Sau COVID-19, chủ nhà cho thuê 'hét' giá trở lại
Nhiều cửa hàng treo biển cho thuê trên các tuyến phố Hà Nội bắt đầu có khách sau nhiều tháng để không, nhiều người không ngần ngại "hét giá".
- 07-05-2020Sau dịch Covid-19, nhà phố cho thuê kinh doanh ế ẩm
- 06-05-2020Giá đất, mặt bằng thuê cao, doanh nghiệp 'tháo chạy' khỏi TPHCM
- 05-05-2020Chuyện lạ tại Hà Nội: Hàng loạt "đất vàng" ế khách, không người thuê
Do ảnh hưởng của COVID-19, ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều người phải trả mặt bằng cho thuê vì không còn vốn để kinh doanh. Các tuyến phố lớn ở Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Phố Huế, Chùa Bộc... lượng cửa hàng trả mặt bằng lên tới 10-20%. Số lượng cửa hàng cho thuê nhiều nhưng người có nhu cầu lại không là bao khiến phần lớn lâm vào cảnh ế ẩm, treo biển cả tháng cũng không có khách.
Đến nay, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, theo khảo sát của VTC News, thị trường cho thuê bất động sản bắt đầu nhộn nhịp trở lại, lượng người đến hỏi thuê mặt bằng tăng nhanh. "Mỗi ngày, tôi nhận hơn chục cuộc điện thoại hỏi thuê nhà vì cửa hàng của tôi có mặt tiền đẹp, nằm trên tuyến phố trung tâm. Do quá nhiều cuộc gọi nên tôi hẹn mọi người qua xem nhà cùng một khung giờ để tiện cho cả đôi bên. Hiện tại tôi đang cho thuê mặt bằng rộng 30m2, mặt tiền 4m với giá 34 triệu đồng/tháng, không thương lượng", bà Thu Hằng, một chủ mặt bằng đang treo biển cho thuê trên Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) cho biết.
Thị trường cho thuê mặt bằng đang nóng trở lại. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Theo chia sẻ của bà Hằng, người thuê trước vừa trả lại mặt bằng đầu tháng 4 do không thể cầm cự thêm được trước ảnh hưởng của COVID-19 dù trong hợp đồng thuê nhà là 5 năm và đã thuê được ngót nghét 4 năm.
Theo khảo sát, giá thuê mặt bằng khu vực này đang ở mức 1 - 1,3 triệu đồng/m2/tháng. Tuy không cao so với cuối năm 2019 song nếu so với thời điểm trước đây không lâu thì chủ nhà đã nhanh chóng tăng giá, khi mà thời điểm COVID-19 hoành hành, không ít chủ nhà đã chấp nhận giảm "kịch sàn" giá thuê vì khách đồng loạt trả mặt bầng.
Còn tại tuyến phố cổ Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), một chủ nhà đang rao cho thuê mặt bằng với diện tích 40m2 nhà một tầng giá 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, người này tỏ ý chưa vội vã cho thuê ngay vì còn phải xem xét thị trường cho thuê có sôi động hơn hay không rồi mới điều chỉnh giá.
Nhiều người dân sống tại tuyến phố này cũng cho biết, nếu chỉ ít ngày trước, các mặt bằng cho thuê còn ế ẩm, treo biển hàng tháng trời cũng không có người hỏi thì mấy ngày gần đây đã thấy không ít khách qua lại chụp ảnh, lấy thông tin, ngỏ ý thuê để kinh doanh trở lại. Hiện tại, giá thuê mặt bằng tại khu vực này ở mức 1,2 - 1,4 triệu đồng/m2/tháng, không có nhiều thay đổi so với thời điểm tháng 2/2020. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, mức giá này sẽ nhanh chóng tăng, sau khi nhu cầu ngày càng nhiều. "Thường thì khi một, hai chủ nhà điều chỉnh giá, những người khác cũng nhanh chóng điều chỉnh theo. Và như thế, mặt bằng giá mới sẽ nhanh chóng được thiết lập, chủ yếu phụ thuộc vào cung - cầu, vì đây là thị trường tự do, tự thỏa thuận", một nhân viên môi giới bất động sản cho biết.
Theo khảo sát của Savills Việt Nam, trong quý I/2020 thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ ổn định ở mức 1,6 triệu m2, tăng 13% so với năm trước. Giá cho thuê trung bình ở tầng trệt giảm 2% so với quý I/2019 và giảm 4% so với cả năm 2019, công suất thuê cũng giảm 1 điểm % theo quý và ổn định theo năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là thời điểm rất dễ tìm kiếm được mặt bằng ưng ý. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Savills cho biết, dịp COVID-19, các chủ nhà đã cân nhắc, điều chỉnh ngắn hạn về chính sách thuê nhằm hỗ trợ những khách thuê đang gặp khó khăn bao gồm giảm giá thuê, miễn tiền thuê theo giai đoạn, gia hạn thời điểm thanh toán giá thuê, hoặc chuyển sang hình thức trả giá thuê theo tháng.
Phân khúc bán lẻ, cho thuê nhà mặt phố được cho là chịu ảnh hưởng lớn nhất. Cụ thể, công suất của trung tâm mua sắm vẫn ở mức cao do các thương hiệu nổi tiếng được trang bị tốt hơn để ứng phó, cũng như lo ngại mất tiền cọc hoặc rủi ro về pháp lý. Trong khi đó, bán lẻ mặt phố chứng kiến sự đóng cửa trên diện rộng hơn do các doanh nghiệp nhỏ nhạy cảm hơn với biến động kinh tế.
VTC News