Sau những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ, đây là những người đang 'ngồi mát ăn bát vàng'
Ảnh: Shutterstock
“An toàn” là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong bối cảnh lĩnh vực tài chính Mỹ gặp bất ổn. Chính vì thế, họ đổ xô đi tìm nơi trú ẩn.
- 28-03-2023Quân domino tiếp theo "lung lay" sau cơn khủng hoảng của ngân hàng Mỹ
- 28-03-2023Những vết nứt trong đế chế tài chính 7 nghìn tỷ USD: Lỗ trái phiếu vọt lên gần 30 tỷ USD trong năm ngoái, 'cầu cứu' cơ quan liên bang khi tiền gửi bị rút mạnh
- 27-03-2023Khi thị trường hướng đến một thế giới ‘hậu Fed’, đây là 4 yếu tố định hình lại môi trường đầu tư
Sự sụp đổ của các ngân hàng khu vực Mỹ và thương vụ giải cứu Credit Suisse đang làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của tiền gửi ngân hàng. Vì thế, các nhà đầu tư rót tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ của Mỹ. Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Fidelity là những người hưởng lợi nhiều nhất.
Theo nhà cung cấp dữ liệu EPFR, hơn 273 tỷ USD đã được rót vào các quỹ thị trường tiền tệ trong tháng 3, khiến đây là tháng có dòng tiền chảy vào lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
Các quỹ tiền tệ của ngân hàng Goldman Sachs tại Mỹ đã thu về gần 52 tỷ USD, tăng 13% kể từ trước ngày ngân hàng SVB bị chính quyền Mỹ tiếp quản (9/3/2023).
Theo dữ liệu của iMoneyNet, các quỹ của JPMorgan đã nhận được gần 46 tỷ USD còn Fidelity ghi nhận dòng tiền vào là gần 37 tỷ USD.
Các quỹ thị trường tiền tệ thường đầu tư vào các tài sản rủi ro thấp, dễ mua bán. Lợi suất của các công cụ này đang ở mức tốt nhất trong nhiều năm khi chúng tăng cùng lãi suất.
Tốc độ của dòng tiền đã tăng nhanh trong 2 tuần qua. Những người có nhiều tiền mặt tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Mặc dù giới chức Mỹ đã tuyên bố đảm bảo cho tất cả các khoản tiền gửi tại Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank, họ lại không chắc chắn về khoản tiền gửi trên 250.000 USD tại các ngân hàng khác.
Giám đốc đầu tư Ashish Shah tại Goldman Sachs Asset Management cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến nhà đầu tư thuộc mọi phân khúc chuyển dịch sang các quỹ thị trường tiền tệ”.
Theo nghiên cứu từ Ngân hàng Mỹ (BofA), dòng tiền trong tháng này gia tăng đã thúc đẩy tổng tài sản trong các quỹ tiền tệ tăng lên mức kỷ lục 5.100 tỷ USD.
Dữ liệu từ viện Investment Company Institute (ICI) cho thấy tiền đang đặc biệt chảy vào các quỹ nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn được coi là điểm đến an toàn nhất. Các quỹ nắm giữ nợ ngân hàng và thương phiếu có dòng tiền chảy ra nhỏ. Trong khi đó, các dòng vốn lớn đổ vào các quỹ liên kết với các ngân hàng blue-chip của Phố Wall và các công ty đầu tư lớn nhất.
Bà Sara Devereux của công ty đầu tư Vanguard cho rằng dòng tiền chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ một phần là do nỗi lo sợ các ngân hàng đóng cửa. Lý do còn lại có thể là vì lợi suất trên thị trường tiền tệ hiện đang rất hấp dẫn.
Dữ liệu ICI cho thấy phần lớn dòng tiền đến từ các nhà đầu tư tổ chức. Nhưng các nhà đầu tư cá nhân cũng đang chuyển sang các quỹ tiền tệ.
Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy tiền gửi ngân hàng đã giảm trong tuần tính đến ngày 15/3, từ 17,6 nghìn tỷ USD xuống còn 17,5 nghìn tỷ USD. Tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ đã giảm từ 5,6 nghìn tỷ USD xuống còn 5,4 nghìn tỷ USD.
Theo ông Andrzej Skiba của RBC Global Asset Management, các nhà đầu tư thường hướng đến sự an toàn đầu tiên khi nền kinh tế gặp chấn động. Điều đó không chỉ xảy ra với riêng Mỹ. Ông cho rằng các quỹ thị trường tiền tệ không chỉ mang lại lợi suất tốt mà còn rất an toàn cho các nhà đầu tư.
Đối với các quỹ thị trường tiền tệ quốc tế, xu hướng dòng tiền chưa quá rõ rệt. Song, các quỹ quốc tế của BlackRock đã nhận được 16 tỷ USD, còn GSAM đã nhận được 6 tỷ USD từ ngày 9/3.
Tham khảo FT
Nhịp Sống Thị Trường