MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau năm 2020 “bùng nổ”, thị trường gạo thế giới sẽ ra sao trong năm 2021?

12-02-2021 - 07:30 AM | Thị trường

Sau năm 2020 “bùng nổ”, thị trường gạo thế giới sẽ ra sao trong năm 2021?

Giá gạo hợp đồng tham chiếu gạo Thái Lan và Việt Nam trung tuần tháng 2/2021 cao hơn lần lượt khoảng 20% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá gạo nội địa ở Trung Quốc tăng khoảng 25%. Năm 2021 thị trường gạo liệu có lặp lại thành công của năm 2020 hay không?

Giá gạo thế giới năm 2020 đã tăng trung bình trên 20% do nhu cầu tăng mạnh từ nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines…giữa bối cảnh sản lượng của một số nước xuất khẩu chủ chốt như Thái Lan và Việt Nam sụt giảm vì thời tiết không thuận lợi.

Sang năm 2021, xu hướng giá gạo tăng vẫn đang tiếp diễn. Theo đó, giá gạo ở Bán cầu Tây tiếp tục cao hơn nhiều so với giá gạo Châu Á. Cụ thể, giá tham chiếu gạo Mỹ cuối tháng 1/2021 là 625 USD/tấn, gạo Uruguay 620 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan tiếp tục tăng lên khoảng 527 USD/tấn do đồng baht mạnh lên; gạo cùng loại của Việt Nam cũng tăng lên khoảng 505 USD/tấn do nguồn cung còn ít vì chưa đến thời điểm thu hoạch rộ; gạo Pakistan tăng lên 438 USD/tấn; gạo Ấn Độ lên 388 USD/tấn….

Đáng chú ý, giá gạo của cả 3 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới - Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ - đều tăng khá mạnh bởi nhu cầu cao trong khi nguồn cung ở nhiều nơi trên thế giới bị thiếu hụt và tình trạng thiếu container đẩy cước phí vận tải tăng lên. Đến thời điểm đầu tháng 2/2021, giá gạo Việt Nam đạt cao nhất gần 10 năm, gạo Thái Lan cao nhất 10 tháng và gạo Ấn Độ cao nhất 3 năm.

Sau năm 2020 “bùng nổ”, thị trường gạo thế giới sẽ ra sao trong năm 2021? - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tháng 1 tiếp tục tăng do nhu cầu từ các khách hàng Châu Á và Châu Phi mạnh lên, và đồng rupee tăng giá so với USD (hiện đạt mức cao nhất 2 năm), giữa bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào vì đang vụ thu hoạch.

Việc giá rẻ hơn khoảng 20 USD/tấn so với gạo các đối thủ trong khu vực và nguồn cung dồi dào ở các chủng loại nên gạo Ấn Độ trở nên hấp dẫn đối với khách hàng quốc tế. Đáng chú ý, Trung Quốc trở lại mua gạo Ấn Độ lần đầu tiên sau khoảng 3 thập kỷ gián đoạn.

Nguồn cung gạo của Ấn Độ tiếp tục dồi dào nhờ đang thu hoạch lúa Hè Thu và lượng dự trữ trong kho còn nhiều. Gạo Ấn Độ có tỷ lệ lớn là loại phẩm cấp trung bình, với giá cả phải chăng nên thu hút được những khách hàng có thu nhập không cao, như các nước Châu Phi. Tuy nhiên, việc vận chuyển gạo vẫn gặp khó khăn do tình trạng tắc nghẽn ở cảng biển, thiếu phương tiện vận chuyển và thiếu nhân lực do dịch Covid-19.

Ngày 28/1/2021, gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ có giá 390 - 394 USD/tấn, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây và tăng khoảng 10 USD/tấn (3%) so với mức 380 – 385 cuối tháng 12/2020. Đầu tháng 2, giá vẫn tiếp tục tăng, tuần đầu tháng 2 đạt 402 – 409 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 5/2018.

Gạo chất lượng thấp giá còn tăng mạnh hơn nữa. Theo đó, loại 100% tấm đã tăng lên 280 USD/tấn tại một số cảng biển nước này, so với 260 USD/tấn hồi tháng 12/2020, và dự báo sẽ còn tăng tiếp. Thông tin từ Ấn Độ cho biết, từ trước tới nay, các nước Châu Phi thường mua gạo 100% tấm vì giá rẻ hơn các loại khác, tuy nhiên, gần đây, các nước Châu Á như Việt Nam và Trung Quốc cũng bắt đầu mua gạo 100% tấm và trả giá cao hơn so với khách hàng Châu Phi trả.

Sau năm 2020 “bùng nổ”, thị trường gạo thế giới sẽ ra sao trong năm 2021? - Ảnh 2.

Hạn hán làm cho nguồn cung lúa gạo ở Thái Lan trở nên khan hiếm. Mùa mưa của năm vừa qua đến muộn khiến hạn mặn xảy ra sớm và kéo dài, ảnh hưởng tới việc trồng lúa. Theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), năm 2020 nước này xuất khẩu được 5,7 triệu tấn gạo, kim ngạch 15 tỷ baht (khoảng 3,8 tỷ USD), giảm 12% so với năm trước.

Việc vận chuyển gạo ở Thái Lan cũng gặp khó khăn do thiếu container và nhân lực bởi dịch Covid-19.

Ngày 28/1/2021, gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan đạt 520 – 530 USD/tấn, tăng 4 USD/tấn so với mức 516 – 520 USD/tấn một tháng trước đó, cao nhất kể từ giữa tháng 5/2020. Chỉ một tuần sau đó, giá đã tăng tiếp lên 535 - 564 USD/tấn, cao nhất 10 tháng.

Tỷ giá hối đoái vẫn là yếu tố chính khiến giá gạo Thái Lan tăng cao so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời làm giảm nhu cầu từ khách hàng ở nước ngoài, giữa bối cảnh nguồn cung trong nước ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu đối với loại Hương Nhài chất lượng cao hiện vẫn rất tốt. Giới kinh doanh gạo nước này dự đoán tiêu thụ gạo năm nay sẽ tiếp tục khó khăn vì giá cao.

Sau năm 2020 “bùng nổ”, thị trường gạo thế giới sẽ ra sao trong năm 2021? - Ảnh 3.

Tương tự Thái Lan, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 1/2021 tiếp tục tăng, thêm khoảng 5 USD/tấn, loại 5% tấm cuối tháng 1/2021 lên 505 – 510 USD/tấn, so với 500 USD/tấn một tháng trước đó; một tuần sau đó giá tăng tiếp lên 510- 515 USD/tấn, cao nhất trong vòng 10 tháng.

Lô gạo xuất khẩu đầu tiên với 1.600 tấn của năm 2021 (của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An) xuất đi từ Cần Thơ sang Singapore và Malaysia với giá bán khá cao từ 680 - 750 USD/tấn.

Trong nước, vụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL bắt đầu cho thu hoạch, với giá đạt mức cao nhất trong nhiều năm nay. Theo đó, giá lúa OM 18 thương lái thu mua tại ruộng khoảng 7.200 đồng/kg, IR 50404 khoảng 7.100 đồng/kg, Đài thơm 8 khoảng 7.500 đồng/kg …

USD/tấn.

Sau năm 2020 “bùng nổ”, thị trường gạo thế giới sẽ ra sao trong năm 2021? - Ảnh 4.

Tại Châu Á, nguồn cung lúa gạo nhìn chung chỉ có Ấn Độ dồi dào, còn lại đều không tăng, thậm chí giảm.

Nguồn cung lúa gạo tại Myanmar hiện đang khan hiếm do sản lượng niên vụ 2019/20 giảm. Công ty môi giới Bayinnaung cho biết, lượng gạo và tấm họ nhận được hiện chỉ đạt trung bình 20.000 – 30.000 bao mỗi ngày, so với 800.000 – 900.000 bao trước kia.

Tại các thị trường nhập khẩu gạo chủ chốt, giá hiện cũng ở mức rất cao.

Từ vị trí đảm bảo được tự cung tự cấp gạo, Bangladesh trở thành nước nhập khẩu lớn loại lương thực này sau khi lũ năm qua đã tàn phá nghiêm trọng các mùa lúa, làm cho các kho dự trữ gạo đều cạn kiệt và giá gạo trong nước tăng mạnh. Điều đó khiến giá gạo tại Bangladesh đã tăng khoảng 50% kể từ tháng 3 đến nay, do thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung lúa gạo, giữa bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều người dân muốn mua lương thực để tích trữ. Giá gạo xát thường ở Bangldesh hiện dao động từ 3.200 – 3.400 taka/bao 50 kg, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá bán lẻ gạo xát kỹ là 64-66 taka/kg.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, dịch Covid-19 và thời tiết bất lợi gây khan hiếm nguồn cung gạo trong nước giữa bối cảnh ngành chăn nuôi lợn hồi phục sau dịch bệnh – cần lượng lớn thức ăn chăn nuôi, trong khi giá ngô, đậu tương và lúa mì (các thành phần sản xuất thức ăn chăn nuôi) tăng cao, Trung Quốc đã và đang tăng cường nhập khẩu gạo, nhất là loại phẩm cấp thấp, dùng trong công nghiệp và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cuối năm 2020, Trung Quốc lần đầu tiên nhập khẩu gạo Ấn Độ sau khoảng 3 năm gián đoạn. Theo đó, các thương nhân Ấn Độ thông báo đã ký hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo tấm cho Trung Quốc, kỳ hạn giao tháng 12/2020 với giá khoảng 300 USD/tấn.

Triển vọng thị trường gạo thế giới trong ngắn hạn sẽ còn căng thẳng nguồn cung do thiếu container và nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch của Việt Nam nhưng không đáng kể so với nhu cầu chung của thế giới. Do đó, giá gạo sắp tới có nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục nhiều tháng/năm như hiện nay.

Về niên vụ 2020/21, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng gạo toàn cầu ở mức 496,4 triệu tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với niên vụ trước, chủ yếu do giảm ở Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar, mặc dù sản lượng tăng ở Ấn Độ và Ai Cập.

Xuất khẩu gạo trong niên vụ 2019/20 của Thái Lan giảm mạnh, của Trung Quốc, Pakista, Việt Nam… cũng giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo toàn cầu niên vụ 2019/20 vẫn tăng khoảng 1 triệu tấn so với niên vụ trước.

USDA ước tính tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2019/20 tăng khá mạnh, chủ yếu tập trung vào Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nhập khẩu gạo thế giới niên vụ 2019/20 ước tính tăng nhẹ khoảng 1 triệu tấn so với niên vụ trước.

Mặc dù sản lượng gạo thế giới niên vụ 2020/21 ước tính giảm, trong khi tiêu thụ và thương mại tăng, song dự trữ gạo thế giới vẫn tăng gần 2 triệu tấn so với niên vụ trước. Điều đó cho thấy, có lượng gạo khá lớn được các nước đưa vào kho dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực trong mùa dịch, và nguồn cung nhìn chung vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Giá gạo thế giới năm 2021 do vậy sẽ không tăng mạnh như năm 2020, mặc dù ít có khả năng giảm mạnh.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên