MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau đúng 2 năm, vốn hóa Hòa Phát lại giảm xuống dưới mốc 100.000 tỷ đồng

22-10-2022 - 11:30 AM | Doanh nghiệp

Sau đúng 2 năm, vốn hóa Hòa Phát lại giảm xuống dưới mốc 100.000 tỷ đồng

Giá cổ phiếu Hòa Phát đã giảm liên tiếp 6 phiên giao dịch gần đây, trong bối cảnh các doanh nghiệp khác trong ngành thép liên tục công bố kết quả kinh doanh quý 3 kém khả quan.

Cách đây 2 năm, vào ngày 22/10/2020, vốn hóa Hòa Phát khi đó là 98.100 tỷ đồng.

Cách đây 1 năm, vào cuối tháng 10/2021, vốn hóa Hòa Phát lập đỉnh 260.000 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2022, sau khi kết thúc phiên giao dịch hôm qua ngày 21/10, vốn hóa Hòa Phát chỉ còn 98.300 tỷ đồng.

Như vậy, sau đúng 2 năm kể từ khi vượt qua cột mốc 100.000 tỷ, Hòa Phát lại trở về với giá trị ban đầu.

 Sau đúng 2 năm, vốn hóa Hòa Phát lại giảm xuống dưới mốc 100.000 tỷ đồng  - Ảnh 1.

Giá trị vốn hóa hiện tại của Hòa Phát đã xuống thấp hơn so với giá trị sổ sách tại thời điểm cuối quý 2/2022, đồng nghĩa với việc P/B dưới 1.

Trong cuộc phỏng vấn trên Nhịp sống kinh doanh , ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDirect cho biết, định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn như HPG hay nhiều ngân hàng đã về mức P/B xấp xỉ 1 lần. Điều này là rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng như Covid-19, hay giai đoạn đóng băng bất động sản và nợ xấu cao (2011-2012).

Thời điểm hiện tại, Hòa Phát chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), ước tính lợi nhuận sau thuế quý 3 của doanh nghiệp đầu ngành thép sẽ đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với đỉnh đạt được quý 3/2021.

Nguyên nhân chính là do giá thép giảm, giá than cốc lên cao làm tăng chi phí đầu vào và lỗ tỷ giá. Nếu dự báo của SSI Research là chính xác, quý 3 năm nay sẽ là thời điểm lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát xuống thấp nhất trong vòng 11 quý kể từ quý 4/2019 khi Covid-19 chưa bùng phát.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp ngành thép khác đã công bố báo cáo tài chính và kết quả không mấy tích cực như Thép Thủ Đức VNSteel lỗ 23,4 tỷ đồng, Thep Vicasa VNSteel lỗ 23,8 tỷ đồng, Thép Tisco lỗ 23 tỷ đồng, gang thép Cao Bằng chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Thực tế, ngành thép đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn do bất ổn địa chính trị trên thế giới và tình hình suy thoái toàn cầu. Số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy sản lượng sản xuất tháng 9 vẫn tăng gần 2% nhưng sản lượng bán hàng lại sụt giảm gần 10% so với cùng kỳ. Điều đó càng làm tăng chênh lệch cung cầu và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Theo Hà My

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên