MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau khi Mỹ áp thuế 100% lên xe điện nhập khẩu Trung Quốc, giờ đến lượt châu Âu: Trung Quốc sẽ làm gì?

30-05-2024 - 14:06 PM | Tài chính quốc tế

Uỷ ban châu Âu (EC) dự kiến tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc, động thái được cho là sẽ khởi động một vòng đàm phán mới.

Sau khi Mỹ áp thuế 100% lên xe điện nhập khẩu Trung Quốc, giờ đến lượt châu Âu: Trung Quốc sẽ làm gì?- Ảnh 1.

Giới chuyên gia nhận định đây là cơ hội để Trung Quốc tìm kiếm tiếng nói chung, giảm thiểu tác động tiêu cực đến ngành xe điện đang trên đà phát triển.

Các mức thuế tạm thời dự kiến công bố ngày 5/6 sẽ là một cú sốc gây tốn kém hàng tỷ USD cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Trước đó, Mỹ đã tăng gấp 4 lần mức thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%.

Theo ước tính, nếu mức thuế bổ sung là 10% cộng với mức 10% hiện tại, các nhà xuất khẩu xe điện Trung Quốc sẽ phải gánh thêm khoảng 1 tỷ USD chi phí. Con số này dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa khi các hãng xe Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường béo bở này trong năm nay.

Trung Quốc đã ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng có những lựa chọn thay thế cho cuộc thương lượng sắp tới. Các mức thuế tạm thời của EU có thể bị thay đổi hoặc thậm chí bị bãi bỏ nếu có một tỷ lệ đủ lớn các quốc gia thành viên EU phản đối chúng sau 4 tháng.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU cho biết Bắc Kinh đang xem xét tăng thuế 25% đối với ô tô động cơ lớn nhập khẩu. Trung Quốc cũng đưa ra ý tưởng giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu của EU từ 15% xuống 10%.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Châu Âu đang tăng cường hợp tác với các hãng xe điện non trẻ của Trung Quốc để đưa xe điện giá rẻ ra thị trường. Minh chứng là Volkswagen và BMW đã cam kết đầu tư hơn 5 tỷ USD để mở rộng nghiên cứu và sản xuất tại thị trường tỷ dân. Theo số liệu thống kê, năm 2023, gần 29% xe hơi do các nhà sản xuất Đức tạo ra đã được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Châu Âu vẫn là thị trường nước ngoài quan trọng nhất đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Dù phải đối mặt với nguy cơ tăng thuế, các hãng xe điện Trung Quốc như BYD vẫn tìm thấy tiềm năng sinh lời hấp dẫn tại thị trường Châu Âu. Mức giá xe điện Trung Quốc tại đây cao gấp đôi so với thị trường nội địa, tạo ra lợi nhuận đủ để hấp thụ một phần áp lực thuế quan.

Không chỉ dừng lại ở xuất khẩu, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng mạnh tay đầu tư vào sản xuất ngay tại châu Âu. BYD đang xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Hungary và hướng đến nhà máy thứ hai. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc tính theo khối lượng xuất khẩu Chery Auto đang hợp tác với EV Motors của Tây Ban Nha để mở nhà máy đầu tiên tại Catalonia.

Ở chiều ngược lại, CEO Stellantis - Carlos Tavares – cho rằng thay vì phòng thủ trước làn sóng ồ ạt từ Trung Quốc, họ muốn trở thành một phần của làn sóng đó. Trước đây, ông từng kêu gọi tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc, nhưng sau đó lại quyết định bắt tay với hãng xe điện Trung Quốc Leapmotor để phân phối xe ra thị trường quốc tế.

Sự thay đổi trong quan điểm từ coi Trung Quốc là nguy cơ sang cơ hội hợp tác và phát triển của Stellantis cho thấy sự thay đổi trong tư duy của các doanh nghiệp toàn cầu giữa kỷ nguyên cạnh tranh mới.

Theo Reuters

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên