SCB báo lãi gần 267 tỷ đồng trong quý 1, chuẩn bị chào bán cổ phiếu để tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng
Trụ cột chính giúp SCB đạt lợi nhuận cao trong quý đầu năm nay là mảng dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, chứng khoán, với cùng mức tăng trưởng trên 150% so với cùng kỳ năm ngoái.
- 07-04-2021SeABank muốn tăng vốn điều lệ từ 12.087 tỷ lên trên 15.200 tỷ đồng
- 07-04-2021Ngân hàng dồn dập báo lãi đậm quý 1
- 07-04-2021Vì sao MB muốn chọn Viettel để phát hành riêng lẻ, nâng tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn này tại ngân hàng lên 20%?
Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý và phương án chào bán cổ phiếu SCB ra công chúng.
Tính đến ngày 31/03/2021, quy mô tài sản của SCB đạt 660.580 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục nằm trong Top 5 ngân hàng có tài sản lớn nhất hệ thống các TCTD Việt Nam, và là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tài sản lớn nhất.
Dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm cuối quý 1 đạt 351.386 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. SCB vẫn kiểm soát tốt chất lượng tín dụng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu tại thời điểm cuối quý 1 năm 2021 lần lượt là 1,10% và 0,79%. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt 598.458 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
SCB cho biết ngân hàng hiện thuộc Top 3 ngân hàng TMCP có tốc độ phát triển mảng Bancassurance trên thị trường. Với xu hướng phát triển của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, SCB có thể tận dụng vị thế và tiềm năng có sẵn của mình để mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm và liên kết với nhiều đối tác hơn nữa. Nhờ thế mạnh trong mảng Bancassurance nói riêng cũng như nỗ lực trong việc kinh doanh và phát triển hoạt động dịch vụ nói chung, tính đến hết quý 1 năm 2021, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB đạt gần 420 tỷ đồng, tương đương 23,7% tổng thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2020, tăng 155,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán cũng đạt kết quả tốt, đạt 419 tỷ đồng, tăng 157,8% và tương đương gần 60% tổng thu nhập của mảng này trong năm 2020, đóng góp phần lớn vào cấu phần thu nhập của ngân hàng.
Nhờ khởi đầu năm 2021 với nhiều thuận lợi, lợi nhuận trước thuế của SCB quý 1 đạt gần 267 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh tiền tệ.
Mới đây, SCB đã công bố về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu SCB ra công chúng. Theo đó, SCB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030, trong đó, riêng năm 2020-2021 tăng thêm 5.000 tỷ đồng. Theo phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng trong năm 2020-2021, SCB sẽ chào bán 500 triệu cổ phần (tương ứng với 5.000 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu. Trên cơ sở tổng vốn điều lệ tăng thêm, SCB sẽ ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung vào đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh phù hợp với định hướng kế hoạch hàng năm để đáp ứng yêu cầu về nền tảng phát triển của SCB.
Vừa qua ngân hàng này còn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác của Nhật để đẩy mạnh hoạt động, trong đó đáng chú ý là hợp tác với Công ty Digital Wallet Corporation - một trong các công ty hoạt động kiều hối mạnh nhất tại Nhật Bản hồi tháng 1 và kết hợp tác chiến lược toàn diện với đại diện Ngân hàng Kiraboshi tại Việt Nam - Kiraboshi Business Consulting Vietnam trong tháng 2.
Nhịp sống kinh tế