Sau bão Irma, nhiều đảo thiên đường ở Caribbean thành bình địa nhung nhúc chuột bọ
Khu vực thuộc quần đảo Virgin thuộc Anh chứng kiến những đống đổ nát, với chuột chạy qua các ngôi nhà đã sập và nước thải chưa được xử lý tràn lan đe dọa sức khỏe người dân, trong khi nhiều người vẫn đang chờ đợi để được sơ tán sang một đảo khác lớn hơn thuộc Puerto Rico, ở phía Tây, nơi ít bị ảnh hưởng hơn.
- 12-09-2017Những hình ảnh về hậu quả tàn khốc của cơn bão Irma - Siêu bão quái thú "cày nát" mọi nơi nó đi qua
- 12-09-2017Nghẹn ngào cảnh bố hôn con gái dưới mưa trước khi làm nhiệm vụ trong siêu bão Irma
- 11-09-2017Phát hiện nguyên nhân biến siêu bão Irma trở thành "quái vật" càn quét Caribe và Mỹ
Những hòn đảo nhỏ vùng Caribbean bị tàn phá bởi siêu bão Irma đang trong tình trạng hỗn loạn với số lượng người thương vong vẫn chưa được xác định và nhiều người vẫn đang mất tích hoặc bị mắc kẹt một tuần sau khi cơn bão tràn qua khu vực.
Hàng ngàn người dân đảo đang cùng chia sẻ nguồn tài nguyên ít ỏi và giúp đỡ những người hàng xóm đang mắc kẹt, nhưng cũng có những báo cáo về nạn cướp bóc và tấn công vũ trang giữa lúc tàn phá.
Chuột, cướp bóc, tấn công vũ trang hoành hoành tại khu vực Caribbean
Sarah Thompson, một luật sư 38 tuổi và là công dân của Tortola, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Virgin Anh nói: “Điều đó thật sự khủng khiếp. Hòn đảo không còn thích hợp để sống nữa. Máy bay và tàu cần đưa mọi người ra khỏi đó. Chỉ có một vài cuộc sơ tán hạn chế ngày hôm qua, ưu tiên những người đã bị thương nhưng nhiều người vẫn đang cố gắng tìm cách rời khỏi hòn đảo”.
Ảnh: AP
Thompson đang trên đường đến California khi siêu bão tràn vào quần đảo Virgin và những cụm đảo bên cạnh với sức gió gần 300hm/giờ mạnh cấp 5 vào cuối ngày thứ Ba và kéo dài sang thứ Tư vừa rồi.
Cô nói: “Mọi người không thể lường trước được. Nhiều con đường hoàn toàn bị cô lập và mọi người không thể ra khỏi nhà. Sự bất ổn xuất hiện, nhưng nó không thực sự rõ ràng [như thế nào]”.
Những hòn đảo này là lãnh thổ hải ngoại của Anh và chính phủ Anh tại London đã đưa tàu Hải quân Hoàng gia, quân đội và các chuyên gia đến khu vực để hỗ trợ người dân tại quần đảo Virgin và các cùng lãnh thổ khác như Turks, Caicos và Anguilla.
Chính quyền Hà Lan và Pháp cũng đưa nhân viên sang hỗ trợ các lãnh thổ hải ngoại của mình như Saint Martin. Nhiều đảo khác như Barbuda, đã chứng kiến gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng và khu định cư bị phá hủy.
Olga Osadchaya, một luật sư 33 tuổi và là cư dân của Tortola – được sơ tán bởi công ty của cô sang San Juan, Puerto Rico vào thứ Bảy. Nhưng cô nói còn hàng ngàn người dân đảo vẫn còn bị mắc kẹt và phải chịu đựng nhiều khó khăn ở đó.
Cô nói: “Tôi may mắn có cơ hội rời đi và rất nhiều người không được như vậy. Thời gian chính là điều cốt yếu vì tình trạng thiếu vệ sinh và mưa vẫn nhiều hơn, điều này có thể gây ra sạt lở đất”.
Khi Osadchaya rời khỏi quần đảo, cô nhìn thấy Hải quân Hoàng gia đến với những nhân viên, phương tiện và máy bay trực thăng, nhưng với nhiều đảo đã bị tàn phá một cách nặng nề, đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn để có thể kiểm soát tình hình khẩn cấp phía trước.
Cô nói: “Hầu hết mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ những gì họ có, nhưng tôi cũng nghe được nhiều người thiếu nước và nhiều người mất tích. Một vài người bạn của tôi bị một người dùng con dao cạo còn sót lại trong nhà của họ đe dọa cướp tiền”.
Cả Thompson và Osadchaya trả lời trang Guardian, dựa trên những thông tin liên lạc với bạn bè và người thân vẫn còn trên đảo, cho biết một số lượng nhỏ ngân hàng và một vài cửa hàng tại Tortola đã bị cướp và nhiều người lo ngại về tình trạng mất trật tự pháp luật và sự gia tăng nguy cơ bùng nổ dịch bệnh.
Osadchaya nói cô biết nhiều tù nhân đã trốn khỏi nhà tù sau khi cơn bão đi qua hôm thứ Hai, nhưng không phải tất cả. Chính quyền quần đảo Virgin tuyên bố lệnh giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau.
Gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng và khu định cư bị phá hủy. Ảnh: Reuters
Trong một đoạn nhắn video đăng trên Facebook, người đứng đầu quần đảo Virgin, ông Orlando Smith nói rằng người dân đảo “vẫn bàng hoàng bởi sức tàn phá” của siêu bão và ông “đau lòng vì con số thương vong”.
Năm người được biết là đã thiệt mạng tại quần đảo tính đến nay, nhưng con số người thiệt mạng dự đoán sẽ còn tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp cận đến khu vực bị cô lập bởi lũ lụt và những đổ nát.
Thompson cho biết thêm, truyền thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên quần đảo Virgin từ thứ Tư. Nguồn điện duy nhất đến từ máy phát điện và người dân đang dần cạn kiệt nhiên liệu để chạy máy.
Cô không nghe được tin tức gì từ chồng cô, anh Christian, người đã cố gắng vượt qua cơn bão tại nhà của họ tại Tortola, trong suốt từ ngày thứ Tư đến ngày thứ Bảy.
Thompson nói: “Những mảnh vụn đổ vỡ ở khắp hòn đảo. Dường như không có một thông tin gì và mọi người chạy xung quanh như rắn không đầu. Có vẻ tòa nhà chính phủ tại Tortola đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng cần phải có sự phối hợp hơn nữa. Người dân bắt đầu hoảng sợ, và tôi có thể thấy điều đó qua giọng của chồng tôi”.
Đoạn video về Virgin cho thấy, nhiều công trình bằng gỗ được dùng để nhóm lửa, trong khi những tòa nhà bằng bê tông bị hư hại nặng và một vài trong số đó bị phá hủy.
Thompson nói: “Mọi người nói về nguồn viện trợ đang đến, nhưng cần phải đưa mọi người ra. Những ngôi nhà không an toàn, xung quanh nhiều nước thải, rác thải, thức ăn thối rữa, chuột và chim thì xuất hiện khắp nơi”.
Trí thức trẻ