Sau Brexit và bầu cử Mỹ, đến lượt Italy khiến giới tài chính mất ngủ
“Chúng tôi đang lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất”, trưởng bộ phận giao dịch của London Capital Group nói...
- 04-08-2016Vận mệnh kinh tế Italy đang phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng này
- 02-08-2016Vicenza: "Trái tim đen tối" của cuộc khủng hoảng ngân hàng Italy
- 14-07-2016"Sóng ngầm" trong lòng châu Âu: Người Italy tự làm tự chịu
Một chiến dịch vận động quyết liệt, một cuộc bỏ phiếu, và kết quả khiến thị trường như đứng bên bờ vực. Dường như giới đầu tư tài chính toàn cầu đã quen với những diễn biến này.
Sau hai cú sốc kể từ đầu năm, bao gồm cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh và việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, các nhà giao dịch lại đang sẵn sàng cho một đêm không ngủ nữa vào ngày 4/12 tới, khi họ chờ đợi kết quả một cuộc bỏ phiếu có khả năng gây đảo lộn trật tự chính trị và dẫn tới rủi ro hệ thống.
Theo hãng tin Bloomberg, lần này, tâm điểm của sự chú ý nằm ở Italy.
Quốc gia thành viên khối đồng tiền chung châu Âu Eurozone đang chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của Thượng viện. Được khởi xướng bởi Thủ tướng Matteo Renzi, cuộc trưng cầu dân ý này được xem là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông Renzi, và kết quả của nó có thể sẽ là “vỏ chuối” tiếp theo khiến các nhà đầu tư trượt ngã.
Ông Renzi, 41 tuổi, đã phát tín hiệu rằng ông sẽ từ chức Thủ tướng nếu cử tri Italy nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý này. Trong trường hợp đó, Italy sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm và Phong trào Năm Sao (Five Stars Movement) sẽ càng mạnh lên. Đây là một nhóm dân túy muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Italy có nên tiếp tục ở lại trong Eurozone.
“Kể từ sau cuộc bỏ phiếu Brexit, chúng tôi đã xem rủi ro về một cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy là rủi ro sự kiện lớn nhất ở châu Âu trong năm 2017. Không giống như Brexit, sự kiện đặt ra nguy cơ cho nước Anh nhưng không ảnh hưởng đến Eurozone, vấn đề của Italy về lý thuyết có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hệ thống ở Eurozone”, chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg nhận định.
Các cuộc trưng cầu dân ý gần đây đều cho thấy ông Renzi sẽ thua với tỷ lệ phiếu sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý này.
Mức độ biến động tỷ giá đồng Euro so với đồng USD đã lên mức cao nhất kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều này cho thấy thị trường đang điều chỉnh để thích nghi với khả năng ông Renzi bị thua.
“Vấn đề nằm ở chỗ thị trường sẽ phản ứng như thế nào với một điều mà họ kỳ vọng từ trước. Điều mọi người quan tâm nhiều nhất có lẽ không nằm ở kết quả thắng thua, mà nằm ở chỗ thắng thua như thế nào. Còn có rất nhiều thứ không thể đoán trước”, ông Andy Soper, trưởng bộ phận quyền chọn ngoại hối nhóm 10 đồng tiền mạnh thuộc ngân hàng Nomura ở London, nhận định.
Từ đầu tháng đến nay, đồng Euro đã giảm giá 3% so với đồng USD, trong khi trái phiếu chính phủ Italy giảm giá 2,5%.
Các công ty môi giới tài chính gồm London Capital Group và Saxo Bank đã đề nghị khách hàng mức đặt cọc lớn hơn, đồng thời bổ sung quỹ dự phòng để phòng ngừa biến động mạnh trên thị trường. Nhân sự cho mảng giao dịch cũng được tăng cường tại các công ty này và nhiều công ty tài chính khác như London Capital hay mảng giao dịch trái phiếu của Citigroup.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất”, ông Laurence Crosby, trưởng bộ phận giao dịch của London Capital Group nói.
Ngoài tỷ giá đồng Euro, cổ phiếu các ngân hàng Italy được dự báo sẽ chịu tác động mạnh bởi cuộc trưng cầu dân ý của nước này. Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng Italy đã mất giá mạnh do ảnh hưởng của nợ xấu, lãi suất siêu thấp và tăng trưởng kinh tế chậm chạp.
FTSE Italia All-Share Banks Sector Index, chỉ số đo giá cổ phiếu ngành ngân hàng Italy đã giảm hơn 50% trong năm nay, và giảm 13% chỉ riêng trong một tháng trở lại đây. Trong đó, cổ phiếu của Banca Monte dei Paschi di Siena SpA, ngân hàng lâu đời nhất Italy, đã giảm 84% từ đầu năm.