MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau Soya Garden, Phin Deli và MIA, người thuê mới Danny Green có phá được "lời nguyền" 2 năm ở mặt bằng Ngã sáu Phù Đổng?

16-08-2024 - 10:35 AM | Doanh nghiệp

Kể từ sau khi Phúc Long rời khỏi vào năm 2019, mặt bằng "tiền tấn" 325 Lý Tự Trọng ở Ngã 6 Phù Đổng dường như dính phải "dớp" khi không thương hiệu nào trụ nổi qua 2 năm. Người thuê mới nhất là Danny Green đã xuất hiện hết sức hoành tráng, song không ai biết họ có vượt qua được 'cái dớp' trên hay không.

"Lời nguyền" 2 năm kể từ khi Phúc Long rời đi?

Dù diện tích khá khiêm tốn nhưng giá thuê luôn cao chót vót bởi có tới hai mặt tiền, vậy nên mặt bằng ở số 325 Lý Tự Trọng ở Ngã 6 Phù Đổng luôn được giới bán lẻ cũng như người tiêu dùng ở TP.HCM quan tâm đặc biệt. 

Mới đây, mặt bằng này lần nữa đổi chủ với người thuê mới là Danny Green – thương hiệu về thực phẩm hữu cơ có tuổi đời 10 năm.

Cửa hàng cà phê và trà Phúc Long đã thuê mặt bằng này trong 5 năm với giá 14.000 USD/tháng, sau đó chủ nhà lên giá 25.000 USD thì Phúc Long rời đi. Cả Soya Garden và PhinDeli đều được thuê với giá 25.000 USD. Sau khi PhinDeli rời đi, mặt bằng này lên giá nhẹ một chút là 26.000 USD (khoảng 700 triệu đồng) và được siêu thị valy MIA thuê. Do thị trường đang trong giai đoạn khá khó khăn, nên lần này chủ thuê không tăng giá nữa mà vẫn neo mức 26.000 USD.

Kể từ khi Phúc Long rời khỏi đây vào năm 2019, dường như không có bất cứ người thuê đến sau nào có thể trụ được trên 2 năm, Phin Deli hay MIA chỉ có ngót nghét 1 năm. Thậm chí, sau đó, cả Soya Garden và Phin Deli còn đi thụt lùi vì nhiều biến cố khác nhau.

Sau khi lên chương trình Shark Tank Việt Nam, Soya Garden của Nhà sáng lập Hoàng Anh Tuấn đã thành công nhận đầu tư từ Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy. Tổng cộng Egroup đã đầu tư vào Soya Garden 100 tỷ đồng và khai trương cửa hàng thứ 50 ở Ngã sáu Phù Đổng vào 7/2019.

Sau Soya Garden, Phin Deli và MIA, người thuê mới Danny Green có phá được

Tuy nhiên, do Covid-19 và nhiều nguyên nhân khác nhau, Soya Garden dần rơi vào khó khăn và quyết định đóng bớt cửa hàng trên khắp cả nước. Vào giữa năm 2021, họ đã chính thức rời bỏ mặt bằng ở Ngã sáu Phù Đổng. Hiện tại, chuỗi Soya Garden đã đóng cửa và Egroup – Shark Thủy đang trong giai đoạn vô cùng bấp bênh.

Sau khi Soya Garden rời đi, vì Covid-19 đang trong giai đoạn cao trào, phải tới tháng 11/2021, người ta mới thấy sự xuất hiện của người thuê tiếp theo ở mặt bằng đắc địa này, là Phin Deli – được hậu thuẫn bởi Nova F&B thuộc Novaland. Tuy nhiên, niềm vui của Phin Deli ngắn chẳng tày gang, khi Novaland đối mặt với nhiều vấn đề lớn về tài chính trong năm 2022. Phin Deli phải rời mặt bằng đắt đỏ chỉ sau 1 năm.

Chỉ 1-2 tháng sau khi Phin Deli trả mặt bằng, MIA đã nhanh chóng thay thế, khi họ khai trương cửa hàng vào tháng 11/2022.

Sau Soya Garden, Phin Deli và MIA, người thuê mới Danny Green có phá được

CEO MIA Trần Anh Tuấn

Tại thời điểm chúng tôi phỏng vấn anh Trần Anh Tuấn vào cuối 2022 - lúc thị trường còn tươi sáng, vị CEO MIA đã cho biết: "MIA đang có kế hoạch sẽ gắn bó dài hạn với mặt bằng này chứ không 'bỏ chạy' sớm. Chúng tôi sẽ không thuê 1 năm mà ít nhất 3 năm, chỉ cần chủ nhà không làm khó như tăng 20% đến 30% lên 50.000 USD/tháng chẳng hạn".

Tuy nhiên, sau 1 năm mọi chuyện đã rất khác, khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiếp tục 'thắt lưng buộc bụng' và một phần là MIA đã hoàn thành mục tiêu làm thương hiệu, nên họ đã từ bỏ mặt bằng này dù chủ nhà không tăng giá. Ngoài ra, có vẻ là quá trình đàm phán giữa MIA và chủ cho thuê khá căng thẳng song cuối cùng không ra bất cứ kết quả gì thực tế, bởi phải tới 3/2024, mặt bằng này mới lại rao cho thuê lần nữa.

Danny Green có phá được 'dớp'?

Mặt khác, do nền kinh tế vẫn còn ảm đạm và việc tìm người thuê trả được 700 triệu đồng/tháng không dễ, phải đến tháng 6/2024, Danny Green mới bắt đầu truyền thông về cửa hàng này và tháng 7/2024 họ chính thức khai trương.

Sau Soya Garden, Phin Deli và MIA, người thuê mới Danny Green có phá được

Danny Green chính thức khai trương cửa hàng vào tháng 7/2024. Ảnh: Danny Green

Giới thiệu trên website của Danny Green cho biết: "Công ty Cổ Phần DannyGreen, tiền thân là Công ty TNHH Seagull ADC, là Công ty thành viên của Công ty Cổ Phần Phát Triển Nông nghiệp Hải Âu (Seagull ADC) được thành lập với nhiệm vụ chính là kinh doanh phân phối sỉ và lẻ các sản phẩm của Seagull ADC ra thị trường".

Theo chia sẻ mới nhất của ông Trần Phong Lan – CEO Seagull ADC và Danny Green, thì các sản phẩm của Danny Green được họ sản xuất tại 3 nông trang quy mô lớn tại Tây Ninh, Hậu Giang, Ninh Thuận và sắp tới là dự án ở Đăk Lăk.

"Nhiều năm trước, người tiêu dùng mua một quả dưa lưới nhập khẩu từ Nhật Bản nặng khoảng 2kg có giá trên dưới 1 triệu đồng. Thì giờ đây, cũng sản phẩm dưa như vậy, lấy giống từ Nhật, trồng ở Việt Nam, chất lượng không hề thua kém, nhưng giá bán chỉ vài trăm nghìn đồng/quả.

Với tên tuổi và thương hiệu trên thị trường hơn 10 năm, sản phẩm dưa lưới của Danny Green đã đạt chứng nhận GAP Nhật Bản và USDA của Mỹ và chuẩn bị nhận chứng nhận châu Âu. Tuy vậy, hành trình để đưa sản phẩm có thương hiệu vào thị trường châu Âu còn khó khăn.

Chúng tôi vẫn muốn tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm hữu cơ, một trong những sản phẩm cao cấp của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, một trong những thị trường khó tính trên thế giới", ông Trần Phong Lan chia sẻ.

Sản phẩm tạo nên tên tuổi cho Danny Green chính là các chủng loại dưa lưới được đặt tên theo chủ đề biển cả: Dưa Lưới Hữu Cơ Biển Ngọc Bích, Biển Hằng Nga, Biển Kim Ngân, Biển Quận Chúa… Lý do có thể bởi ông Trần Phong Lan từng là sỹ quan tàu biển. Hiện họ có các dòng sản phẩm chính như rau củ quả hữu cơ, dưa lưới đóng lon, sản phẩm chế biến…

Danny Green đang được phân phối chủ yếu bởi các hệ thống siêu thị tầm trung và cao cấp như GO! Việt Nam, Tops Market, Co.opXtra, MM Mega Market, Annam Gourmet và Farmers Market… Bản thân họ chỉ mở 4 cửa hàng Danny Green Biomarkt: 3 tại TP.HCM và 1 ở Cần Thơ.

Sau Soya Garden, Phin Deli và MIA, người thuê mới Danny Green có phá được

Ông Trần Phong Lan - CEO của Danny Green. Ảnh: Danny Green

Vậy Danny Green tiềm lực cỡ nào? Trong một bài phỏng vấn với BSA năm 2018, ông Trần Phong Lan từng tiết lộ: "Hiện nay, hệ thống nhà màng trồng dưa lưới và bí của Danny Green khoảng trên dưới 5 tỷ/ha. Một số hệ thống nhà màng trồng cây ăn trái, có thể chi phí rẻ hơn, nhưng cũng khoảng từ 2 – 3 tỷ/ha. Đó là số tiền lớn, tính ra 1.000 mét vuông phải đầu tư khoảng 200 – 300 triệu đồng.

Vậy nên việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ là một thách thức rất lớn với những người nông dân, bởi cần có nguồn vốn, nguồn đất lớn đảm bảo sạch…Với nông dân đó là điều khó!".

Trong năm 2022, ông cũng từng cho biết thêm: họ đang chuẩn bị cho trang trại ở Ninh Thuận có diện tích khoảng 120ha và 15 hệ thống nhà màng để phục vụ sản xuất dưa lưới hữu cơ với chất lượng ngang tầm Nhật Bản.

Những đầu tư lớn đó đảm bảo sản phẩm hữu cơ của Danny Green vừa có chất lượng cao vừa đẹp mắt; kèm theo đó là mức giá cao gấp đôi và gấp ba các sản phẩm phổ thông. Ví dụ cụ thể: 1 bó cải bẹ xanh ở Bách Hóa Xanh 400g có giá 10.000, cải bẹ xanh 300g VietGAP ở KingFood Mart còn giá 14.500, còn ở Danny Green 1 bó cải bẹ xanh có giá 35.000.

Có lẽ việc Danny Green có phá được cái 'dớp' 1 năm của Phin Deli hay MIA hay không còn tùy thuộc lớn vào diễn biến của thị trường từ đây cho đến hết hợp đồng 1 năm của họ. Dù với mục tiêu làm thương hiệu, thì không phải ai cũng chịu được việc trả 8,4 tỷ đồng/năm cho 1 mặt bằng, nếu không phải những doanh nghiệp lớn dẫn đầu thị trường Việt Nam và toàn cầu như Con Cưng, Starbucks, Cafe Amazon…

Theo Quỳnh Như

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên