MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau ồn ào đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ Tài nguyên đề xuất quy định xử lý bỏ cọc

31-03-2022 - 14:31 PM | Bất động sản

Sau ồn ào đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ Tài nguyên đề xuất quy định xử lý bỏ cọc

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung loạt quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó quy định rõ việc xử phạt đối với trường hợp tự ý bỏ cọc khi tham gia đấu giá đất. Đồng thời, đề xuất khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Sau ồn ào đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai .

Tại dự thảo này, Bộ đề xuất bổ sung quy định về xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá; điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; quy định quyền và trách nhiệm của người tham gia đấu giá...

Nộp tiền đặt trước tối thiểu 20%, phải có tài sản đảm bảo

Theo dự thảo, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai.

Sau ồn ào đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ Tài nguyên đề xuất quy định xử lý bỏ cọc - Ảnh 1.

Dự thảo quy định, khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.


Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.

Dự thảo quy định, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện quy định tại điểm 1, điểm 5 nêu trên. Trường hợp cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm các điều kiện quy định nêu trên.

Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho Nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.

“Giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tài sản bảo đảm và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng”, dự thảo nêu rõ.

Cấm tham gia đấu giá trong 5 năm nếu tự ý bỏ cọc

Đáng chú ý, dự thảo quy định, trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Sau ồn ào đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ Tài nguyên đề xuất quy định xử lý bỏ cọc - Ảnh 2.

Dự thảo quy định, trường hợp nếu tự ý bỏ cọc sẽ cấm tham gia đấu giá trong 5 năm.

Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.

Theo dự thảo, người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định của pháp luật; từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định; rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận; từ chối kết quả trúng đấu giá mà không có lý do chính đáng.

Dự thảo quy định, người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất

Thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất; người trúng đấu giá không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không bồi thường...

Tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu tình trạng đấu giá đất ở nhiều nơi có sự bắt tay ngầm, tạo ra sốt đất ảo, nhiều trường hợp nhà đầu tư "trả giá trên trời rồi bỏ cọc"… "Vụ đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa qua làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các vùng lân cận lên cao, gây sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội", ĐBQH chất vấn Bộ trưởng về giải pháp khắc phục tình trạng trên?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, việc đấu giá đất thời gian qua đã nổi lên vấn đề không chỉ "thổi giá" mà còn "dìm giá", rồi "quân xanh, quân đỏ", làm biến động thị trường bất động sản, thất thoát tài sản Nhà nước, tạo mặt bằng giá mới ảnh hưởng đời sống kinh tế, sâu hơn nữa, rất nhiều hệ lụy. Đặc biệt, giá đất đó là ảo nhưng lại có thể thế chấp ở ngân hàng rồi rút tiền là thực, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và nhiều vấn đề khác...


Theo Ninh Phan

Tiền phong

Trở lên trên