MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn hóa các cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu sụt giảm

14-03-2023 - 10:59 AM | Tài chính quốc tế

Vốn hóa các cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu sụt giảm

Nhà đầu tư ở mọi nơi từ New York đến Tokyo đang nhanh chóng giảm tỷ trọng của ngành tài chính trong danh mục.

Tổng cộng các cổ phiếu tài chính trên toàn cầu đã lao dốc mạnh, khiến 465 tỷ USD vốn hóa bị “thổi bay”. Lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi cú sập của ngân hàng Mỹ SVB, nhà đầu tư ở mọi nơi từ New York đến Tokyo đang nhanh chóng giảm tỷ trọng của ngành này trong danh mục.

Khi thị trường châu Á mở cửa phiên sáng nay (14/3), tình hình vẫn tiếp tục xấu đi. Mặc dù giới phân tích nhận định các nhà băng ở châu Á sẽ chịu rất ít tác động trực tiếp, MSCI Asia Pacific Financials Index, chỉ số gồm các cổ phiếu tài chính ở châu Á, vẫn giảm 2,7%, xuống mức thấp nhất kể từ 29/11.

Tại Nhật Bản, cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 8,3% trong khi cổ phiếu ANZ mất 2,8%. Cổ phiếu của Hana Financial Group (Hàn Quốc) giảm 4,7%.

Cổ phiếu các ngân hàng Mỹ cũng giảm mạnh. Nhà đầu tư hoài nghi liệu kế hoạch giải cứu hệ thống ngân hàng mà chính phủ mới đưa ra có thể ngăn chặn một sự kiện tương tự như SVB hay không.

Tổng cộng vốn hóa của hai chỉ số MSCI World Financials và MSCI EM Financials đã giảm khoảng 465 tỷ USD trong 3 ngày.

Vốn hóa các cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu sụt giảm  - Ảnh 1.

Vốn hóa của MSCI World Financial Index (đường màu đen) và MSCI EM Financial Index giảm mạnh. Nguồn: Bloomberg.

Theo Francis Chan, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence, những ngân hàng lớn ở châu Á “có rất ít nguy cơ lâm vào tình trạng khách rút tiền ồ ạt như ở SVB” vì họ có cơ cấu tiền gửi khá vững chắc, tài sản tốt và thanh khoản tốt. Trong khi đó các ngân hàng nhỏ hơn có thể gặp rủi ro về thanh khoản và tín dụng mà có thể dễ dàng bị thổi phồng và khiến nhà đầu tư hoảng loạn.

Dẫu vậy vẫn có những lo ngại rằng vụ SVB sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng có khoản đầu tư lớn vào trái phiếu và các công cụ tài chính khác. Hôm qua lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm đã giảm mạnh nhất kể từ những năm 1980 do kỳ vọng Fed sẽ trì hoãn tăng lãi suất.

“Chúng ta phải đánh giá cả nguy cơ kinh tế Mỹ hạ cánh cứng cũng như xác suất Fed chuyển hướng chính sách tiền tệ. Nếu 2 điều này không xảy ra, có lẽ nhà đầu tư đã phản ứng thái quá”, Michael Makdad, chuyên gia phân tích tại Morningstar nói.

Tham khảo Bloomberg


Tú Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên