Sau một thời gian im ắng, thị trường ven biển này bỗng nhiên sôi động nhờ hàng loạt dự án hạ tầng được triển khai
Những năm gần đây, thị trường BĐS Bình Thuận liên tục trải qua những cơn sốt nóng. Nguyên nhân xuất phát từ tác động của những dự án hạ tầng quan trọng như dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng... Bên cạnh đó là sự xuất hiện của hàng loạt dự án BĐS ven biển quy mô lớn, kéo theo nhiều cơn sốt đất.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và nghiên cứu thị trường tại một hội thảo trực tuyến về BĐS nghỉ dưỡng trong những tháng cuối năm 2021 diễn ra mới đây, việc đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trong vùng đô thị TPHCM mở rộng, nhất là một số vùng có thế mạnh kinh tế biển. Trong đó, ngoài Vũng Tàu, thì các khu vực ven biển còn quỹ đất dồi dào đang dần hình thành những điểm đến du lịch - nghỉ dưỡng mới, thu hút dòng tiền dịch chuyển của nhà đầu tư.
Số liệu khảo sát trực tuyến được các công ty nghiên cứu thị trường công bố cho thấy, nhà đất ven biển trải dài từ Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến trung tâm thị xã La Gi (Bình Thuận) đang được khách hàng và nhà đầu tư quan tâm khá cao. Chẳng hạn, nhiều khách hàng cho biết, ngoài yếu tố quy hoạch hạ tầng giao thông, các khu vực này đang thu hút nhiều "ông lớn" như Novaland, Hưng Thịnh, tập đoàn Danh Khôi… cùng các doanh nghiệp nước ngoài như IFF Holdings, Madison Land... đã "kéo" dòng tiền đầu tư của họ về đây. Theo thống kê, hiện đang có hơn 80 dự án du lịch nghỉ dưỡng được chấp thuận đầu tư dọc cung đường biển này như: The Grand Ho Tram Strip, Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa...
"Có thể nói, từ khi có sự xuất hiện của nhiều siêu dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn dọc bờ biển Bình Châu trải dài đến La Gi... đã làm cho tuyến đường ven biển Long Hải - Hồ Tràm - Bình Châu - La Gi - Mũi Né được chú ý nhiều hơn. Theo đó, các chủ đầu tư bất động sản cũng nhanh chân chọn những khu vực mới nổi, nơi sở hữu quỹ đất tốt ven biển và mặt bằng giá còn "mềm" để phát triển dự án mới, thu hút một lượng khách hàng phù hợp", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho biết.
Điển hình cho xu hướng dịch chuyển này là La Gi - thị trường mới với tiềm năng phát triển mô hình thương mại - dịch vụ - du lịch biển, được định hướng trở thành “thành phố thứ 2” của Bình Thuận trước năm 2025. Đánh giá của nhiều nhà đầu tư cho thấy, bên cạnh định hướng quy hoạch vùng, thị trường bất động sản La Gi còn sở hữu nhiều cơ hội tăng giá hấp dẫn trong năm 2021, khi hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Cụ thể, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã được thi công vào cuối năm 2020, hiện đang bám sát tiến độ để đưa vào sử dụng trong năm 2022, đây cũng là thời điểm sân bay Phan Thiết dự kiến hoàn thành. Trước đó, vào tháng 1/2021, sân bay quốc tế Long Thành - một trong những sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam với công suất 100 triệu hành khách/năm đã chính thức được khởi công, dự kiến giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2023. Khi sân bay Long Thành, sân bay Phan Thiết hoạt động sẽ mang hàng chục triệu du khách quốc tế và khu vực phía Bắc tiếp cận với La Gi.
Đồng thời, để La Gi hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng, UBND tỉnh Bình Thuận đã đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường biển quốc gia ĐT.719B kéo dài từ TP Phan Thiết đến La Gi - Kê Gà với tổng mức đầu tư 998.955 tỷ đồng, làm mới tuyến đường song hành ĐT.719 hiện hữu và triển khai các tuyến kết nối trực tiếp với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại Hàm Tân và QL55 đến thẳng trung tâm La Gi.
Trong 2 năm trở lại đây, Bình Thuận đã phối hợp với Bà Rịa - Vũng Tàu chi hơn 2.000 tỷ đồng để nâng cấp trục đường ven biển Long Hải - Bình Châu - La Gi - Mũi Né. Tuyến đường chạy qua 4 thiên đường biển nhiệt đới tiêu biểu của Việt Nam, sở hữu chiều dài kỷ lục hơn 150km, gấp 4 lần đường biển Đà Nẵng - Hội An, gấp 5 lần đường biển Cam Ranh - Nha Trang và gấp 3 lần đường biển Hạ Long - Vân Đồn - Lan Hạ.
Song song đó, hiện tại Thủ tướng cũng như UBND tỉnh Bình Thuận đã đồng thuận triển khai 4 dự án khu đô thị lớn ở La Gi với tổng diện tích hơn 100ha thuộc các phường Tân Thiện, Phước Hội, bao gồm: Khu đô thị Đông Tân Thiện có quy mô 47,9ha; Khu đô thị Tây Tân Thiện có quy mô 48,39ha tại phường Tân Thiện; Khu đô thị Phước Hội; Khu đô thị Tân Thiện.
Đây là 4 khu đô thị trọng điểm tại La Gi hướng tới mục tiêu hoàn thiện hạ tầng đô thị đưa La Gi lên thành phố trước năm 2025 với hàng loạt khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, thể thao hiện đại... Như vậy, trong tương lai không xa, La Gi sẽ sớm trở thành tâm điểm thu hút đầu tư bất động sản phía Nam Bình Thuận bên cạnh các thị trường kỳ cựu như Phan Thiết, Mũi Né.