Saudi không ký tiếp thỏa thuận petrodollar, Mỹ suy yếu toàn cầu?
Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia cho rằng, vai trò quốc tế của Mỹ trong thương mại đang bắt đầu suy giảm.
- 14-06-2024Ả Rập Saudi gây sốc khi tiến tới từ bỏ petrodollar
- 12-04-2023Vùng Vịnh 'bơi trong tiền' nhưng xuất hiện những dòng chảy lạ: Petrodollar sắp hết thời, vị thế của Mỹ suy yếu?
Sputnik dẫn phân tích của ông Hossein Askari, cựu thành viên Ban điều hành IMF và cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia cho rằng, uy tín toàn cầu của Mỹ về thương mại đã thực sự suy giảm.
Theo đó, ông Askari đề cập đến thỏa thuận petrodollar không được gia hạn giữa Saudi Arabia và Mỹ mới đây, đồng thời khẳng định rằng, đây không phải lý do tài chính xuất hiện từ phía Riyadh.
“Tôi không thấy Saudi Arabia chuyển sang sử dụng một loại tiền tệ khác vì lý do tài chính. Nếu họ thay đổi loại tiền tệ thì nó sẽ có động cơ chính trị hơn" - vị cố vấn bình luận.
Ông Askari chỉ ra rằng, mặc dù đồng dollar ổn định hơn các loại tiền tệ khác, nhưng việc định giá dầu trong rổ tiền tệ như Quyền rút vốn đặc biệt của IMF, sẽ khiến giá dầu ổn định hơn.
Cố vấn Askari tin rằng, việc không gia hạn thỏa thuận petrodollar 50 năm là "một thông điệp cho thấy vai trò quốc tế của Mỹ trong thương mại đang bắt đầu suy giảm".
Saudi Arabia hiện có thể bán dầu và các hàng hóa khác bằng các loại tiền tệ khác như đồng nhân dân tệ, đồng euro và đồng yên, cùng các loại tiền khác.
Thỏa thuận petrodollar có thời hạn 50 năm trước đó được ký với Mỹ yêu cầu Riyadh định giá xuất khẩu dầu bằng đồng dollar và đầu tư doanh thu thặng dư từ dầu vào trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Đồng thời, vị chuyên gia cũng nhận định, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ không gặp bất kỳ biến động lớn nào sau khi kết thúc thỏa thuận petrodollar Mỹ-Saudi.
"Mặc dù hiệp ước đã hết hạn nhưng không có gì phải vội vàng chuyển sang các loại tiền tệ khác” - vị cố vấn nói thêm.
Tuy nhiên, giới quan sát chú ý thấy Saudi Arabia đã thông báo gia nhập dự án quốc tế mBridge, dựa trên nền tảng tiền kỹ thuật số của một số ngân hàng trung ương, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại và tổ chức toàn cầu.
Hệ thống này được xây dựng trên công nghệ sổ cái phân tán để thực hiện thanh toán xuyên biên giới và giao dịch ngoại hối ngay lập tức.
Các thành viên quan sát của dự án mBridge bao gồm Ngân hàng Israel, Ngân hàng Namibia, Ngân hàng Pháp, Ngân hàng Trung ương Bahrain, Ngân hàng Trung ương Ai Cập, Ngân hàng Trung ương Jordan, cùng với các tổ chức như Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hệ thống Dự trữ Liên bang, Ngân hàng New York, Cục Dự trữ Liên bang Ngân hàng Australia, Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức tài chính khác.
Dự án mBridge là sản phẩm của sự hợp tác rộng rãi từ năm 2021, bao gồm Trung tâm Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Ngân hàng Thái Lan, Ngân hàng Trung ương UAE, Viện Tiền tệ Kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Hồng Kông.
Giao dịch đầu tiên được thực hiện vào năm 2022, từ đó dự án mBridge chính thức trở thành sản phẩm khả thi.
Sự tham gia của các thành viên mới cùng với các công ty tư nhân mang tầm quốc tế sẽ càng củng cố uy tín của dự án mBridge.
Giáo dục và Thời đại