MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau nhiều năm làm xe chạy dưới mặt đất, Toyota và Mitsubishi bắt tay sản xuất phương tiện chạy trên... cung trăng

24-07-2023 - 16:10 PM | Tài chính quốc tế

Toyota Motor và Mitsubishi Heavy Industries (MHI) đã công bố kế hoạch chi tiết về việc chế tạo các phương tiện mặt trăng chạy bằng năng lượng mặt trời.

Sau nhiều năm làm xe chạy dưới mặt đất, Toyota và Mitsubishi bắt tay sản xuất phương tiện chạy trên... cung trăng - Ảnh 1.

Những chiếc xe này có thể được dùng cho Dự án Artemis do Mỹ dẫn đầu, mục tiêu là đưa con người lên mặt trăng vào năm 2025. Đây sẽ là lần đầu tiên con người trở lại mặt trăng kể từ năm 1972.

Xe thám hiểm dự kiến sẽ được đưa lên mặt trăng vào năm 2029. Hai công ty đã tổ chức một buổi họp báo vào thứ Sáu (21/7) cùng với Cơ quan Không gian Hàng không Nhật Bản (JAXA) tại Tokyo. Trùng hợp thay, đó cũng là ngày Apollo 11 hạ cánh xuống mặt trăng 54 năm trước.

Toyota bắt đầu hợp tác với JAXA vào năm 2019 để phát triển một nguyên mẫu xe thám hiểm mặt trăng có tên là Lunar Cruiser. Nguyên mẫu được đặt tên theo chiếc xe bốn bánh Land Cruiser của Toyota, được thiết kế để hoạt động trong các môi trường khắc nghiệt như sa mạc và đường gập ghềnh ở vùng núi. Đây là báo cáo tiến độ đầu tiên của Toyota về chương trình không gian của họ trong bốn năm qua.

Lunar Cruiser sẽ di chuyển tổng cộng hơn 10.000 km trên mặt trăng để thực hiện các hoạt động thám hiểm. Ông lớn ô tô Nhật Bản đã tiết lộ bốn tính năng chính trên chiếc xe: Sử dụng pin tái tạo nhiên liệu (RCF); khả năng lái xe địa hình; lái xe tự động; và trải nghiệm người dùng.

RCF là loại pin ô tô được làm từ hydro chuyển hóa bằng phân điện ly từ năng lượng mặt trời, đang được MHI phát triển cùng với JAXA và Cơ quan Khoa học Công nghệ Biển-Đất Nhật Bản.

Trên mặt trăng, nơi ngày và đêm kéo dài hai tuần, pin tiếp tục tái tạo trong ban ngày là công nghệ rất quan trọng, cũng như công nghệ pin nhiên liệu mà Toyota đã áp dụng cho các xe của họ trên Trái đất.

Trưởng dự án thám hiểm mặt trăng tại Toyota Ken Yamashita cho biết RCF có một lợi thế lớn khi kích thước và khối lượng của pin cần thiết để sản xuất cùng một lượng năng lượng là nhỏ hơn rất nhiều so với pin lithium-ion.

Trong khi phát triển công nghệ RCF để sử dụng cho không gian, Toyota cũng có ý định áp dụng nó trên mặt đất cũng. Chỉ riêng năng lượng từ nước và ánh sáng mặt trời đã có thể được sử dụng làm nguồn điện ở các hòn đảo xa xôi hoặc trong thời gian thiên tai và được kỳ vọng sẽ góp phần trung hoà carbon.

Chiếc xe cũng sẽ được trang bị không gian sống khoảng 7m2, nơi hành khách không cần mặc bộ đồ không gian. Vì các phi hành gia sẽ dành khoảng một tháng trong không gian nhỏ bé để khám phá, nên các công ty có kế hoạch thiết kế nó sao cho thoải mái nhất có thể bằng cách sử dụng bí quyết từ các hoạt động kinh doanh thông thường của họ.

MHI đã vận dụng kiến thức của mình vào một môi trường trong không gian không trọng lực, có tính đến chênh lệch áp suất giữa cabin có người lái và bên ngoài nơi các phi hành gia sẽ tiến hành các hoạt động thám hiểm.

Yamashita bổ sung: "Điều này cũng quan trọng khi chúng ta đến xem xét cách mọi người sẽ dành thời gian trong không gian khoang khi họ không còn lái xe mà để xe lái tự động."

Quản lý dự án tại MHI Atsushi Nakajima cho biết công ty đang xem xét việc sản xuất chiếc xe thám hiểm mặt trăng nặng khoảng 10 tấn tại nhà máy của họ hai đến ba năm trước khi phóng.

Toyota cho biết họ đang mong muốn mở rộng quan hệ đối tác liên quan đến kinh doanh không gian của họ trong tương lai. Công ty này đã hợp tác với Bridgestone để phát triển lốp kim loại có thể chạy trên bề mặt mặt trăng.

“Chúng tôi đang bàn về các thỏa thuận bảo mật với nhiều công ty trong giai đoạn phát triển và muốn chúng trở nên phổ biến vào thời điểm thích hợp,” Yamashita nói.

Tham khảo Nikkei Asia

Di Dung

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên