Sau cú sốc từ gã khổng lồ Amazon, Công ty dệt may 18 tháng chưa có đơn hàng, doanh thu từ trăm tỷ chỉ còn vài trăm triệu mỗi quý
Về kế hoạch khôi phục lại ngành may, công ty đang tiếp xúc với khách hàng, nếu có đơn hàng, dự kiến sẽ triển khai may tại nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025 và nếu thuận lợi thì dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ khôi phục sản xuất tại nhà máy Quảng Nam với 1.200 lao động.
- 30-11-2024Lời cam kết "chắc như đinh đóng cột" của sếp DN dệt may hàng đầu Việt Nam
- 10-11-2024Thông tin mới về Dự án 1,54 tỷ USD của công ty dệt may có vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Bình Dương
- 08-11-2024Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định (GIDITEX) thông báo về việc tổ chức bán đấu giá tài sản
Ngày 5/12, CTCP Garmex Sài Gòn (Mã CK: GMC) vừa cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh chính đến thời điểm hiện tại và kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh chính của công ty.
Theo đó, công ty xác định ngành may mặc là ngành sản xuất kinh doanh chính của công ty. Việc công ty bị tạm ngừng sản xuất, kinh doanh chính (may mặc), không phát sinh doanh thu do thiếu đơn hàng để hoạt động từ tháng 5/2023 đến nay là nguyên nhân khách quan.
Tuy nhiên, công ty vẫn phát sinh chi phí may mặc.
Năm 2023, do đơn giá thấp, không có đơn hàng nên công ty chỉ tạm thời bị tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Trong thời gian bị tạm ngừng sản xuất, công ty đã cơ cấu lại lao động, chỉ giữ lại một số nhân viên bộ phận gián tiếp và trực tiếp (kinh doanh - kế hoạch, kỹ thuật, kế toán, kho, cơ điện, máy móc thiết bị) để quản lý tài sản, hàng tồn kho và tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, do đó công ty vẫn phát sinh chi phí cho ngành may.
Trong quý 3 và 4 năm 2024, công ty chưa có đơn hàng may mặc, nhưng có may mền và kinh doanh nhà thuốc nhưng doanh thu không đáng kể.
Công ty cho biết, trong tương lai, nếu điều kiện thuận lợi công ty sẽ khôi phục lại sản xuất kinh doanh chính. Hiện công ty cùng cổ đông lớn đang tìm đối tác châu Âu, Mỹ để có đơn hàng khôi phục lại ngành may.
Về việc thanh lý tài sản, năm 2020, do đại dịch COVID-19, công ty thiếu đơn hàng may mặc nên trong thời gian bị tạm ngừng sản xuất, công ty đã rà soát lại tài sản và thanh lý một số ít tài sản cũ không có hiệu quả, không thanh lý hoàn toàn và sẵn sàng khôi phục sản xuất khi điều kiện thuận lợi.
Mặt khác, công ty đang theo dõi, thúc đẩy CTCP Phú Mỹ (công ty liên kết) hoàn thành Dự án nhà ở Phú Mỹ để bán sản phẩm nhằm thu hồi vốn đầu tư đã góp vào CTCP Phú Mỹ để thực hiện dự án nhằm đem lại doanh thu và lợi nhuận cho công ty.
Về kế hoạch khôi phục lại ngành may, công ty đang tiếp xúc với khách hàng, nếu có đơn hàng, dự kiến sẽ triển khai may tại nhà máy Quảng Nam vào tháng 3/2025 và nếu thuận lợi thì dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ khôi phục sản xuất tại nhà máy Quảng Nam với 1.200 lao động.
Garmex Sài Gòn thê thảm sau “cú đấm” của Amazon
Được biết, Garmex Sài Gòn là một doanh nghiệp may mặc nổi tiếng tại Tp.HCM với hơn 20 năm hoạt động. Công ty được thành lập năm 1976, tiến hành cổ phần hóa vào năm 2004 và được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) năm 2006.
Với 5 nhà máy có tổng diện tích hơn 10 ha với tổng số dây chuyền sản xuất là 70 chuyền, đây là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc có thị phần lớn, làm việc với nhiều thương hiệu quốc tế.
Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, doanh nghiệp này có hơn 4.000 công nhân làm việc, doanh thu hàng năm đạt hàng nghìn tỷ đồng và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng trở nên khó khăn. Năm 2022, doanh số sụt tới 93% so với năm trước đó, lần đầu tiên Công ty báo lỗ. Khó khăn chung của thị trường, Garmex Sài Gòn cũng chỉ nhận được một số đơn hàng gia công nhỏ, giá cạnh tranh để duy trì hoạt động. Do năng suất thấp nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí, doanh nghiệp này mạnh tay cắt giảm nhân sự trên quy mô lớn và tạm ngưng sản xuất từ tháng 5/2023 để giảm thiểu thiệt hại.
Ngoài tình hình khó khăn chung của ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, Garmex Sài Gòn còn chịu tác động dây chuyền từ sự việc đối tác lớn Gilimex bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt sản lượng trong khi đã đầu tư về cơ sở vật chất, hàng tồn kho,... Sự kiện này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn liên đới.
Sau "cú đấm" của gã khổng lồ Amazon, Garmex gần như không còn có thể kiếm tiền từ mảng truyền thống. Do đó, từ năm 2023 Công ty đã chuyển hướng sang làm bất động sản, thông qua việc tăng vốn góp tại Công ty Phú Mỹ với số tiền là hơn 19 tỷ đồng, đưa tổng số vốn góp lên mức gần 24 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 32,47% vốn điều lệ.
Hiện, Công ty Phú Mỹ đang thực hiện 2 dự án là Khu nhà ở thương mại Phú Mỹ và Khu nhà ở thương mại Tân Mỹ. Dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, nên kỳ vọng có thể sớm tạo nguồn thu cho công ty.
Garmex cũng mở rộng sang mảng bán lẻ dược phẩm và sắp tới là logistics, dù vậy đến nay chặng đường mới vẫn chưa ghi nhận nhiều cho Công ty.
Theo thống kê, tại ngày 31/12/2023, tổng số lao động của doanh nghiệp chỉ còn 35 người, giảm 2.066 lao động so với năm 2022. Tính chung 2 năm, khoảng 3.775 lao động bị mất việc ở Garmex Sài Gòn. Riêng quý cuối năm 2023, doanh nghiệp này cắt giảm đến 1.947 người. Báo cáo tài chính quý 3/2024, đến ngày 30/10/2024, Công ty chỉ còn 31 nhân viên.
Về kết quả kinh doanh, từ doanh thu hàng trăm tỷ, từ quý 2/2023, GMC chỉ còn doanh thu vài trăm triệu mỗi quý. Trong 9 tháng đầu năm 2024, GMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 475 triệu đồng, giảm 94% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối quý 3 là gần 82 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường