Sầu riêng hết vụ, xuất khẩu rau quả giảm mạnh
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam bất ngờ giảm tới 39% so với tháng trước, đạt gần 373 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam đang tích cực đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thị trường thêm hàng loạt sản phẩm rau quả.
- 09-12-2023Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc
- 19-11-2023Nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang tỉ lệ ra trái thấp do thời tiết cực đoan
- 16-11-2023Kho bãi ‘mọc’ tràn lan ở thủ phủ sầu riêng: Chính quyền nói gì?
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng xuất khẩu rau quả trong tháng 11 giảm mạnh do mặt hàng chủ lực là sầu riêng đã qua thời điểm chính vụ.
Theo ông Nguyên, trong 11 tháng, xuất khẩu sầu riêng đã đạt khoảng 2,3 tỷ USD, chiếm khoảng 45% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Dù kim ngạch trong tháng này giảm mạnh, tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả vẫn đạt con số ấn tượng, với gần 5,2 tỷ USD, tăng tới 70,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất.
"Trong lịch sử ngành rau quả, chưa năm nào có kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD. Năm nay, lúc đầu Hiệp hội cũng chỉ dự báo kim ngạch cả năm khoảng 4 tỷ USD, nhưng còn trên 5 tỷ USD nằm ngoài mong đợi của các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý", ông Nguyên nói.
Với kết quả này, ông Nguyên dự tính kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm nay có thể đạt con số 5,5 tỷ USD hoặc 5,6 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra của ngành rau quả đến năm 2025.
Về thị trường xuất khẩu, tính đến hết tháng 11, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí số 1 với kim ngạch đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng tới 149% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 2 tỷ USD) và chiếm khoảng 65,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của các nước.
Với việc Việt Nam và Trung Quốc vừa hoàn tất nghị định thư xuất khẩu dừa hấu chính ngạch thị trường này, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá là bước quan trọng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, và người dân trồng dưa hấu của Việt Nam.
Ông Nguyên cho rằng, khi Nghị định thư mở ra, xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm tới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh chóng hơn nhiều.
“Hải quan Trung Quốc sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ còn 2-3% nên sẽ không còn cảnh dưa hấu bị ùn tắc khi bước vào cao điểm như lễ Tết mọi năm. Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này cũng sẽ ổn định hơn, giúp người dân trồng dưa tăng thu nhập”, ông Nguyên cho hay.
Ông Huỳnh Tất Đạt – Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, ngay sau khi Nghị định thư về dưa hấu có hiệu lực đòi hỏi từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói phải chuẩn hóa, tuân thủ theo quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Ông Đạt thông tin, từ nay đến cuối năm, Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm: trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu. “Nếu tiếp tục ký Nghị định thư được với các mặt hàng này, xuất khẩu rau quả, nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ có nhiều bất ngờ lớn", ông Đạt cho hay.
Tiền phong