MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Scandal kiểm kê thiếu hàng tồn kho tại Gỗ Trường Thành có thể khiến các ngân hàng sau "đứng ngồi không yên”

05-08-2016 - 10:46 AM | Doanh nghiệp

Các khoản vay ngắn hạn được đảm bảo bằng hàng tồn kho và các khoản phải thu. Với sự sai lệch số liệu, có lẽ các ngân hàng đã cho Gỗ Trường Thành vay cũng không thể ngồi yên.

Vụ scandal sai lệch số liệu về hàng tồn kho và phải thu tại Báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã: TTF) vẫn chưa hết dư chấn trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu TTF tiếp tục giảm sàn phiên thứ 14 và hiện chỉ còn 16.100 đồng – giảm 63% so với giá đóng cửa ngày 18/07.

Nhắc lại một chút về cú ngã của Gỗ Trường Thành, trong thuyết minh giá vốn 6 tháng đầu năm 2016 của TTF đột ngột xuất hiện khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” lên tới 980 tỷ đồng. Con số này được xác định trên cơ sở kết quả kiểm toán của Công ty kiểm toán EY 6 tháng đầu năm 2016 tại TTF.

Phát hiện này đã dẫn đến việc Công ty EY phải điều chỉnh thẳng vào chi phí giá vốn quý 2/2016 của TTF khiến cho giá vốn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức 1.690 tỷ đồng – cao gấp đôi doanh thu. Do đó, TTF lỗ gộp tới 807 tỷ đồng và lỗ ròng 1.073 tỷ đồng.

Đồng thời số dư hàng tồn kho tại ngày 30/06/2016 chỉ còn 1.834 tỷ đồng – giảm 729 tỷ đồng so với đầu quý 2, giảm 510 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản phải thu cũng giảm 264 tỷ đồng.

Chưa hết, số liệu tài chính tại thời điểm cuối năm trước (31/12/2015) bị điều chỉnh hồi tố 1 số khoản mục, trong đó điều chỉnh lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn với mức giảm 218 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của công ty này cho biết, các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản cá nhân của ông Võ Trường Thành và các cá nhân khác, hàng hóa tồn kho luân chuyển, các tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn, các khoản phải thu.

Như thế, với sự sai lệch về hàng tồn kho và các khoản phải thu, có lẽ các ngân hàng đã cho Gỗ Trường Thành vay cũng không thể ngồi yên. “Chủ nợ” lớn nhất của TTF tính đến cuối tháng 6 là Ngân hàng Việt Á.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2015, TTF có 1.104 tỷ đồng vay ngắn hạn từ các Ngân hàng. Danh sách ngân hàng không được thuyết minh cụ thể.

Công ty cũng có 40 tỷ đồng vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Kiên Long – Chi nhánh Bình Dương (được đảm bảo bằng nguyên liệu gỗ Teak và thành phẩm tồn kho) cùng với 3 tỷ đồng đã nợ quá hạn tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn – Chi nhánh Buôn Mê Thuột.

Tại thời điểm 30/06/2016, dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng của TTF là 1.024 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là NH TMCP Việt Á TP.HCM với dư nợ 555 tỷ bằng tiền Việt Nam và 12 tỷ bằng đồng USD.

NH Việt Á chi nhánh Buôn Mê Thuột cũng đang cho TTF vay 104 tỷ đồng. Ngoài ra là một loạt ngân hàng khác như Ngân hàng Đông Á (124,5 tỷ); NH Kiên Long (60 tỷ), NH Công thương Việt Nam (45 tỷ), Agribank Buôn Mê Thuột (hơn 50 tỷ), NH Sài Gòn Hà Nội (SHB) cho vay 15 tỷ đồng (bằng USD) và 41,5 tỷ đồng bằng tiền Việt Nam.

Dư nợ vay tại 30/6/2016

Dư nợ vay tại 30/6/2016

Khoản vay nợ dài hạn của NH TMCP Kiên Long – chi nhánh Bình Dương đã giảm 4 tỷ đồng còn 36 tỷ đồng.

Một câu hỏi nữa được đặt ra trong vụ Gỗ Trường Thành là các ngân hàng đã thẩm định và giám sát tài sản đảm bảo là hàng tồn kho như thế nào? Liệu Gỗ Trường Thành có “qua mặt” các ngân hàng như đối với các nhà đầu tư?

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên