hiện nay, Thanh Hóa đã lấy ý kiến cử tri về kế hoạch thực hiện. Trước mắt, trong năm 2019, tỉnh chưa thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện. Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến năm 2020 sẽ tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019. Tính chất thời gian và tiến độ rất khẩn trương, phải tuân thủ theo kế hoạch của Trung ương, của tỉnh.

Đặc biệt, tại kỳ họp vào cuối tháng 6/2019 phải trình HĐND tỉnh đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và sẽ hoàn thiện hồ sơ để gửi Bộ Nội vụ thẩm định để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo kế hoạch, Thanh Hóa sẽ sắp xếp 66 xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Về lộ trình thực hiện, chậm nhất là ngày 31/12/2019 là phải hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, để phục vụ Đại hội từ thôn, xã, huyện.

Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, công tác cán bộ sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính được xác định là vấn đề khó nhất nên địa phương đã chủ động đưa các phương án hướng dẫn cơ sở trong việc thực hiện rà soát, bố trí cán bộ, luân chuyển, điều động trong toàn huyện, chứ không riêng trong phạm vi thuộc diện sắp xếp.

“Trong phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, Thanh Hóa thực hiện đồng bộ Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 và Nghị định 92 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (có hiệu lực ngày 25/6/2019). Cơ bản đến bây giờ không có vấn đề gì lớn, một số vướng mắc ở địa phương đã được giải quyết”- ông Thủy thông tin.

Để bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thanh Hóa đặt ra yêu cầu phải lựa chọn được người đứng đầu thực sự có trình độ, có năng lực chỉ đạo thực tiễn để bố trí, còn số cán bộ dôi dư sẽ được sắp xếp, điều chuyển sang nơi khác cho phù hợp.

“Để sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phục vụ nhân dân một cách tốt hơn thì vai trò của người đứng đầu là yếu tố quan trọng, bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, sự đồng thuận của nhân dân. Điều này phụ thuộc vào cơ chế, chính sách, tuyên truyền, vận động, nói cho dân hiểu ở địa phương. Ngoài chính sách khuyến khích cán bộ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế, Thanh Hóa còn có thêm chính sách hỗ trợ 1,5 tháng lương cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, mang tính kích cầu, động viên những cán bộ còn dưới 5 năm và trên 2 năm nghỉ theo chế độ”- ông Nguyễn Xuân Thủy nêu rõ.

Dứt khoát không dùng người “chạy chức”, “chạy quyền”

Khẳng định tính đúng đắn của chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chủ trương này rất phù hợp để tinh gọn bộ máy, giảm số lượng đội ngũ cán bộ công chức nhằm giảm tải gánh nặng ngân sách, để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Sắp xếp xã, huyện thế nào để không là “phép cộng cơ học”? - Ảnh 2.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.


Để chống “chạy ghế”, trước khi sắp xếp, sáp nhập, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, khi tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính thì cấp ủy cấp trên phải có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện công tác sắp xếp nhân sự cho phù hợp, dứt khoát không dùng người “chạy chức”, “chạy quyền”.

Lựa chọn người đứng đầu phải công tâm, khách quan, minh bạch thì cán bộ cấp dưới mới tâm phục, khẩu phục và đồng thuận. Với nguồn cán bộ dôi dư sau sắp xếp, địa phương cũng cần có chính sách, phải quán triệt về tư tưởng đối với tập thể công chức, viên chức.

“Trong một cuộc cách mạng, đương nhiên sẽ có đụng chạm. Vấn đề là chúng ta làm cho đúng, cho khách quan, công tâm, minh bạch, đánh giá đúng thì sẽ tạo sự đồng thuận” – ông Dĩnh nêu quan điểm.

“Khó nhất vẫn là công tác cán bộ thì phải có chính sách đối với cán bộ dôi dư, đồng thời phải bố trí số cán bộ còn lại cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu hiện tại. Nếu sắp xếp không đúng người, không đúng vị trí thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện. Việc này phải làm kiên quyết, đây là quyết tâm chính trị buộc tất cả các cấp phải thực hiện” – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm.

Để tránh việc sắp xếp như là phép cộng cơ học, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện phải gắn với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Sau khi hợp nhất phải phát huy được sức mạnh của quy mô dân số, diện tích tự nhiên đúng theo tiêu chí, phát huy nguồn lực của địa phương thì mới đáp ứng mục tiêu sắp xếp.

“Để việc sắp xếp các đơn vị hành chính thành công thì sự quyết tâm của người đứng đầu, của hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng ở địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Việc sắp xếp, sáp nhập ít nhiều sẽ đụng chạm đến quyền lợi, địa phương phải xác định quyết tâm, thống nhất cao. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên thấy rằng việc sắp xếp là cần thiết, dù có đụng chạm về quyền lợi nhưng vì trách nhiệm chung thì buộc phải chấp hành” – ông Nguyễn Tiễn Dĩnh bày tỏ./.

Theo Kim Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên