'Say sóng' vì giá cước vận chuyển container toàn cầu tiếp tục tăng chóng mặt
Giá cước vận chuyển container tăng vọt khiến chi phí xuất nhập khẩu bị đội lên cao.
- 13-06-2024Vinasun chính thức ra mắt dịch vụ taxi hybrid đầu tiên tại Việt Nam: giá cước từ 11.000 đồng, cam kết mua 2.000 xe của Toyota
- 08-06-2024Giá cước vận tải biển tăng chóng mặt từng ngày, 'cơn ác mộng' nghẽn cảng thời Covid đang quay trở lại khiến nhiều doanh nghiệp lao đao
- 27-01-2024Giá xăng tăng liên tiếp, doanh nghiệp vận tải vẫn giữ giá cước
Theo dữ liệu gần đây nhất, giá giao ngay cho các container vận chuyển cỡ lớn từ châu Á đến Mỹ và châu Âu đã tăng trở lại, với ba tuyến chính đều đạt mức 6.000 USD cho một loại tàu tương đương 40 feet, theo Drewry World Container Index, công bố hôm 13/6. Tất cả đều tăng gấp 3 lần kể từ cuối năm 2023, mặc dù tốc độ tăng đang ở mức vừa phải.
Gần 6 tháng xảy ra các cuộc tấn công thường xuyên nhằm vào các tàu thuyền ở Biển Đỏ đã làm suy giảm năng lực của ngành vận tải biển. Ngành này đang chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 80% tổng lượng hàng hóa thương mại quốc tế, làm gián đoạn dòng chảy thông thường và dẫn đến tắc nghẽn ở một số cảng lớn nhất châu Á.
Cửa ngõ hàng hải của Singapore, một trong những giao lộ quan trọng nhất thế giới về vận tải hàng hóa đường biển, đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Theo ước tính của ngành, thời gian chờ đợi bến cảng ở đó là gần 5 ngày và dao động từ 1 đến 4 ngày tại các cảng Ninh Ba, Thượng Hải và Thanh Đảo của Trung Quốc.
Ngoài nguồn cung căng thẳng, nhu cầu về hàng hóa vẫn ổn định, đặc biệt là ở Mỹ. Nhập khẩu tại Cảng Los Angeles, cảng biển nhộn nhịp nhất ở Mỹ, vẫn trên mức đỉnh trước đại dịch trong 5 tháng đầu năm 2024 mặc dù đã giảm trong tháng 5.
Theo Tổ chức Tư vấn Vận tải toàn cầu Drewry, chi phí của một container 40 feet để vận chuyển hàng hóa từ Thượng Hải đến Los Angeles vào tuần trước đã tăng 0,8% lên 6.025 USD. Đó là tuần tăng thứ sáu liên tiếp. Phí từ Thượng Hải đến Rotterdam tăng 2,4% lên 6.177 USD, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2022.
Drewry cho hay, từ Thượng Hải đến Genoa, Ý, ở Biển Địa Trung Hải – một trong những tuyến đường bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ngành vận tải biển tránh Biển Đỏ – giá cước đã tăng 3% lên 6.862 USD, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2022.
Drewry dự đoán giá cước vận tải từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng do vấn đề tắc nghẽn tại các cảng châu Á.
Với Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, giá cước vận tải biển container 40 feet từ TP.HCM đi bờ Tây đang ở mức 6.300 - 6.400 USD/container, đi bờ Đông ở mức 7.300 USD - 7.500 USD/container. Được biết, các chuyến tàu đi từ Việt Nam đến các cảng bờ Tây hiện rất khan hiếm chỗ.
Tương tự, giá cước vận tải hàng hóa sang các thị trường xuất khẩu lớn khác như: châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản cũng tăng mạnh. Hiện, giá cước vận tải hàng hóa từ nước ta đi châu Âu (tới các cảng chính ở Hà Lan, Bỉ, Đức…) ở mức từ 3.500 - 3.900 USD/container 20 feet và từ 7.000 - 7.800 USD/container 40 feet. Giá cước vận tải liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay, nhất là từ đầu tháng 6/2024 đến nay đã tăng 2 - 2,6 lần so với tháng 3/2024.
Không chỉ giá cước vận tải biển, theo công ty tình báo vận tải Xeneta, giá cước vận tải hàng không giao ngay từ Trung Quốc đến Bắc Mỹ cũng đã tăng 43%, lên 4,88 USD/kg so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5. Giá cước vận chuyển hàng hóa hàng không toàn cầu giao ngay trong tháng 5 đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, lên 2,58 USD/kg.
Theo CNBC, giá cước vận tải tăng là mối lo ngại mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu với những dự báo cảnh báo rằng giá hàng hóa đường biển có thể đạt 20.000 USD - thậm chí có thể chạm mức đỉnh 30.000 USD từ kỷ nguyên Covid - và duy trì ở mức đó cho đến năm 2025.
Tham khảo: CNBC, Yahoo Finance
Nhịp sống thị trường