Sau khi "xả kho", Chính quyền ông Biden khởi động kế hoạch nạp dầu dự trữ khẩn cấp
Các bể chứa dầu thô tại trung tâm dầu khí Cushing ở Oklahoma (Mỹ)
Bộ Năng lượng Mỹ thông báo sẽ bổ sung 60 triệu thùng cho kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) để giải quyết vấn đề giá khí đốt tăng cao.
- 24-11-2021Những quốc gia nào sắp xả dầu dự trữ để ‘dập lửa’ lạm phát?
- 20-04-2020Giá dầu tụt xuống đáy 21 năm do khủng hoảng nhu cầu toàn cầu, cắt giảm dự trữ
- 16-09-2019Ông Trump tính xả dự trữ dầu chiến lược sau vụ tấn công Saudi Arabia
Theo một quan chức Bộ Năng lượng, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch mua 60 triệu thùng dầu thô vào mùa thu này. Việc này được coi như bước đầu trong quá trình kéo dài nhiều năm nhằm mục đích bổ sung nguồn dự trữ dầu khẩn cấp của Mỹ. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ đầu những năm 2000 Bộ Năng lượng mua được một lượng lớn dầu cho kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ (SPR), nguồn cung cấp dầu khẩn cấp lớn nhất trên hành tinh.
Việc Bộ Năng lượng dự kiến công bố kế hoạch mua lại dài hạn vào 5/5 đã cho thấy các quan chức nghiêm túc về việc nạp lại SPR. Được biết, kho dự trữ này vốn đã cạn kiệt do căng thẳng ở Ukraine và việc bán hàng được Quốc hội yêu cầu để tăng doanh thu.
Tuy nhiên, điều đó sẽ mất thời gian. Quan chức Bộ Năng lượng cho biết đợt giao hàng đầu tiên với 60 triệu thùng sẽ diễn ra trong khoảng thời gian chưa xác định trong tương lai. Đồng thời, ông cho biết thêm khoản này sẽ được thanh toán bằng doanh thu nhận được từ việc bán khẩn cấp đang diễn ra.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, SPR đóng vai trò là một công cụ kinh tế và an ninh quốc gia quan trọng để đưa Mỹ thoát khỏi tình trạng giá năng lượng tăng đột biến. Theo thời gian, các tổng thống đã giải phóng dầu từ SPR trong khi những cuộc chiến diễn ra và sau thiên tai.
Lượng dầu dự trữ đã ở mức thấp nhất trong 20 năm, phần lớn là do việc bán SPR theo ủy quyền của Quốc hội. Điều này đã xảy ra trước khi Tổng thống Joe Biden hứa sẽ "xả kho" kỷ lục 180 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng để giảm bớt áp lực lên thị trường năng lượng vào cuối tháng 3. Lần xả kho mới nhất làm mất đi một phần ba lượng dầu còn lại trong SPR.
Đợt mua đầu tiên sẽ chỉ bao gồm 1/3 trong số 180 triệu thùng đã xuất kho. Thời điểm cụ thể sẽ được xác định bởi các điều kiện thị trường, tập trung vào thời điểm giá dầu và nhu cầu được dự báo sẽ thấp hơn đáng kể, một quan chức của Bộ Năng lượng cho biết.
Căng thẳng ở Ukraine đã cho thấy những sự kiện bất ngờ có thể tác động lớn đến thị trường năng lượng như thế nào. "Vì đã lường trước và có phương pháp trong quyết định rút bớt nguồn dự trữ khẩn cấp của mình, nên chúng tôi cũng phải có chiến lược tương tự trong việc bổ sung nguồn cung để kho sẵn sàng thực hiện sứ mệnh cung cấp cứu trợ khi cần thiết nhất", Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jennifer Granholm cho biết trong một tuyên bố.
Ngoài việc cố gắng chất đầy kho khẩn cấp quan trọng, chính quyền Biden hy vọng kế hoạch mua lại sẽ khuyến khích sản xuất dầu trong nước bằng cách đảm bảo nguồn nhu cầu trong tương lai. Bộ Năng lượng có kế hoạch gọi thầu vào mùa thu này để xác định khối lượng và loại dầu thô sẽ được mua cho SPR. Vị quan chức cho biết Bộ Năng lượng sẽ nới lỏng các quy định mua lại để cho phép quy trình đấu thầu giá cạnh tranh hơn.
"Bổ sung nguồn dự trữ là điều phải làm. Họ rất nghiêm túc trong việc này và đây là điều đáng khen ngợi", Bob McNally, người đã giám sát Bộ Năng lượng trong việc bổ sung SPR dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush vào đầu những năm 2000, nhận định. Tuy nhiên, ông cảnh báo nỗ lực mua lại dầu của chính quyền Biden sẽ chỉ đảo ngược một phần sự sụt giảm của SPR trong những năm gần đây.
Kế hoạch mua lại sẽ không ảnh hưởng đến việc bán SPR nhằm tăng doanh thu do Quốc hội Mỹ ủy nhiệm. Bộ Năng lượng dự đoán tổng doanh số bán ra sẽ lên tới 265 triệu thùng từ năm tài chính 2023 đến 2031. Ông McNally nói: "Quốc hội đã bán SPR một cách vô trách nhiệm. Việc cạn kiệt nguồn dự trữ sẽ khiến đất nước và thế giới yếu ớt hơn trước các cú sốc địa chính trị".
Nguồn: CNN