Sau 1 năm, cổ phiếu của Vietnam Airlines đã về đến giá đỉnh lịch sử
Ngày 08/01/2018, cuối cùng HVN đã trở lại, ghi nhận mức giá đóng cửa tại 50.900 đồng và giá bình quân trong phiên là 49.620 đồng – vượt qua “đỉnh” trước đây.
Hơn 1 năm trước đây, vào ngày 03/01/2017, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đưa hơn 1,2 tỷ cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán HVN, giá tham chiếu 28.000 đồng. Hãng hàng không quốc gia lên sàn đã mở màn cho sự đổ bộ của các “ông lớn” khác trong năm qua, ngay lập tức góp cho thị trường 1,5 tỷ USD vốn hóa.
Với cơ cấu cổ đông cô đặc và vị thế đứng đầu trong ngành hàng không, cổ phiếu HVN nhanh chóng "phi" 3 phiên liên tục và ghi nhận mức tăng tới 64,4% do phiên đầu tăng trần với biên độ 40%. Giá bình quân của HVN trong phiên 05/01/2017 là 50.210 đồng. Tính theo giá điều chỉnh, HVN khi đó đạt 49.000 đồng. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trước khi rơi vào chuỗi giảm giá xuống tận 25.000 đồng và đi ngang phần lớn thời gian của năm 2017 trong sự chờ đợi khá mệt mỏi của nhà đầu tư.
Tròn 1 năm sau, ngày 08/01/2018, cuối cùng HVN đã trở lại, ghi nhận mức giá đóng cửa tại 50.900 đồng và giá bình quân trong phiên là 49.620 đồng – vượt qua “đỉnh” trước đây.
Động lực cho sự tăng giá của HVN trước hết đến từ kết quả kinh doanh nổi bật. Theo báo cáo tài chính quý 3/2017, hoạt động kinh doanh chính khởi sắc cùng nguồn thu từ hoạt động Sales&Leaseback đã giúp Vietnam Airlines lãi ròng 1.299 tỷ đồng trong quý 3 - là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Lợi nhuận hợp nhất quý III tăng ngoài các nguyên nhân tăng lợi nhuận công ty mẹ còn do lợi nhuận sau thuế của công ty con đều tăng. Cụ thể, JPA thực hiện SLB tàu bay A320 thu được 151 tỷ đồng, Skypec, NCTS,… nhận cổ tức đầu tư vào công ty liên kết.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dự kiến thực hiện trong quý IV/2017 - dù chưa tiến hành - cũng tạo ra kỳ vọng phần nào cho cổ phiếu HVN trên sàn chứng khoán.
Nhưng động lực lớn nhất có lẽ là kế hoạch bán tiếp 4,1% cho các nhà đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước - thông tin được ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines cho biết trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Bloomberg. Năm 2016, Vietnam Airlines đã bán 8,8% cho hãng hàng không đến từ Nhật Bản ANA Holdings với giá 108 triệu USD. Việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước và sự tham gia của các cổ đông nước ngoài tại các doanh nghiệp lớn của nhà nước như Vietnam Airlines, Petrolimex, Tổng công ty Cảng hàng không... vẫn luôn tạo ra kỳ vọng cho giới đầu tư về sự cải thiện chất lượng quản trị cũng như sự hỗ trợ về hệ thống khách hàng để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Với việc vượt qua giá đỉnh lịch sử, Vietnam Airlines hiện có giá trị thị trường gầ 62.500 tỷ đồng tương đương 2,7 tỷ USD, đứng thứ 16 trên toàn thị trường chứng khoán.
Trí Thức Trẻ