Sau lưng là bản án 13 năm, trước mặt là mức đề nghị 18-19 năm, ông Đinh La Thăng mong được xem xét công bằng
Về việc các bị cáo nguyên là thành viên HĐQT bị cáo buộc đồng phạm, ông Thăng nói rất day dứt vì các bị cáo ấy cả đời gắn bó với ngành dầu khí.
Sáng nay 24/3 tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB – OceanBank) gây thất thoát 800 tỷ đồng tiếp tục.
Viện kiểm sát (VKS) đã có những đối đáp với luật sư và các bị cáo. Theo đó VKS giữ nguyên quan điểm như đã luận tội ở phiên trước, đồng thời bác bỏ mọi đề nghị của các luật sư và bị cáo.
Được tự bào chữa bổ sung sau ý kiến của VKS, ông Đinh La Thăng nói rằng để thay đổi được quan điểm luận tội của VKS là không đơn giản và ông tôn trọng ý kiến của đại diện VKS và HĐXX.
Nhưng ông Thăng nói rằng ông không thể cố ý làm trái. Bị cáo đầu tư vào ngân hàng Đại Dương là đã được chấp thuận và đây cũng không phải chủ trương chiến lược của tập đoàn mà là để giải quyết hệ lụy của việc không được thành lập ngân hàng Hồng Việt. Hơn nữa, việc đầu tư này đã được chấp thuận.
Sau lưng bị cáo là bản án 13 năm (trong vụ án trước ông Thăng bị tuyên 13 năm tù), phía trước là mức án đề nghị kịch khung (18 – 19 năm theo đề nghị của VKS), mong HĐXX xem xét một cách khách quan tại thời điểm lịch sử đó để có bản án công minh, khách quan, công bằng cho bị cáo.
Về cáo buộc của VKS rằng bị cáo đã cố tình che giấu, ông Thăng khẳng định lại việc đề nghị các vị nguyên là thành viên HĐQT của PVN ký xác nhận biết chủ trương góp vốn vào OceanBank là để thực hiện xử lý việc dừng thành lập ngân hàng Hồng Việt, được thực hiện từ tháng 3/2017. Và tại tòa bà Hòa cũng đã xác nhận lại điều đó. Đây là việc hoàn toàn tự nguyện, bị cáo không gặp trực tiếp những người này.
Về cáo buộc bị cáo chỉ đạo chủ trương, "thì bị cáo phải chỉ đạo chứ không thì hàng trăm người tham gia trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt rồi cơ sở vật chất đã đầu tư giải quyết làm sao. Bị cáo là chủ tịch HĐTV mà không đề xuất tìm đối tác thì ai là người làm" – ông Thăng nói và mong HĐXX xem xét, đây là bị cáo chỉ đạo vì sự phát triển của tập đoàn chứ không phải vứt bỏ hàng trăm tỷ.
Trong 3 lần góp vốn thì có lần thứ 3 bị cáo đi công tác, có ủy quyền cho anh Thắng (bị cáo Nguyễn Xuân Thắng) điều hành HĐQT chứ bị cáo không ủy quyền cho ký vào việc đầu tư góp vốn, mong HĐXX xem xét.
Về vấn đề đồng phạm, ông Thăng cho rằng tất cả thành viên HĐTV tập đoàn PVN luôn theo nguyên tắc làm việc tập thể, biểu quyết có giá trị ngang nhau. Mọi người đều nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của PVN, khi thực hiện không bao giờ cố tình làm sai, đây là cố tình làm đúng, nên không thể gọi là đồng phạm. Đây là những cá nhân làm việc tích cực, gắn bó cả cuộc đời, tâm huyết cho công việc, cùng bị cáo thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, kinh doanh có lãi.
Như kết luận 41 của Bộ chính trị nêu rõ, chiến lược của PVN từ 2006 đến 2015, tầm nhìn đến 2025 là xây dựng phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước. Thực tế, PVN đã trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, là Tập đoàn kinh tế lớn nhất trong số các tập đoàn, kinh doanh có lãi, có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, tham gia bảo đảm chủ quyền trên biển của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế quan trọng của Chính phủ...
Nếu không có sự nỗ lực cố gắng của cả tập thể đó thì làm sao có kết quả như vậy, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, phức tạp như vậy mà vẫn tăng trưởng tốt. Giá dầu biến động lên xuống thất thường nhưng vẫn nỗ lực để giúp nền kinh tế phát triển.
Bị cáo chỉ có vài năm ở Tập đoàn Dầu khí, nhưng các bị cáo ở đây cả cuộc đời cống hiến, hi sinh cho ngành dầu khí, mong HĐXX và VKS xem xét. Bị cáo rất day dứt về việc các thành viên HĐQT khác bị quy kết đồng phạm trong việc cố ý làm trái.
Về việc góp vốn, bị cáo đã khai trước tòa rằng bị cáo không ủy quyền cho ông Thắng ký vào nghị quyết góp vốn, bị cáo chỉ ủy quyền cho ông Thắng điều hành HĐQT. Bị cáo xin lỗi ông Thắng nhưng thời điểm tháng 3/2011 bị cáo đã có nghị quyết yêu cầu việc thoái vốn, giao cho ông Thắng và các thành viên giảm vốn xuống. Đây là bị cáo đã biết là không thể duy trì thêm tỷ lệ và có chỉ đạo chứ không phải biết mà cố tình làm sai.
"Bị cáo nhận trách nhiệm là vì người đứng đầu, trách nhiệm của người ủy quyền, chứ bị cáo không cố ý làm trái, không phải biết mà cố tình làm" – ông Đinh La Thăng nhắc lại trong lời tự bào chữa.
Cũng theo bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo đã giải trình rõ, theo lộ trình thoái vốn, bị cáo có nghị quyết HĐQT từ tháng 3/2011 rồi, đã nộp lại cho VKS và cơ quan điều tra, nhưng VKS và cơ quan điều tra lại không đưa vào cáo trạng, những thứ có lợi và khách quan với bị cáo lại không đưa vào là sự bất công với bị cáo.
Trí Thức Trẻ
- Ngoài phải bồi thường 600 tỷ, bị cáo Đinh La Thăng còn phải nộp hơn 700 triệu đồng án phí
- 20 tỷ Ninh Văn Quỳnh chiếm đoạt tài sản, cuối cùng tòa tuyên trả cho ai?
- Phiên tòa 29/3: Ông Đinh La Thăng bị tuyên 18 năm tù, bồi thường 600 tỷ
- Chiều nay 29/3 tuyên án vụ sai phạm xảy ra tại PVN khi đầu tư vào OceanBank để mất 800 tỷ
- Những hình ảnh trong các phiên xét xử vụ án xảy ra tại PVN đầu tư vào OceanBank