Sau nhiều tháng hút vốn mạnh, các quỹ ETFs trên TTCK Việt Nam đã bị rút ròng gần 1.600 tỷ đồng trong tháng 5
Một điểm đáng chú ý, nếu như trong những tháng đầu năm, xu hướng bán ròng của khối ngoại chủ yếu đến từ các quỹ chủ động, đặc biệt thuộc nhóm các quỹ cận biên (Frontier Fund) thì trong tháng 5 vừa qua, lực bán ròng của khối ngoại đã có sự tham gia của các quỹ ETFs.
Trái với lo ngại hiện tượng "Sell in May", diễn biến TTCK Việt Nam trong tháng 5 khá tích cực và vượt xa kỳ vọng của giới đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch 28/5, chỉ số VN-Index dừng tại 1.320,46 điểm, mức cao nhất trong lịch sử 21 năm thành lập. Tại mức điểm này, VN-Index tăng 6,54% so với đầu tháng và tăng gần 20% so với đầu năm và nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới.
Dù vậy, mặc cho thị trường chung đang không ngừng chinh phục đỉnh cao mới, khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng. Tính riêng tháng 5, khối ngoại đã bán ròng hơn 10.100 tỷ đồng trên HoSE, con số kỷ lục trong một tháng từ trước tới nay. Lũy kế từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng lên tới hơn 24.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, lớn hơn tổng lượng bán ròng trong cả năm 2020 và 2016 cộng lại.
Một điểm đáng chú ý, nếu như trong những tháng đầu năm, xu hướng bán ròng của khối ngoại chủ yếu đến từ các quỹ chủ động, đặc biệt thuộc nhóm các quỹ cận biên (Frontier Fund) thì trong tháng 5 vừa qua, lực bán ròng của khối ngoại đã có sự tham gia của các quỹ ETFs.
Số liệu thống kê cho biết từ đầu tháng 5 tới nay, hầu hết các quỹ ETFs lớn trên thị trường đều bị rút ròng vốn, có thể kể tới như FTSE Vietnam ETF, SSIAM VNFinLead ETF, VFMVN30 ETF, Kim Kindex Vietnam VN30 ETF…với tổng lượng rút ròng lên tới gần 1.600 tỷ đồng.
Cụ thể, trong tháng 5, FTSE Vietnam ETF là quỹ bị rút vốn mạnh nhất với giá trị lên tới 32 triệu USD (khoảng 742 tỷ đồng). Quỹ ETF Hàn Quốc KIM Kindex Vietnam VN30 ETF cũng bị rút ròng khoảng 324 tỷ đồng, nâng lượng rút ròng từ đầu năm tới nay của quỹ lên tới 2.000 tỷ đồng. Tương tự, quỹ ETF đến từ HongKong Premia MSCI Vietnam ETF cũng bị rút ròng nhẹ khoảng 12 tỷ đồng.
Bộ đôi quỹ ETF nội SSIAM VNFinLead ETF và VFMVN30 ETF bị rút ròng lần lượt 119 tỷ đồng và 188 tỷ đồng trong tháng 5. Trong đó, tháng 5 cũng đáng dấu tháng thứ 4 liên tiếp VFMVN30 ETF bị rút vốn. Dù vậy, điểm tích cực là trong những phiên giao dịch gần đây, VFMVN30 ETF đang hút vốn trở lại, dù lượng vốn đổ vào là không quá lớn.
Các quỹ ETF chuyên đầu tư vào khu vực cận biên, mới nổi như iShare MSCI Frontier and Select EM ETF hay S&P Select Frontier ETF bị rút ròng lần lượt 185 tỷ đồng và 76 tỷ đồng. Trong 2 quỹ này, Việt Nam đều là thị trường lớn nhất với tỷ trọng lần lượt 19,5% Và 30,38%.
Ở chiều ngược lại, VFMVN Diamond ETF là quỹ hút vốn tốt nhất trong tháng 5, tuy vậy lượng hút vốn chỉ vỏn vẹn 38 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong những phiên giao dịch gần đây, dòng vốn đang có dấu hiệu rút ra khỏi VFMVN Diamond ETF.
Trong khi đó, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF sau giai đoạn huy động vốn mạnh trong tháng 3 và tháng 4 đã tạm ngưng hút vốn trong tháng 5 khi quy mô quỹ đạt mục tiêu 10 tỷ Đài Tệ (~8.300 tỷ đồng).
Mặc dù lượng rút vốn trong tháng 5 của các quỹ ETF là chưa quá lớn (~1.585 tỷ đồng), tuy nhiên đây là một tín hiệu mà nhà đầu tư cần lưu ý bởi thông thường biến động dòng vốn ETF khá đồng pha với xu hướng thị trường. Trong năm 2018, các quỹ ETF đã rút vốn ngay trước thời điểm VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200.
Tuy nhiên, số liệu ETF cũng chỉ là một trong nhiều chỉ báo để quan sát thị trường. Trên thực tế, bất chấp áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại từ năm 2020 tới nay, VN-Index vẫn liên tiếp bứt phá và chinh phục đỉnh cao mới với sự dẫn dắt của dòng tiền nội.